Những người nuôi cá tra cho rằng Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Hậu lấy cát sát bờ gây sạt lở làm cá chết...
Lời tố của người nuôi cá
Khoảng 13 giờ 50 ngày 7.4, đoạn bờ sông Hậu (khu đất bãi bồi) thuộc ấp Long Hòa, xã Long Giang, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xảy ra vụ sạt lở. Một khoảng đất bờ bao bảo vệ ao cá tra dài khoảng 150 mét và 1 nhà tiền chế của người dân bị trôi sông. Ngay sau đó, 1 trạm điện và trạm bơm nước của Tập đoàn Nam Việt nuôi cá tra gần đó cũng bị cuốn trôi xuống sông Hậu…
Người dân và đại diện Tập đoàn Nam Việt cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở này là do Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang khai thác cát trái phép, nên đề nghị ngành chức năng vào cuộc xử lý. Anh Châu Thành Long (quản lý vùng nuôi cá tra rộng hơn 20 hecta tại ấp Long Hòa, xã Long Giang) cho biết: “Vào đầu giờ chiều, khi tôi đang vận chuyển thức ăn cho cá thì phát hiện đoạn đường dài hơn 30 mét nối từ ao ra sông Hậu bị sạt lở dưới dòng nước. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến 1 căn nhà tiền chế (chứa thức ăn cho cá) bị trôi xuống sông và làm hư hỏng trạm bơm điện (dùng bơm nước vào ao nuôi cá), buộc phải ngắt điện”.
Cũng theo anh Long, cặp bên những ao nuôi do anh quản lý là vùng nuôi cá rộng khoảng hàng chục hecta của Tập đoàn Nam Việt cũng bị ảnh hưởng. Sạt lở “nuốt” vào đoạn bờ bao bảo vệ ao nuôi làm hư đường cấp nước, làm hư trạm điện 560kW, tê liệt hệ thống bơm cấp nước cho những ao nuôi. Ngày 8.4, ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt trả lời với báo chí: đề nghị doanh nghiệp khai thác cát phải bồi thường theo đúng quy định. Theo ông, ước thiệt hại hơn 3,5 tỉ đồng.
Thông luồng lấy cát sát bờ gây sạt lở?
Theo tìm hiểu của PV, vào ngày 31.12.2020, Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang được cấp giấy phép số 641/GP-UBND tỉnh An Giang về việc khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường khu vực sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên và xã Nhơn Mỹ, xã Long Giang, H.Chợ Mới. Diện tích khu vực khai thác gồm 49,69 hecta, được giới hạn bởi các góc tọa độ KT1, KT2, KT3, KT4, KT5, KT6, KT7, KT8, KT9, KT10, KT11. Mức sâu khai thác đến 15 mét.
Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 1.770.893m3. Công suất khai thác 1.500.000 m3/năm. Thời hạn khai thác 1 năm 6 tháng (kể cả thời gian xây dựng cơ bản mỏ và tính từ ngày giấy phép có hiệu lực). Trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ. Đồng thời phải có các biện pháp phòng chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn khai thác mỏ.
Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, xảy ra sự cố môi trường, sạt lở đất bờ sông tại khu vực mỏ phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Quách Trọng Dung, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang cho biết công ty được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác cát thuộc dự án của Bộ TN-MT về việc chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP.Long Xuyên) thích ứng với biến đổi khí hậu. “Công ty được cấp phép trong 18 tháng kể từ ngày 26.7.2019. Tuy nhiên, do trục trặc về thủ tục nên đến tháng 7.2020 thì công ty mới bắt đầu thực hiện.
Việc nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Hậu khiến những người nuôi cá tra đổ rằng công ty là thủ phạm gây sạt lở, công ty đã ngỏ ý hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một phần chi phí để lắp đặt lại trụ điện để họ bơm nước cứu cá. Công ty làm việc này trên tinh thần nhân đạo để giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế thiệt hại chứ không phải nhận trách nhiệm gây ra sạt lở. Việc nói công ty gây ra sạt lở thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng để xem ai đúng ai sai”, ông Dung khẳng định.
Sáng 9.4, ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản, nước và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT tỉnh An Giang) cho biết ngay sau khi nhận tin báo từ người dân, phòng đã phối hợp với đơn vị chức năng H.Chợ Mới đến hiện trường thực hiện công tác quan trắc để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. “Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đây là khu vực bãi bồi với nền đất yếu, nhưng nhiều hộ dân và doanh nghiệp tự ý lấn chiếm để xây dựng các công trình như trụ điện, trạm bơm nước và kho chứa thức ăn chăn nuôi lên bên trên nên gây trượt đất một cách tự nhiên”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết thêm, trong thời gian qua, khu vực đất bãi bồi này được thanh tra nhận xét là đã để cho doanh nghiệp và người dân sử dụng không phép. Riêng các đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông để chỉnh trị dòng chảy đều thực hiện nghiêm túc theo giấy phép. “Về nguyên tắc thì nền đất bãi bồi vốn dĩ rất yếu nên dễ trượt đất chứ không phải sạt lở như thường thấy nơi khác. Riêng vấn đề về môi trường do nước thải từ các ao nuôi cá này thải ra sông Hậu như thế nào sẽ do đơn vị khác xử lý trong thời gian tới”, ông Thái nhận định.
Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới, tại khu vực sạt lở này đã từng xảy ra sạt lở mấy năm về trước. Xung quanh đó là các khu nuôi cá tra dày đặc với diện tích lớn. Một số ao vẫn còn cá chết do thiếu oxy. Hiện Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang đang cho người khắc phục các trụ điện, trạm bơm nước để dẫn nước vào ao nuôi cá. Còn những phương tiện, máy móc của Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang đã cho dừng hoạt động khi có sự việc xảy ra, dù cho rằng bị đổ oan.