Sau 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 44% là các bạn nữ được theo học các lớp khóa đào tạo và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tại Hội thảo tổng kết Dự án “Hướng tới tương lai” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với hai đơn vị đối tác là Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và Viện REACH - vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Hà (Giám đốc chi nhánh Tập Đoàn ADECCO tại Hà Nội) cho biết các khảo sát thường niên của Tập đoàn ADECCO cho thấy kỹ năng về số hóa và CNTT của Việt nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
“Thông qua dự án này, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em gái gia nhập một cách tự tin vào thị trường lao động chất lượng cao như CNTT - nhóm ngành nghề có nhiều tiềm năng và cơ hội”, bà Hà nhấn mạnh.
Được biết, dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9.2018 đến tháng 9.2022 với mục tiêu thúc đẩy nữ giới tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), giúp thu hẹp khoảng cách nam nữ trong ngành công nghệ.
Sau 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 44% là các bạn nữ được theo học các lớp khóa đào tạo và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, tăng trên 20% so với trước thời điểm triển khai dự án.
Dự án đã giúp hơn 85% học viên đã có việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt tỷ lệ nữ giới có việc làm đạt trên 90%, các bạn học viên của dự án cũng được các doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao về trình độ chuyên môn và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Theo thống kê từ Tổ chức Plan International Việt Nam, thông qua dự án đã có 25.880 thanh niên đã tiếp cận với các thông tin về khóa học nghề CNTT. Trong đó có 12.620 thanh niên được hướng dẫn về các khóa học nghề CNTT, giáo dục nghề nghiệp, cơ hội việc làm và bình đẳng giới.
800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã tham gia các khóa đào tạo, tỷ lệ nữ đạt 44%. 150 doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng học sinh của dự án tốt nghiệp từ Viện REACH; 120 doanh nghiệp trong hơn 1.000 doanh nghiệp kết nối với nhà trường đang tham gia đào tạo và hỗ trợ hthực tập nghề, làm việc bán thời gian…
Bên cạnh việc được học một chương trình đào tạo linh hoạt, nội dung luôn gắn với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, các bạn học viên còn được trang bị các kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, khả năng quản lý thời gian hiệu quả…
Theo bà Phạm Thu Ba (Quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam), dự án này đã giúp những thanh niên Việt Nam, đặc biệt là thanh niên nữ, các thanh niên ở nhóm đối tượng dễ tổn thương, thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tự tin vượt qua các rào cản, định kiến giới, có cho mình được một nghề nghiệp ổn định, thu nhập thỏa đáng để có một tương lai ổn định và tươi sáng hơn.
Đại diện cho các bạn thanh niên được dự án hỗ trợ, bạn Thương chia sẻ rằng với những hạn chế về sức khỏe của bản thân và điều kiện khó khăn của gia đình, em đã từng khá bi quan... Nhưng giờ đây, em rất tự hào khi trở thành người có thu nhập chính trong gia đình với vị trí công việc là trưởng nhóm phụ trách chỉnh sửa ảnh.
Thương cũng rất vinh dự khi được trở thành khách mời của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với tư cách là nhân vật truyền cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành CNTT nhân ngày Nữ giới trong ngành CNTT.
Về phía Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, theo đại diện nhà trường, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cũng là trang bị khả năng tự lập, năng lực cạnh tranh cho các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ đây, các bạn có nhiều cơ hội phát triển hơn, có cuộc sống hạnh phúc hơn.