Nhiều người không biết tưởng việc đặt trúm lươn là dễ dàng nhưng thực tế rất kỳ công và cần sự linh hoạt.

An Giang: Nước tràn đồng, theo chân ‘sư phụ’ đi đặt trúm lươn

Tô Văn | 14/09/2022, 14:00

Nhiều người không biết tưởng việc đặt trúm lươn là dễ dàng nhưng thực tế rất kỳ công và cần sự linh hoạt.

Theo chân “sư phụ” đặt trúm bắt lươn

Mỗi khi con nước tràn bờ, những cánh đồng trên địa bàn tỉnh An Giang lại lăn tăn sóng nước. Đây cũng chính là thời điểm nghề đặt trúm lươn vào vụ chính.

Tại xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, ông Nguyễn Văn Cường (49 tuổi) được những người trong xóm tôn là “sư phụ” đặt trúm lươn. Những dụng cụ bắt lươn đều do ông tự trang bị, từ ống trúm làm bằng thân cây tre hoặc ống nhựa dài cho đến mồi đặt trúm.

“Ông ấy đi thoăn thoắt trên bờ ruộng, có khả năng quan sát và đặt trúm rất nhanh. Bình quân mỗi ngày ông Cường bắt được từ 5 - 7 kg lươn đồng (mỗi kg lươn khoảng 20 con - PV). Tôi là người có thâm niên làm nghề đặt trúm cũng không thể bắt được số lượng như vậy”, ông Tám Khỏe (65 tuổi, ngụ địa phương) nhận xét.

Với khả năng đặt trúm rất giỏi, ông Cường thường được các thanh niên trong xóm gọi là “sư phụ” và xin đi theo để học kinh nghiệm, trong đó có nhóm của anh Trí Tâm (thường gọi “Tâm sợ vợ”).

1-luon-ag.jpg
Ông Cường được những người trong xóm tôn là "sư phụ" đặt trúm lươn - Ảnh: Tô Văn

Chiều 12.9, người viết bài cùng nhóm “Tâm sợ vợ” đem theo 30 ống trúm bằng nhựa dài khoảng 1m (một đầu làm miệng trúm, đầu kia được bịt kín), từ TP.Long Xuyên chạy vào nhà ông Cường để xin đi theo đặt trúm lươn đồng.

Được ông Cường đồng ý chỉ nghề, bọn tôi đi theo ông dọc bờ đê các ruộng lúa trên địa bàn xã Mỹ Phú Đông. Ông Cường cũng mang theo 60 ống trúm cùng mồi đặt là ốc bưu vàng.

“Tâm sợ vợ” tỏ vẻ sành nghề cho biết, muốn bắt được nhiều lươn bằng trúm thì phải tìm hiểu trước khu vực thả trúm. Những nơi lươn hay ở là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, gốc tre, bụi cây mấp mé ao, hồ. Đặt trúm ở những khu vực này dễ bắt được lươn lớn, có con gần nửa ký.

“Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, một số anh em đặt trúm không đúng, không hợp lý nên bắt chỉ được vài con. Bây giờ đặt trúm lươn mà để mồi giun đất, nhái, cá khô... vừa tốn tiền vừa không thu hoạch được gì cả. Tụi tôi học theo “sư phụ” Cường, chỉ để ốc bươu vàng là sáng mai thu vài ký lươn đồng khỏe re”, anh Tâm chia sẻ.

2-luon-ag.jpg
Ông Cường đặt ống trúm vào những gốc mạ, bụi rậm theo một góc nghiêng, miệng trúm cố định dưới đáy bùn, còn đầu có phần lỗ thở cho lươn thì để nổi trên mặt nước - Ảnh: Tô Văn

Gió chiều ngoài đồng thổi mạnh, nhóm “Tâm sợ vợ” và ông Cường di chuyển rất nhanh. Khi đến một cánh đồng thuộc ấp Tân Phú, các thành viên trong nhóm di tản khắp nơi, mỗi người một hướng riêng.

Tôi bám theo “sư phụ” Cường để tận mắt chứng kiến kỹ thuật đặt trúm lươn của ông. Ông Cường bỏ mồi bằng ốc bươu vàng vào trong hom rồi cầm ống trúm đặt vào những gốc mạ, bụi rậm theo một góc nghiêng, miệng trúm cố định dưới đáy bùn, còn đầu có phần lỗ thở cho lươn thì để nổi trên mặt nước. Nhìn ông hoạt động thoăn thoắt chẳng mấy chốc hàng chục ống trúm trên vai đã được đặt hết.

Uống một ngụm nước, ông Cường chia sẻ: “Dân theo nghề đặt trúm có câu “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, do đó người đặt trúm rất chú ý đến mồi, mồi ngon, hấp dẫn mới dụ được lươn chui vào. Mỗi đầu ống trúm có một miệng hom đan bằng tre, hom là cái bẫy dụ những con lươn háu ăn.

Trước đây, miệt vườn còn nhiều cá tôm, lươn, rắn, ếch… nghề trúm rất thịnh hành, giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo. Trúm lươn đặt quanh năm, thuận lợi nhất là mùa mưa. Nhưng muốn bắt được nhiều, người trong nghề phải biết đặt lúc nào, đặt ở đâu.

Thông thường ban ngày lươn trú dưới bùn, đêm ngoi lên kiếm ăn, nghe mùi tanh của mồi dẫn dụ, chúng mon men ăn rồi chui tọt vào phía trong hom trúm. Loại mồi ưa thích của chúng là cá, ốc bằm nhuyễn, hoặc ếch nhái nướng thơm”.

3-luon-ag.jpg
Ống trúm được ông Cường làm bằng ống nhựa dài khoảng 1m (một đầu làm miệng trúm, đầu kia được bịt kín) - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Cường, nghề đặt trúm lươn thích nhất là lúc đi dỡ trúm. Sau khi đổ nước ra khỏi ống, thấy hơi nặng tay hơn lúc bình thường, lắc nhẹ nghe tiếng “ọc ạch” bên trong trúm là có lươn. Ống trúm có lươn thì để riêng, sau khi dỡ trúm mang về nhà thì tháo hom đổ lươn ra chậu.

“Hồi xưa, mỗi người có 30 - 40 ống trúm bằng tre, đi đặt bằng xuồng, một ngày kiếm 10 - 20 kg rất dễ dàng. Còn bây giờ, mỗi người sắm 40 - 60 ống nhựa, chở bằng xe gắn máy nhưng cũng chỉ kiếm được mỗi ngày khoảng từ 3- 8 kg lươn (tương đương số tiền 240.000 - 560.000 đồng). Lươn càng ngày càng ít nên có lẽ một ngày không xa, nghề đặt trúm lươn sẽ mai một”, ông Cường nói.

Sau khi hoàn tất việc đặt trúm thì đồng hồ đã chỉ gần 7 giờ tối, ông Cường ra hiệu cho bọn tôi rút về. Trên đường về họ nói với nhau về việc đặt trúm, thách thức xem mai đi thăm mà ai thu hoạch nhiều nhất thì được thưởng một ly cà phê.

60 ống trúm thu hoạch 7 kg lươn đồng

Như đã hẹn, khoảng 8 giờ ngày 13.9, người viết bài và nhóm “Tâm sợ vợ” có mặt tại nhà ông Cường. Cuộc thăm trúm bắt đầu, cả nhóm và ông Cường hăng hái rảo một vòng quanh các bờ đê, khi thấy những ống trúm đã dính lươn, ông Cường mới cho dừng lại ngồi nghỉ trên bờ đê.

Nhóm của “Tâm sợ vợ” bắt đầu đếm số lươn thu hoạch, được khoảng 1 kg cho 30 chiếc bẫy. Bỗng anh Văn Nhân (người trong nhóm Tâm) quay qua la lớn: “Mọi người ơi, mọi người ơi! Nhìn xem 60 ống trúm của “sư phụ” Cường kìa. Lươn gì nhiều thế!", anh Nhân vừa nói vừa xuýt xoa.

60 ống trúm của ông Cường lần này thu hoạch được 7 kg lươn đồng. 

4-luon-ag.jpg
Lươn đồng càng ngày càng ít nên có lẽ trong một ngày không xa thì nghề đặt trúm lươn sẽ mai một - Ảnh: Tô Văn

Sau buổi đặt trúm lươn, ông Cường rủ cả nhóm về nhà trổ tài chế biến món lươn nhúng mẻ. Đầu tiên, lươn còn sống mổ bụng, bỏ ruột, thả vào đống tro để chà sạch nhớt. Sau đó, ông Cường rửa sạch lươn và để cho ráo nước. Tiếp đó ông bắc nồi nước lên bếp, đợi nước nóng thì cho cơm mẻ (có pha muối và đã lược sạch cặn cơm) vào.

Khi nước mẻ thật sôi, ông Cường bỏ lươn vào và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Khi lươn vừa chín thì ông cho thêm ngò gai, rau om, rau cần dày lá, ớt rồi trộn đều cho thơm. Tiếp theo, ông cắt bắp chuối theo từng miếng to và thả vào nước mẻ đang sôi.

“Gắp một khúc lươn rồi húp nước mẻ… Ôi nó ngon làm sao”, một thành viên trong nhóm thốt lên.

Ngoài món lươn nấu mẻ, lươn còn được chế biến những món ăn dân dã mà bổ dưỡng như: nấu lẩu mắm, cháo lươn, um lươn với rau cần óng, lươn xào cà ri, lươn xào sả ớt hoặc lươn nướng mọi nguyên con không tẩm ướp gia vị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nước tràn đồng, theo chân ‘sư phụ’ đi đặt trúm lươn