Nhiều công ty công nghệ lớn ở Ấn Độ tuyên bố sa thải hàng ngàn nhân công. Các chuyên gia nói làn sóng sa thải chỉ mới bắt đầu.

Ấn Độ: Hàng ngàn công nhân công nghệ bị sa thải

Bảo Vĩnh | 25/11/2022, 16:57

Nhiều công ty công nghệ lớn ở Ấn Độ tuyên bố sa thải hàng ngàn nhân công. Các chuyên gia nói làn sóng sa thải chỉ mới bắt đầu.

india-sack-pa.jpg
Nhân công trẻ Ấn Độ bị sa thải ồ ạt trong vài tháng qua - Ảnh: Pacific Press

Neha Sethia, nữ nhân viên cấp cao tại một công ty công nghệ toàn cầu ở trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, kể cách đây một tháng nhiều bạn cô được một công ty công nghệ giáo dục thông báo sẽ giảm bớt nhân sự do thiếu kinh phí hoạt động.

Tiếp đó, đến lượt Sethia mất việc. Cô nói: “Tôi biết thương mại điện tử bùng nổ trong thời dịch COVID-19 và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Vào lúc kết thúc dịch ngay khi thị trường bất ổn, các công ty công nghệ bắt đầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng, nhưng tôi không ngờ số phận mất việc của mình xảy ra quá sớm”.

Cô Pragya Kapur, một nhân công trung cấp ở New Delhi, cho biết giám đốc công ty của cô thông báo họ giảm nhân viên do khủng hoảng kinh tế toàn cầu: “Tôi được thông báo rằng họ không cần tôi nữa, cho tôi một gói trợ cấp và ngay lập tức tôi không còn là người của công ty nữa”.

Cơn bão sa thải

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn người trẻ Ấn Độ bị các công ty công nghệ lớn sa thải trong vài tháng qua. Từng nổi tiếng là “chịu chi” để giữ nhân lực, nay các công ty này chỉ trông nhờ biện pháp cắt giảm mạnh kinh phí hoạt động.

Các công ty công nghệ giáo dục như Byju's, Unacademy và nhiều công ty khác cũng sa thải nhiều nhân công. Byju's, một trong những đơn vị khởi nghiệp có giá nhất ở Ấn Độ, đã sa thải khoảng 2.500 người trong năm nay.

Theo người trong ngành công nghệ, những cuộc sa thải ồ ạt đã xảy ra ở ít nhất 44 công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ. Các thương hiệu quốc tế như Apple, Meta và Amazon cũng cắt giảm việc làm hoặc ngưng tuyển dụng nhân công mới.

“Khi sự tuyển nhân công trong ngành công nghệ toàn cầu bắt đầu chững lại hồi tháng 8, rõ ràng là cơn bão này đã ập vào Ấn Độ. Và mức lạm phát tăng cao ở Mỹ đã khiến nhiều thương hiệu miễn cưỡng chi tiền quảng cáo, điều dẫn đến sự sa thải ồ ạt”, theo một quan chức cấp cao của một trang web giới thiệu việc làm giấu tên khi nói chuyện với báo Đức Deutsche Welle (DW).

Đã có những thông tin rằng Twitter sa thải khoảng 50% nhân công, sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội này. Gả khổng lồ công nghệ Meta Platforms Inc cũng đã công bố kế hoạch sa thải khoảng 11.000 nhân công trên toàn cầu, điều này cũng tác động đến nguồn nhân sự ở Ấn Độ.

Các công ty khác như Microsoft, Salesforce, Oracle cũng được cho là sa thải nhân công ồ ạt vào lúc kinh tế toàn cầu càng bất ổn do chiến tranh Nga -Ukraine, cùng những hậu quả của dịch COVID-19.

Những vụ sa thải gần đây gây ra tranh luận về độ dài của giai đoạn đen tối của các gã khổng lồ công nghệ vốn từng xem Ấn Độ là cỗ máy cái cho sự tăng trưởng.

Có lo ngại về một cuộc khủng hoảng công nghệ và khả năng tồn tại của các mô hình doanh nghiệp kỳ lân. Do đó, việc định giá của nhiều công ty khởi nghiệp đang bị căng thẳng và nhiều công ty đã tuyên bố cắt giảm nhân sự khi tổ chức lại hoạt động kinh doanh.

Ông Shrijay Sheth, đồng sáng lập LegalWiz.in, vốn chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý cho các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ cho biết các công ty đang phải đối mặt với việc tăng lãi suất, điều này đã làm tăng chi phí từ số tiền họ vay để mở rộng hoạt động.

Sheth nói thêm: “Suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc các công ty trên toàn thế giới phải vật lộn để thích nghi với bối cảnh thay đổi nhanh chóng. Ấn Độ đang phải đối mặt với tác động của nó. Sẽ mất một hoặc hai quý để mọi thứ ổn định lại”.

Quyền lao động thì sao?

Trong khi một số nhân viên bị mất việc đã được cung cấp bảo hiểm y tế để giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn, hoặc những lợi ích nhỏ như hỗ trợ nghề nghiệp và thời gian nghỉ có lương (PTO), thì nhiều người vẫn đang tìm cách khác để tồn tại.

Phần lớn các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin không thoải mái khi tham gia công đoàn vì họ sợ bị chủ doanh nghiệp “trả thù”, theo DW.

Nếu họ tham gia công đoàn, họ thường bị buộc phải từ chức và điều này có thể đi kèm với các mối đe dọa đối với triển vọng việc làm trong tương lai. Trong một tình huống như vậy, nhân viên có thể thấy mình bị cô lập, sợ hãi và cuối cùng phải nhượng bộ trước yêu cầu của giới chủ.

Các quan chức Hiệp hội Các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia (NASSCOM), hiệp hội thương mại hàng đầu của ngành công nghệ thông tin ở Ấn Độ, đã từ chối bình luận về vấn đề này khi DW liên hệ.

Pavan Duggal, chuyên gia luật an ninh mạng, nói với DW: "Với việc người Ấn Độ bị các công ty công nghệ lớn sa thải, họ đang bị bỏ rơi mà không có biện pháp khắc phục, vì hầu hết công việc của họ dựa trên thỏa thuận hợp đồng, điều này khiến các công ty dễ sa thải nhân viên".

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Công nghiệp hóa ICT, công nghệ thông tin
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay chính là công nghiệp hóa ICT, công nghệ thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
5 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ: Hàng ngàn công nhân công nghệ bị sa thải