Trước vấn nạn xe dù, bến lậu ở TP.HCM gây mất trật tự, ùn tắc giao thông, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý.

Xử lý bến xe khách lậu ở TP.HCM: Vi phạm rất rõ, sao lại 'bó tay'?

Lâm Sơn – Trung Kiên | 30/09/2016, 05:47

Trước vấn nạn xe dù, bến lậu ở TP.HCM gây mất trật tự, ùn tắc giao thông, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý.

Đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng quyết liệt chỉ đạo: “Yêu cầu anh Cường (Giám đốc Sở GTVT) tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm bến cóc, xe dù... Nhất là bến xe trái phép ở quận 10 mà Công ty Giày Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê trái phép, phải dẹp ngay trong tháng 8". Giám đốc Sở GTVT cũng đã thừa nhận bến xe ở số 1 Vĩnh Viễn, quận 10 là bến lậu, đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết dẹp ngay trong tháng 8.2016. Thế nhưng đến nay, bến lậu này vẫn... ngang nhiên hoạt động!

Vi phạm rất rõ, nhưng lại... “bó tay”!

“Bến xe khách lậu” ở số 1 Vĩnh Viễn, quận 10 là vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận, bởi nó không chỉ gây mất trật tự,ùn tắc giao thông, mà hàng trăm chiếc xe hoạt động “trá hình” chở khách tuyến cố định tại đây còn cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Đặc biệt, việc Thanh tra Sở GTVT không xử lý bến lậu này theo chỉ đạo của cấp trên và quy định của pháp luật, đã khiến nhân dân nghi ngờ: Phải chăng đã có sự bảo kê cho bến lậu số 1 Vĩnh Viễn của nhà xe Thành Bưởi?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, địa điểm số 1 Vĩnh Viễn, quận 10 thuộc Công ty cổ phần Giày Sài Gòn và công ty này cho nhà xe Thành Bưởi thuê làm văn phòng, bãi đỗ xe. Song thực tế nơi đây đã bị biến thành một bến xe lậu rất quy mô với hàng trăm lượt xe đăng ký xe hợp đồng, xe trung chuyển trá hình chạy tuyến cố định TP.HCM - Đà Lạt, hoạt động suốt ngày đêm.

Sau nhiều lần vào bến lậu số 1 Vĩnh Viễn tìm hiểu và ghi nhận thực trạng phát phiếu thông tin xác nhận đặt chỗ của từng khách lẻ đi xe hợp đồng, đón và trả khách tại đây, chúng tôi đã nhập vai hành khách đi Đà Lạt. Được nhân viên nhà xe phát cho phiếu thông tin đặt chỗ, chúng tôi lên xe tại bến và khi xe đi ra ngoài thành phố thì phụ xe thu tiền của từng hành khách. Đây là sự vi phạm rõ ràng, vì theo quy định tại Nghị định 86, Nghị định 46 của Chính phủ và các Thông tư do Bộ GTVT ban hành thì không được đón, trả khách tại bãi đỗ xe; xe đăng ký vận tải khách theo hợp đồng không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Đem những điều tận mắt chứng kiến tới gặp lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, chúng tôi được ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở “trần tình”: Điểm số 1 Vĩnh Viễn hoạt động như một bến xe và có đón – trả khách, nhưng đây là địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định thì xe hợp đồng được đón – trả khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng nên chúng tôi “bó tay” không xử lý được. Việc tại đây có tổ chức đặt chỗ và đón khách lẻ đi xe hợp đồng như dư luận phản ánh thì TTGT cũng biết nhưng rất khó xử lý vì khi vào kiểm tra thì họ lại không vi phạm. Còn nếu nói chỗ này vi phạm vì không nằm trong quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe thì cũng khó vì đó cũng không phải bến xe và bãi đỗ xe mà chỉ là bãi đỗ xe nội bộ của doanh nghiệp...”.

Khi phóng viên hỏi “Đề nghị ông cho biết địa điểm số 1 Vĩnh Viễn có phải bến lậu không và có ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông như dư luận phản ánh, cũng như sự thừa nhận của Giám đốc Sở GTVT không?” thì ông Lê Hoàng Minh từ chối trả lời. Nhưng cuối buổi làm việc với chúng tôi, ông Minh lại khẳng định là bến xe này có sai phạm, nhưng khó xử lý vì họ... lách luật!

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Khoa, Phó chủ tịch UBND quận 10 đã khẳng định: “Bãi xe quy mô lớn ở số 1 Vĩnh Viễn là trái pháp luật và trái quy hoạch về bến xe, bãi đỗ xe của thành phố. UBND quận đã có văn bản số 7040/UBND-KT nêu rõ: Việc Công ty cổ phần Giày Sài Gòn cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê đất để làm địa điểm kinh doanh, bãi đỗ xe, đón trả khách là vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và vi phạm về quy hoạch sử dụng đất; việc sửa chữa, cải tạo tại địa điểm này cũng không được phép; đồng thời hoạt động của bãi đỗ xe, đón trả khách tại đây đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư, gây mất trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông trên địa bàn. UBND quận 10 yêu cầu Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn ngưng việc cho thuê mặt bằng sai quy định và Công ty TNHH Thành Bưởi tạm dừng ngay hoạt động kinh doanh tại địa điểm số 1 Vĩnh Viễn”.

Công văn của UBND quận 10 khẳng định bến lậu số 1 Vĩnh Viễn là trái phép và yêu cầu ngừng hoạt động.

Khó xử lý, hay vì... bảo kê?

Ngày 14.9 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT TP.HCMcó văn bản số 945/TTS-TMTH gửi Chánh Thanh tra Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo để xử lý vi phạm “Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại số 1 Vĩnh Viễn (cửa ra là số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10).

Sau khi nghiên cứu kỹ văn bản này, tiến sĩ Phạm Sanh là chuyên gia về GTVT cho rằng: Việc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xin ý kiến cấp trên về việc xử lý bến lậu tại số 1 Vĩnh Viễn là nhằm đùn đẩy trách nhiệm, cố tình kéo dài thời gian xử lý vi phạm của bến lậu này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND và cam kết của Giám đốc Sở GTVT TP.

Và văn bản số 945/TTS-TMTH của Thanh tra Sở GTVT có nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý. Ví dụ vừa ở đoạn trước viết: Tại thời điểm lực lượng TTGT tiến hành kiểm tra đã ghi nhận trong khuôn viên (số 1 Vĩnh Viễn) có bố trí 4 quầy bán vé tuyến cố định TP.HCMđi Cần Thơ; 2 quầy tiếp nhận thông tin hành khách đi Đà Lạt (thực chất là xác nhận đặt chỗ - PV); nhà chờ có ghế ngồi cho khách; 1 quầy nhận ký gửi hàng hóa và các dịch vụ hành khách... Nhưng ngay đoạn sau lại viết: “Từ kết quả khảo sát và kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM nhận thấy điểm đỗ xe hoặc bãi đỗ xe ở số 1 Vĩnh Viễn, quận 10 là địa điểm kinh doanh theo chức năng của doanh nghiệp, chỉ phục vụ cho nhu cầu đỗ xe của nội bộ Công ty Thành Bưởi, phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Bến lậu số 1 Vĩnh Viễn vẫn ngang nhiên hoạt động như một bến xe lớn (trong ảnh là các quầy đặt chỗ cho khách lẻ đi xe hợp đồng tuyến Sài Gòn - Đà Lạt).

Điều vô lý nữa ở lập luận nêu trên là chẳng có quy định nào cho phép các nhà xe được đón, trả khách tại bãi đỗ xe; và việc lập bãi đỗ xe phải phù hợp với quy hoạch và có giấy phép của Sở GTVT. Như tại Điều 56 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT đã quy định rõ: “Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách” (kể cả xe hợp đồng).

Trong khi đó, việc UBND quận 10 đã khẳng định rõ hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe tại số 1 Vĩnh Viễn là trái pháp luật, không nằm trong quy hoạch và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, thì Thanh tra Sở GTVT lại lờ đi, không hề đề cập trong văn bản xin ý kiến cấp trên.

Về lý do “nhận thức pháp luật trong nội bộ đơn vị chưa thống nhất” nên phải xin ý kiến cấp trên thì lại càng khó chấp nhận, bởi một cơ quan chuyên ngành về GTVT cấp sở mà lại nhận thức về pháp luật chưa thống nhất? Không xử lý nổi một bến xe lậu rất quy mô, ở ngay gần trụ sở của Thanh tra Sở GTVT mà các vi phạm về không có giấy phép hoạt động bến bãi, trái quy hoạch, đón trả khách trái phép, xác nhận đặt chỗ cho xe hợp đồng trá hình... diễn ra rất công khai, ai cũng dễ dàng nhận ra... thì quá lạ! Và như vậy thì suốt nhiều năm qua, cả cơ quan và những cán bộ “nhận thức pháp luật chưa thống nhất” này đã làm việc với hiệu quả ra sao?

Một điều cũng rất bất thường nữa mà Thanh tra Sở GTVT TP.HCM lý giải phải xin ý kiến cấp trên là: “Lâu nay, việc TTGT đường bộ xử lý hành vi xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan thẩm quyền là chưa từng xảy ra và chưa có tiền lệ”! Chẳng lẽ toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ tối thượng để xử lý sẽ không có giá trị khi chưa có tiền lệ hay sao?

Cũng qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi còn phát hiện ra một điều lạ lùng nữa là, tại Điểm a, Điều 14, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã quy định rõ: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Thanh tra Sở GTVT TP.HCM lại không vận dụng quy định này để xử lý bến lậu số 1 Vĩnh Viễn?

Có thể nói, việc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM nêu lý do khó xử lý bến xe khách lậu tại số 1 Vĩnh Viễn, quận 10, đang khiến dư luận và nhất là các nhà xe làm ăn chân chính rất bất bình, bức xúc. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chuyên gia về GTVT và đại diện các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, tránh những dư luận cho rằng có sự “bảo kê” cho xe dù, bến lậu, lãnh đạo TP cần chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động của nhà xe Thành Bưởi và bến lậu ở số 1 Vĩnh Viễn để xử lý dứt điểm những vi phạm (nếu có); làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc để bến lậu này hoạt động mà không xử lý. Bên cạnh đó, cần xem xét xử lý nghiêm việc cho thuê đất trái phép để lập bãi đỗ xe, bến lậu ở số 1 Vĩnh Viễn, không để “xe dù” vào khu vực trung tâm đón – trả khách, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng như hiện nay.

“Xe dù” vào khu vực trung tâm đón – trả khách, gây ách tắc giao thông.

“Vấn nạn “xe dù, bến lậu” ở TP.HCM là quá rõ ràng. Điều rất đáng buồn là các đồng chí lãnh đạo TP đã nhiều lần chỉ đạo phải xử lý dứt điểm, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nếu không kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến lậu” thì hậu quả sẽ rất lớn bởi nhân dân mất lòng tin vào kỷ cương phép nước; lĩnh vực vận tải khách đường bộ sẽ bị “vỡ trận” và “xe dù, bến lậu” sẽ mọc ở khắp nơi, không thể quản lý nổi. Khi đó nạn tắc đường ở TP.HCMsẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều”.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về GTVT.

Lâm Sơn - Trung Kiên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý bến xe khách lậu ở TP.HCM: Vi phạm rất rõ, sao lại 'bó tay'?