Quân đội Myanmar đã nắm quyền hôm 1.2 trong cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người bị giam giữ cùng các nhà lãnh đạo khác ở Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong các cuộc đột kích vào sáng sớm.

Quân đội Myanmar đảo chính, nắm chính quyền, bắt nhà lãnh đạo Suu Kyi

Nhân Hoàng - Hoàng Vũ | 01/02/2021, 09:20

Quân đội Myanmar đã nắm quyền hôm 1.2 trong cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người bị giam giữ cùng các nhà lãnh đạo khác ở Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong các cuộc đột kích vào sáng sớm.

Quân đội Myanmar cho biết đã tiến hành bắt giữ bà Aung San Suu Kyi để đối phó với "gian lận bầu cử", giao quyền lực cho thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 1 năm. Đây là tuyên bố trên đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội.

Một phát ngôn viên quân đội không trả lời các cuộc điện thoại từ Reuters để tìm thêm bình luận.

quan-doi-myanmar-dao-chinh-nam-chinh-quyen222.jpg
Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing nắm quyền ở Myanmar sau cuộc đảo chính

Các đường dây điện thoại đến Thủ đô Naypyitaw và trung tâm thương mại chính của Yangon đều không liên lạc được. Truyền hình nhà nước tắt sóng trước giờ Quốc hội dự họp lần đầu tiên kể từ khi NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, được xem như cuộc trưng cầu dân ý với chính phủ dân chủ non trẻ của bà Aung San Suu Kyi.

Người dân nói các binh sĩ đã chiếm giữ các vị trí tại tòa thị chính ở Yangon và dữ liệu internet di động cùng dịch vụ điện thoại trong thành trì của NLD đã bị gián đoạn. Dịch vụ giám sát NetBlocks cho biết kết nối internet cũng đã giảm đáng kể.

Bà Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và các nhà lãnh đạo NLD khác đã bị bắt vào đầu giờ sáng 1.2, phát ngôn viên NLD - Myo Nyunt nói với Reuters qua điện thoại.

Tôi muốn nói với người dân của chúng tôi rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo pháp luật”, Myo Nyunt nói và cho biết thêm ông dự kiến ​​sẽ bị bắt.

Reuters sau đó không thể liên lạc với Myo Nyunt.

quan-doi-myanmar-dao-chinh-nam-chinh-quyen.jpg
quan-doi-myanmar-nam-quyen.jpg
Xe quân sự Myanmar được nhìn thấy bên trong Tòa thị chính ở Yangon ngày 1.2

Việc việc trên diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau cuộc bầu cử.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ bắt giữ bà Suu Kyi.

Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước này không được đảo ngược”, phát ngôn viên Nhà Trắng - Jen Psaki tuyên bố.

Chính phủ Úc cho biết “quan ngại sâu sắc trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo bị bắt giữ bất hợp pháp.

Nhật Bản cho biết đang theo dõi tình hình và hiện không có kế hoạch đưa các công dân Nhật Bản hồi hương từ Myanmar.

Là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, Suu Kyi (75 tuổi) lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong cuộc đấu tranh vì dân chủ với chính quyền Myanmar đã biến bà thành biểu tượng quốc tế.

Vị thế quốc tế của Suu Kyi đã bị tổn hại sau khi hàng trăm ngàn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch quân đội để lánh nạn từ bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017, nhưng bà vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà.

quan-doi-myanmar-dao-chinh-nam-chinh-quyen2.jpg
Nhà lãnh đạo Myanmar - Aung San Suu Ky bị quân đội bắt giữ

Căng thẳng chính trị tăng vọt vào tuần trước khi phát ngôn viên quân đội từ chối bác bỏ cuộc đảo chính trước khi Quốc hội mới triệu tập vào 1.2 và người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing nêu ra triển vọng bãi bỏ hiến pháp.

Thế nhưng, quân đội Myanmar vào cuối tuần đưa ra tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội vào 31.1 rằng sẽ "làm mọi thứ có thể để tuân thủ tiêu chuẩn dân chủ của các cuộc bầu cử tự do và công bằng".

Xe tăng đã được triển khai trên một số đường phố vào tuần trước và các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội diễn ra ở một số thành phố trước cuộc họp Quốc hội đầu tiên.

Quốc hội mới của Myanmar dự định nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 1.2 kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng. NLD đã giành đủ số ghế trong Quốc hội (83% số ghế hiện có trong cuộc bầu cử, cụ thể là 346/412) để thành lập chính phủ dân sự vào tháng 11, nhưng quân đội nói rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận. 

Quân đội Myanmar nói phát hiện 8,6 triệu trường hợp gian lận. Tuần trước, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã chỉ ra “sự thiếu trung thực và không công bằng” trong cuộc bầu cử, theo phát ngôn viên quân đội - thiếu tướng Zaw Min Tun. Quân đội Myanmar phản đối kết quả, đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao chống lại tổng thống và chủ tịch ủy ban bầu cử.

Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu.

Hiến pháp được công bố vào năm 2008 sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội, dành 25% số ghế trong Quốc hội cho quân đội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, người đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với bà Suu Kyi, nói cuộc tiếp quản quân sự khác ở Myanmar sẽ là đòn giáng mạnh vào nền dân chủ trong khu vực.

Nếu đúng, đây là bước lùi lớn - không chỉ với nền dân chủ ở Myanmar mà còn với lợi ích của Mỹ. Đó là một lời nhắc nhở khác rằng sự vắng mặt kéo dài của việc can dự đáng tin cậy và ổn định từ Mỹ trong khu vực đã tạo cơ hội cho các lực lượng phản dân chủ", Daniel Russel cho biết.

Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết tình hình là một thách thức với chính quyền mới của Mỹ.

Gần đây nhất là vào thứ Sáu, Mỹ đã cùng các quốc gia khác thúc giục quân đội không tiếp tục các mối đe dọa đảo chính của họ. Trung Quốc sẽ đứng về phía Myanmar giống như khi quân đội đánh đuổi người Rohingya”, ông nói.

John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khẳng định quân đội Myanmar chưa bao giờ tuân theo chế độ dân sự và kêu gọi Mỹ cùng các quốc gia khác áp đặt “các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc và trực tiếp” với giới lãnh đạo quân sự lẫn các lợi ích kinh tế của họ.

Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng giành độc lập của Myanmar, tướng Aung San. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập từ sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948.

Bà Suu Kyi từng được coi là ngọn hải đăng cho nhân quyền - nhà hoạt động có nguyên tắc, người đã từ bỏ quyền tự do của mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội tàn nhẫn đã cai trị Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình trong khi vẫn bị quản thúc tại gia.

Bà Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ từ năm 1989 đến 2010.

Vào tháng 11.2015, bà đã lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.

Hiến pháp Myanmar cấm Suu Kyi trở thành tổng thống vì bà có con là công dân nước ngoài. Song, bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế.

Kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước của Myanmar, vai trò lãnh đạo của bà Suu Kyi được xác định bằng cách đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi của đất nước.

Vào năm 2017, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh do một cuộc đàn áp của quân đội gây ra với các cuộc tấn công chết người vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine.

Những người ủng hộ trước đây trên quốc tế cáo buộc bà
Suu Kyi không làm gì để ngăn chặn hãm hiếp, giết người và khả năng diệt chủng bằng cách từ chối lên án quân đội hùng mạnh hoặc thừa nhận các hành vi tàn bạo.

Một số người cho rằng bà Suu Kyi là chính trị gia thực dụng, cố gắng điều hành một quốc gia đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Sự bảo vệ bản thân của Suu Kyi với các hành động từ quân đội tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2019 ở La Hay (Hà Lan) được coi là một bước ngoặt mới làm mất đi những gì còn lại ít ỏi về danh tiếng bà trên quốc tế.

Tuy nhiên ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất nổi tiếng trong số đông tín đồ Phật giáo, những người không mấy thiện cảm với người Rohingya.

Bài liên quan
Nhà lãnh đạo và Tổng thống Myanmar bị quân đội bắt giữ trong cuộc đột kích
Lãnh đạo Myanmar - bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm 1.2, phát ngôn viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar đảo chính, nắm chính quyền, bắt nhà lãnh đạo Suu Kyi