Báo cáo trước Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cần làm rõ để xác định trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng sai quy định, huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới.
Ngày 4.11, Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông Thôn Mới (NTM) (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, đến nay có 2.061 xã (chiếm 23%) đã đạt tiêu chí nông thôn mới, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Báo cáo cho biết, trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỉ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỉ đồng.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng
, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
“Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước” – ông Thanh nói.
Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện.
Báo cáo cũng chỉ ra, một số địa phương mới chủ yếu tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng mà chưa coi trọng phát triển sản xuất,tái cơ cấu sản xuất; chậm áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả cao; hợp tác xã chưa phát huy hết vai trò của mình…
Đồng thời, chưa có chính sách mang tính đột phá, nhất là trong khâu tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, khắc phục rủi ro thị trường… Nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình còn chưa đảm bảo. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách thiếu đồng bộ, còn mang tính biệt lập theo quản lý ngành...
Do đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, cần làm rõ để xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mớicòn nhiều hạn chế, nhiều tiêu chí nông thôn mới bất hợp lý, lãng phí. Nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, chưa tính đến yếu tố vùng miền nên kết quả chưa cao.
Ông Phương cho hay,xây dựng nông thôn mớinhưng nhiều xã chạy theo thành tích, quá sức dân, khiến 53/63 tỉnh, thành nợ vì xây nông thôn mới. Nông thôn mới quá chú trọng cơ sở hạ tầng như chợ, bưu điện… trong khi coi nhẹ việc phát triển các giá trị văn hóa xã hội. Nếu không cải thiện điều này thì không thể tránh khỏi xu hướng di dân lên thành phố.
“Thậm chí có những xã, phường, thôn, bản, lợi dụng việc xây dựng nông thôn, cán bộ suy thoái đạo đức nên đã tham ô, tham nhũng, có đơn thư và gây mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”- ông Phương nhấn mạnh.
Đồng tình với điều này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng cách xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi, nhiều chỗ dẫn đến thành tích phô trương, chạy theo chủ nghĩa hình thức,nặng tính phong trào. Do đó, cần phải điều tra, thống kê rõ tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, làm rõ tình trạng người dân bị huy động quá sức để tránh lãng phí, tập trung nguồn lực vào phát triển.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho hay, các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư hiện nay thường không gắn kết chặt chẽ với thị trường, không giúp được nông dân tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, cần cổ phần hóa các trung tâm này để tăng tính hiệu quả và bớt gánh nặng ngân sách.
Đồng thời với đó, các đại biểu đều cho rằng cần có những chính sách để tháo gỡ nút thắt đất đai, sửa quy định hạn điền để phát triển.
Trí Lâm