“Chuyện cũ ở Sốc-Trăng” của học giả Vương Hồng Sển là tập khảo cứu – du ký tổng hợp từ rất nhiều tư liệu, về vùng đất Sốc-Trăng từ thuở xưa cho đến năm 1945. Sách đề cập đến nhiều khía cạnh: đất đai, thủy thổ, con người, phong tục, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về vùng Sốc-Trăng và Hậu Giang từ lúc người Việt mới đến khai hoang định cư.

Xuất bản “Chuyện cũ ở Sốc–Trăng” của học giả Vương Hồng Sển

Tiểu Vũ | 07/04/2022, 18:29

“Chuyện cũ ở Sốc-Trăng” của học giả Vương Hồng Sển là tập khảo cứu – du ký tổng hợp từ rất nhiều tư liệu, về vùng đất Sốc-Trăng từ thuở xưa cho đến năm 1945. Sách đề cập đến nhiều khía cạnh: đất đai, thủy thổ, con người, phong tục, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về vùng Sốc-Trăng và Hậu Giang từ lúc người Việt mới đến khai hoang định cư.

Điểm đặc sắc của bộ sách nằm ở những chi tiết khó có thể tìm thấy trong chính sử, ví như những câu chuyện lý thú nhằm giải mã các địa danh Nam Kỳ lục tỉnh. Vương Hồng Sển không chỉ là nhà văn hóa, học giả, người sưu tập cổ ngoạn nổi tiếng mà còn là một tên tuổi lớn hiểu biết sâu rộng về miền Nam, những tác phẩm ông viết vì vậy vừa giàu thông tin vừa lôi cuốn và thuyết phục.

Sử của một vùng đất Sốc-Trăng trong giai đoạn thời cuộc biến đổi phần nào cho thấy sự chuyển động của lịch sử và văn hóa toàn miền Nam theo cuộc Nam tiến không ngừng. Bộ sách gửi gắm nhiều tâm huyết của cụ Vương Hồng Sển, bởi với cụ, Sốc-Trăng “là nơi nhau rún, ông bà cha mẹ tôi ở đó đã hơn năm đời”.

Sốc-Trăng hai tiếng mỹ miều
Nửa Miên, nửa Việt, nửa Tiều, nửa Tây.

sen9589-5d609460ceb8.jpg
Học giả Vương Hồng Sển - Ảnh: Tư liệu

Nói về địa danh Sốc-Trăng (nay gọi là Sóc Trăng), cụ Vương Hồng Sển lý giải: “Địa danh Sốc Trăng, theo tôi hiểu tuổi chỉ vừa 200 năm, có lẽ từ năm 1780 là cùng, tức từ khi ông Mạc Thiên Tích mất và vì không có con nối dòng nên sự nghiệp thâu về triều Nguyễn. Trước nữa đất này là đất Thổ và tên xứ gọi Srok Bassac, hoặc Srok Khléang. Trọn vùng, từ Cần Thơ xuống Sốc Trăng tận Bạc Liêu và Cà Mau, người Thổ gọi Srok Bassac, và khu nay lấy làm thị xã Khánh Hưng, tức vùng thị tứ ngày nay, thì Thổ gọi gọn lỏn “Khléang”. Tâu na? Tâu Khléang, nghĩa là: Đi đâu? Đi ra chợ Khléang. Ngày nay họ vẫn nói làm vậy, không đổi”.

Vậy, Khléang là gì? Ông Vương Hồng Sển cho biết thêm: “Đó là kho chứa của tiền, khléang prăk là kho bạc. Từ tiếng Khléang người Tiều (Triều Châu) phiên âm ra tiếng Tàu là “Khắc lằng” và người Việt trào Pháp thuộc, dựa đó gọi theo, âm lại là Sốc Trăng, và rắc rối nhứt là khi chạy sớ ra triều đình ở Huế, có lẽ từ đời vua Minh Mạng, vua này bắt dịch ra Hán tự, và Sốc Trăng đổi thành Sông Trăng, tức Nguyệt Giang tỉnh”. Rồi khi Tây qua đây, Sốc Trăng viết không bỏ dấu, biến ra Soctrang cho ra vẻ Tây nên mới có câu: “Sốc Trăng hai tiếng mỹ miều/ Nửa Miên, nửa Việt, nửa Tiều, nửa Tây”.

Tập môt của cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu hay như về nguồn gốc danh từ “Sốc-Trăng” và nó được ra đời vào thời gian nào. Tác giả dành nguyên một chương để nói về thời kỳ nước Chàm làm chủ cõi Nam, các giai đoạn người Việt di cư đến lập nghiệp ở vùng đất phương Nam như Sóc Trăng và Hậu Giang...

img_3628.jpg
Hai tậpk sách của học giả Vương Hồng Sển do NXB Trẻ ấn hành tháng 4.2022

Tập hai của cuốn sách sẽ đi sâu hơn về các biến động thời cuộc từ năm 1945-1947 ở Sốc-Trăng. Dưới thời chiến, việc lưu trữ tài liệu rất khó khăn, như cụ Vương Hồng Sển chia sẻ: “…nếu không có người rị-mọ và cất giữ kỹ như tôi, không liều lĩnh và khéo giữ quốc-cấm như tôi, thì tập hồ sơ ắt đã bị thủ tiêu lâu rồi và có đâu còn giữ đến hôm nay để hóa ra tài-liệu duy nhứt còn sót lại của buổi 1945-1947, tỉnh Sốc-Trăng lọt trong tay quân đội Nhựt chúng nó chiếm đóng tung-hoành và cảnh ba đào náo động cho tới năm 1947…” Đặc biệt, 14 phụ lục là những giấy tờ hành chính, biên bản, vi bằng, công báo… thời kỳ đó.

Nếu như tập một thiên về khảo cứu vùng đất xưa, thì tập hai là những chuyện tác giả mắt thấy tai nghe về giới quan viên, chính sách… thuở giao thời, tính tự sự cũng rõ nét hơn.

Trong sách có những chỗ tác giả viết theo quy ước chính tả thời đó, hoặc viết hoa, viết thường, viết chêm từ tiếng Pháp, khẩu ngữ… theo thói quen riêng. NXB Trẻ đã giữ trọn những điểm đó để tôn trọng di cảo của cụ. Ở những tập sách đã xuất bản cũng theo cách này.

Bài liên quan
Mối tình sâu đậm trong cuộc đời học giả Vương Hồng Sển
Được người đời tôn vinh là nhà khảo cổ có tầm vóc của thế kỷ XX này, nhưng trong tình duyên, Vương Hồng Sển (1902 - 1996) lại không gặp may mắn. Điều này chúng ta có thể thấy được qua những trang văn hóm hỉnh, sâu sắc của tập hồi ký Hơn nửa đời hư. Càng đọc, càng cảm động, bởi lẽ, ông viết chân thực, không giấu giếm những mối tình đã đi qua của đời mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất bản “Chuyện cũ ở Sốc–Trăng” của học giả Vương Hồng Sển