Chiều 15.2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT để đánh giá tình hình ngành giáo dục trong thời gian qua, đặt mục tiêu cho những năm tới.

Xem xét chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo, cán bộ quản lý

Dạ Thảo | 15/02/2023, 22:15

Chiều 15.2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT để đánh giá tình hình ngành giáo dục trong thời gian qua, đặt mục tiêu cho những năm tới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay ngành giáo dục đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, kỳ vọng. Hiện nay cả nước có 41.529 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, (trong đó cơ sở giáo dục công lập chiếm 90,5%, ngoài công lập chiếm 9,5%) với tổng số hơn 22,2 triệu trẻ em, học sinh. Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT.

Ngành giáo dục đang triển khai một số nhiệm vụ lớn như Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ GD-ĐT cũng đang Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao…

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, với giáo dục đại học, cả nước có 227 cơ sở giáo dục đại học đầu mối. Trong đó 160 cơ sở giáo dục đại học công lập (chiếm 70,5%). 

Về quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp 36 cơ sở giáo dục đại học (trong đó có 3 đại học vùng). 96 trường công lập do các bộ ngành khác và 26 trường công lập do các địa phương quản lý trực tiếp. 2 đại học quốc gia không có cơ quan quản lý trực tiếp. 

Bộ GD-ĐT cũng triển khai thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH14 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

son-1(1).jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc

Sắp tới, Bộ GD-ĐT chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngành giáo dục cũng đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, năm 2023 ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Xem các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn. Trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công tư, nhất là chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất. Tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% trong tổng chi chi ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Quan tâm điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách cho giáo dục theo hướng tăng cấp hỗ trợ chi không thường xuyên trong khi giảm ngân sách chi thường xuyên.

Ngành giáo dục có sứ mệnh, trọng trách hết sức to lớn

Khẳng định sứ mệnh, trọng trách, phạm vi ảnh hưởng hết sức rộng lớn của ngành giáo dục, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những kết quả, thành tựu toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục vẫn bảo đảm tổ chức dạy học an toàn, chất lượng.

Theo Phó thủ tướng, cần được nhận diện, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, chỉ ra được những giải pháp trước mắt, lâu dài, “địa chỉ để hóa giải”, giải pháp khắc phục cụ thể ở khâu nào, quy định nào, của cấp quản lý nào.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý các vấn đề giáo dục trước mắt cần được chú ý như: Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tự chủ đại học; học phí bậc học mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; định hướng nghề nghiệp ở phổ thông; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học trong trường đại học… Tất cả các vấn đề trên ngành giáo dục cần chú trọng để phát triển, hoàn thành tốt trách nhiệm của ngành giáo dục đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xem xét chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo, cán bộ quản lý