Dự án xây một con đập khổng lồ ở thượng lưu sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo) khiến quốc gia hạ lưu là Ấn Độ và Bangladesh không khỏi lo ngại.

Ấn Độ lo ngại về kế hoạch xây đập trên sông Brahmaputra của Trung Quốc

Cẩm Bình | 01/02/2021, 11:56

Dự án xây một con đập khổng lồ ở thượng lưu sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo) khiến quốc gia hạ lưu là Ấn Độ và Bangladesh không khỏi lo ngại.

Là một trong những con sông dài nhất thế giới, Brahmaputra bắt nguồn từ dãy Himalaya tại Tây Tạng và đi vào Ấn Độ ở Arunachal Pradesh, đi qua bang Assam sang Bangladesh, cuối cùng đổ ra vịnh Bengal.

Brahmaputra là nguồn sống đối với cộng đồng dân cư dọc theo bờ sông. Con sông đem lại thủy sản phong phú, bồi đắp phù sa, đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy nhưng cũng gây ra nhiều trận lũ lụt thảm khốc cho người dân Ấn Độ và Bangladesh.

Trung Quốc vào cuối năm 2020 công bố dự án xây đập thủy điện trên khúc sông Brahmaputra chảy qua huyện Medog thuộc khu tự trị Tây Tạng. Giới chức nước này giới thiệu đây là một phần trong sáng kiến sản xuất năng lượng tái tạo giúp đạt mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060, đồng thời góp phần phát triển Tây Tạng.

Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu xây vài con đập nhỏ dọc theo dòng chính của Brahmaputra. Đến nay đã có 2 dự án hoàn thành và 3 dự án đang xây dựng. Dự án đập trên khúc sông chảy qua Medog có quy mô lớn nhất, đủ sức tạo ra 60 gigawatts điện – gấp 3 lần đập Tam Hiệp.

brahmaputra.jpg
Đập thủy điện Trung Quốc xây ở thượng lưu các con sông luôn khiến quốc gia hạ lưu lo lắng - Ảnh: Getty Images

Ảnh hưởng Ấn Độ phải hứng chịu

Một con đập khổng lồ sẽ giữ lại lượng lớn phù sa nên nông nghiệp của quốc gia hạ lưu chắc chắn bị ảnh hưởng.

Trung Quốc đảm bảo đây là con đập tuân theo dòng chảy bình thường của sông, không chuyển hướng chảy và không tích trữ nước. Nhưng giới chuyên gia đánh giá dự án vẫn có thể làm giảm lượng nước ở hạ lưu đặc biệt là vào mùa khô. Giới chức Ấn Độ cũng lo ngại nguy cơ xả nước vào mùa lũ vốn rất nguy hiểm cho khu vực như bang Assam.

Vùng Himalaya rất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất hay hoạt động địa chất khác, vì vậy bất cứ công trình hạ tầng nào tại đây đều đem lại mối nguy lớn cho cộng đồng dân cư sống ở hạ nguồn sông Brahmaputra. Đập thủy điện cũng đe dọa đến hệ sinh thái khu vực vốn đã bị thiệt hại nặng nề vì băng tan, phá rừng, xói mòn đất.

“Vũ khí” nước

Là quốc gia nằm ở thượng nguồn, Trung Quốc nắm trong tay quyền xây dựng đập thủy điện và chuyển hướng dòng chảy Brahmaputra – một nguy cơ lớn khi giữa 2 nước có xung đột.

Ấn - Trung có ký thỏa thuận chia sẻ dữ liệu thủy văn của sông trong mùa lũ (tháng 5 đến tháng 10 hằng năm) để giúp cảnh báo cho khu vực hạ lưu. Vậy mà vào thời điểm nổ ra căng thẳng biên giới năm 2017, Trung Quốc lại ngừng cung cấp thông tin suốt gần một năm.

Phản ứng trước dự án đập thủy điện lớn trên khúc sông Brahmaputra chảy qua huyện Medog, Ấn Độ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc đảm bảo không làm tổn hại lợi ích của các quốc gia hạ lưu. Chính quyền New Delhi cũng dự tính xây một dự án thủy điện ở thung lũng Dibang thuộc Arunachal Pradesh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực mà đập thủy điện Trung Quốc mang lại.

Bài liên quan
Tesla có thể tiến vào thị trường Ấn Độ
Đài CNN đưa tin tỷ phú Elon Musk dự kiến sang Ấn Độ vào tuần tới. Ông sẽ nhân chuyến thăm công bố kế hoạch xây nhà máy Tesla ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm
5 giờ trước Sự kiện
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (ASEAN Future Forum - AFF 2024) diễn ra vào ngày 23.4 tại Hà Nội. Đây là sáng kiến của Việt Nam, thể hiện sự chủ động thúc đẩy, duy trì và nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ lo ngại về kế hoạch xây đập trên sông Brahmaputra của Trung Quốc