Sau khi cháu bé 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk bị dị tật đầu nhỏ được xác định là do nhiễm vi rút Zika, tại TP.HCM cũng phát hiện hàng loạt trường hợp nhiễm vi rút Zika, gây lo lắng cho người dân, nhất là các phụ nữ đang mang thai. Hiện các bệnh viện phụ sản ở TP.HCM đang phải gồng mình để tư vấn, tầm soát cho các thai phụ về Zika.
Thai phụ ồ ạt đòi tư vấn Zika
Khoa Chăm sóc sức khỏe trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ ngoài 2 phòng khám thaicòn có 3 phòng tư vấn (mỗi phòng có 2 bàn) để tư vấn những điềuxung quanh thai nhi trước khi thai phụ đến phòng khám thai.
Trong sáng nay (2.11) các phòng tư vấn đều đông nghẹt thai phụ đến tư vấn nhưng có không ít các thai phụ muốn bác sĩ tư vấn về căn bệnh vi rút Zika để có biện pháp phòng tránh cũng như xử lý.
Vừa bước ra từ phòng tư vấn, chị T.T.V. 29 tuổi (ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM) cho haymấy ngày qua xem trên các phương tiện truyền thông thấy tình hình bệnh nhân nhiễm vi rút Zika ở TP.HCM liên tục tăng, lên đến hàng chục người. “Nghe nói phụ nữ mang thai mắc bệnh Zika sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi nên tui tranh thủ hỏi bác sĩ tư vấn về những ảnh hưởng của thai nhi khi mắc Zika, làm thế nào để phát hiện bệnh Zika và xử lý như thế nào. Tự nhiên mấy hôm nay tui thấy lo quá”, chị V. chia sẻ.
Bác sĩ Phan Thanh Bình - Phó trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết trong số các thai phụ đến tư vấn có đến 20% muốn được tư vấn về căn bệnh vi rút Zika, nhiều thai phụ hỏi rất kỹ, trong đó tập trung chủ yếu vào những vấn đề như: ảnh hưởng của vi rút Zika đối với thai nhi, cách phát hiện và xử lý.
“Có lẽ do hôm quaxem truyền hình, nhiều người thấy thông tin dịch bệnh vi rút Zika tăng nhanh ởTP.HCMnên tỏ ra lo sợ, hôm nay có khá nhiều thai phụ đến đây muốn bác sĩ tư vấn vềvi rút Zika. Nếu tình hình này kéo dài thì các bác sĩ sẽ không còn thời gian để tư vấn cho các thai phụ khác. Mỗi ngày tại đây tư vấn cho khoảng 500 thai phụ mà thai phụ nào cũng đòi tư vấn về Zika chắc chúng tôi không đáp ứng nổi”, bác sĩ Bình tỏ ra băn khoăn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cũng có khá nhiều thai phụ và người đến khám bệnh nhờ bác sĩ tư vấn về vi rút Zika.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết các bác sĩ khám bệnh ở đây đều nắm rất rõ về virút Zika nên các thai phụ hay những người khám bệnh có nhu cầu tư vấn, các bác sĩ đều tư vấn ngay. Đối với những trường hợp có dấu hiệu khả nghi mắc bệnhZika như cótriệu chứng sốt phát ban, viêm kết mạc hay đau khớp sẽ tiến hành tầm soát và lấy máu xét nghiệm vi rút Zika.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuyết lưu ý các phụ nữ mang thai cũng như đang có ý định mang thai không nên quá lo lắng về căn bệnh vi rút Zika này, vì thực tế tỷ lệ thai phụ mắc Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ chỉ chiếm một tỷ lệrất thấp, từ 1% đến 5%. Không phải phụ nữ mang thai nào nhiễm vi rút Zika sinh con cũng bị dị tật đầu nhỏ.
Gấp rút xây dựng nội dung tư vấn Zika cho thai phụ
Cũng trong sáng nay (2.11) Bệnh việnNhiệt đới TP.HCM ghi nhận 1 trường hợp thai phụ 17 tuần tuổi nhiễm vi rút Zika. Ngay lập tức thai phụ này được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ để được tư vấn và tầm soát liên quan đến dị tật đầu nhỏ ở trẻ nhiễm vi rút Zika.
Trước hình hình trên, bác sĩ Trần Ngọc Hải – Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết bệnh viện đã yêu cầu các bác sĩ tăng cường tư vấn vềvi rút Zika cho thai phụ và cả những người chưa mang thai đến khám; đồng thời xây dựng nội dung tư vấn, phát hành tờ rơi để tuyêntruyền về Zika.
“Chúng tôi yêu cầu toàn bộ các bác sĩ ở khu vực khám thai tăng cường lắng nghe nguyện vọng và sự lo lắng của các thai phụ và những người chưa mang thai đến khám; tất cả các bác sĩ trong quá trình khám đều phải tư vấn về các vấn đề có liên quan.Hiện chưa có nội dung chuẩn hóa để tư vấn về vi rút Zika cho thai phụ nên các bác sĩ chỉ tư vấn những vấn đề chuyên môn liên quan đến căn bệnh này”, bác sĩ Hải cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hải, hiện bệnh viện đang gấp rút xây dựng nội dung tư vấn về Zika cho các sản phụ và những người có ý định mang thai để chuẩn hóa cho toàn thể bệnh viện và làm cơ sở cho Sở Y tế TP. Những nội dung tư vấn gồm chẩn đoán xác định về dị tật đầu nhỏ ở trẻ, các tiêu chuẩn để chẩn đoán, nội dung tư vấn, cách thức tư vấn... Sau đó bệnh viện sẽ triển khai cho toàn thể bác sĩ, trước mắt là bác sĩ ở khối khám bệnh cho phụ nữ có thai, nhất là có thai trong3 tháng đầu. Đồng thời bệnh viện cũng đang xây dựng các tờ rơi, bảng biểu, các hệ thống tuyên truyền trong bệnh viện.
Cùng lúc Sở Y tế TP.HCM và Viện Pasteur TP.HCM đã cho phép 2 bệnh viện phụ sản là Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM thực hiện biện pháp chọc nước ối đối với những thai phụ đã mắc Zika trước đó để xem thai nhi có bị nhiễm vi rút Zika hay không nhằm có hướng xử lý.
Hồ Quang