Qua phát hiện mới nhất của các nhà khảo cổ, có thể 2.000 năm trước đây, vùng Cần Giờ là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa.

Hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ, TP.HCM: Những giá trị cực kỳ quan trọng

Theo NLĐ | 13/09/2022, 11:15

Qua phát hiện mới nhất của các nhà khảo cổ, có thể 2.000 năm trước đây, vùng Cần Giờ là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa.

Huyện Cần Giờ nằm phía đông nam TP.HCM, là vùng đồng bằng cửa sông - vịnh biển. Bề mặt đồng bằng thấp trũng bao phủ rừng ngập mặn và bị chia cắt do hệ thống sông rạch chằng chịt. Trên vùng địa hình phức tạp này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một hệ thống hơn 30 di tích khảo cổ trên các giồng đất đỏ. Dấu tích cư trú của con người từ rất sớm ở nơi đây đã làm cho môi trường sinh thái - nhân văn của Cần Giờ khác hẳn những khu rừng ngập mặn khác, nơi đơn thuần chỉ có dấu vết quá trình lấn biển của tự nhiên.

disan.jpg
Khuyên tai hai đầu thú trong mộ chum ở Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) - Ảnh: Tác giả cung cấp

Di vật phong phú và độc đáo

Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 - 1978, qua nhiều lần khảo sát và 3 lần khai quật liên tục (1992, 1993 và 1994) và mới đây vào năm 2021 - 2022, các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, qua việc nhận diện các đặc trưng văn hóa khảo cổ nơi đây.

Các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ phần lớn là di tích cư trú. Quá trình sinh sống và sản xuất gốm của cư dân cổ bắt đầu từ rất sớm, ngay trên nền sét biển và để lại tích tụ "giồng đất đỏ" khá dày.

Một số di tích từ nơi cư trú dần trở thành khu mộ táng, như tại di tích Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt. Phần lớn di cốt được chôn trong chum gốm lớn với tư thế ngồi bó gối - tư thế của đứa trẻ trong bụng mẹ. Đây là điểm khác biệt nhất so với những di tích mộ chum khác ở Đông Nam Á (ĐNA).

Di vật và đồ tùy táng của các di tích mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là loại gốm sản xuất tại chỗ có đặc điểm riêng về chất liệu và loại hình, được dùng để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những khu vực khác. Đồ gốm tùy táng trong mộ chum rất đa dạng, cho biết mối liên hệ của chủ nhân di tích với các nền văn hóa Đồng Nai, Sa Huỳnh cùng thời và văn hóa Óc Eo ở giai đoạn sau… Đặc biệt, nhiều đồ trang sức (vòng, hạt chuỗi, khuyên tai) bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh, vàng… được sản xuất tại chỗ, nhờ việc nhập nguyên liệu và tiếp thu kỹ thuật chế tác từ những khu vực khác qua con đường thương mại trên biển Đông.

Tại các di tích này không có nhiều công cụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ có một số ít vũ khí tượng trưng cho quyền lực như giáo sắt và rìu đồng. Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy khu vực Cần Giờ thời cổ không phải là vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác trong thời đại kim khí. Cư dân cổ nơi này có đời sống kinh tế khá đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào ĐNA lục địa, kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên tại chỗ.

Chính vì vậy, có thể cho rằng 2.000 năm trước, vùng Cần Giờ là một "cảng thị sơ khai", nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa.

disan2.jpg
Tác giả (bìa trái) và các đồng nghiệp tại di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ

Yếu tố biển trong các nền văn hóa

Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, mang tính chất "mặt tiền" của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, là "trạm trung chuyển" giữa lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai hay là hai miền Tây - Đông Nam Bộ. Tại nhiều giồng đất ở Cần Giờ còn tìm thấy di tích của cư dân cổ thời văn hóa Óc Eo (như Giồng Am) và muộn hơn trong giai đoạn khai phá vùng lưu vực Đồng Nai (như Giồng Cá Trăng). Câu ca dao "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về" tuy xuất hiện khá muộn nhưng đã phản ánh tâm trạng của những đoàn lưu dân lênh đênh trên sông nước, từ vịnh biển Gành Rái - Cần Giờ hay từ vịnh Đồng Tranh - Vàm Cỏ đi sâu hơn vào lưu vực Đồng Nai - Cửu Long.

Chọn vị trí "cửa sông - vịnh biển" để cư trú và phát triển đời sống kinh tế giao thương, khai thác tự nhiên… có lẽ cư dân cổ Cần Giờ đã góp phần hình thành một trong những quy luật của "làng Nam Bộ": định cư trên giồng cao nơi "giáp nước", làng mạc mọc lên, trên bờ là thị tứ, chợ búa, dưới sông ghe xuồng ngược xuôi buôn bán. Ghe "thương hồ" thường nghỉ lại ở nơi "giáp nước", chờ nước lớn ngược vào đồng bằng hay nước ròng thì xuôi ra biển.

Hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ phản ánh mối quan hệ giao lưu rộng rãi của "cảng thị" Cần Giờ, đã có vai trò thúc đẩy sự phát triển của lưu vực Đồng Nai thời tiền sử. Đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo của vương quốc cổ Phù Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ có thể nhận thấy yếu tố biển - đặc biệt là con đường giao thương/di cư trên biển Đông - là nguyên nhân của hiện tượng "đồng quy văn hóa" của nhiều nền văn hóa khảo cổ ở ĐNA, mà mộ chum ở 2 di tích Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt là điển hình. Còn yếu tố ở từng khu vực lục địa làm nên nét khác biệt giữa các nền văn hóa, như giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Cần Giờ.

Giao thương đường biển là một trong những yếu tố quan trọng tham gia ngay từ đầu vào tiến trình phát triển từ văn hóa Sa Hùynh đến văn minh Chăm Pa ở miền Trung và từ văn hóa Cần Giờ (trong bối cảnh lưu vực Đồng Nai) phát triển lên văn minh Óc Eo ở Nam Bộ.

Các nền văn hóa khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở ĐNA đã cho thấy biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các tộc người ở khu vực này, mà trái lại, là một "chiếc cầu" nối liền các tộc người ven biển với nhau, liên kết giữa ĐNA hải đảo và ĐNA lục địa, giữa ĐNA với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của khu vực ĐNA.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Huyện Cần Giờ có một hệ thống nhiều loại hình di tích lịch sử - văn hóa như di tích khảo cổ học, đình, chùa, lăng mộ, di tích cách mạng, các di sản văn hóa phi vật thể như Lễ Nghinh Ông... Bên cạnh đó, Cần Giờ còn có một không gian cảnh quan độc đáo là rừng ngập mặn. Các di tích khảo cổ phân bố tập trung ở khu vực Cần Thạnh, Long Hòa và Lý Nhơn, ở đó hằng ngày diễn ra mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của dân cư với mức độ ngày càng nhanh, phong phú và đa dạng.

Điều này có nghĩa là cùng một lúc phải bảo lưu cho được những giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ những di tích lịch sử, không gian, cảnh quan thiên nhiên vốn có nhưng đồng thời phải bảo đảm phát triển một cách hài hòa có định hướng (bảo tồn thích nghi). Do vậy, đòi hỏi các phương án, giải pháp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và hệ thống di tích khảo cổ học nói riêng ở Cần Giờ phải được đặt ra khẩn trương. Bởi vì, hệ thống di tích khảo cổ học Cần Giờ có giá trị cao không chỉ về nghiên cứu khoa học mà còn trong phục vụ phát triển dân sinh và du lịch bền vững.

Theo quy hoạch "đô thị lấn biển Cần Giờ", hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, triển khai cụ thể quy hoạch "lấn biển" và đặc biệt là việc kiểm soát tốc độ phát triển đô thị hóa và dân cư là hết sức cần thiết! Việc xây dựng một đô thị tại vùng cửa sông - vịnh biển trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, tác động làm biến đổi điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến việc bảo tồn tự nhiên cũng là bảo tồn cảnh quan di tích. Không thể bảo vệ được hệ thống di tích khảo cổ của Cần Giờ, cũng là làm mất đi một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt của TP.HCM và của cả nước.

Các phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ cần phải đặt trong quy hoạch tổng thể khu vực Cần Giờ nói chung và khu bảo tồn sinh quyển nói riêng. Di tích gắn liền với cảnh quan môi trường. Cần Giờ còn may mắn giữ lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành từ hàng chục ngàn năm trước. Trải qua thời gian chiến tranh lâu dài, tuy bị tàn phá nặng nề nhưng sự hồi sinh đáng kinh ngạc của rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế mà còn có giá trị về lịch sử, vì đây chính là môi trường sinh sống của chủ nhân những di tích khảo cổ hơn 2.000 năm trước.

Bảo vệ môi trường và di sản

Hệ thống di tích khảo cổ phải hòa nhập với quy hoạch bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, hòa nhập với quy hoạch bảo tồn những di tích lịch sử - văn hóa thành một tổng thể hài hòa trong sự phát triển đô thị hóa huyện Cần Giờ. Phát triển bền vững huyện Cần Giờ phải lấy việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản làm "chìa khóa" quan trọng nhất. Không phải chỉ để nghiên cứu mà phải dành cho người dân tìm hiểu, nâng cao tri thức và được thụ hưởng di sản của ông cha để lại, giới thiệu và quảng bá với du khách quốc tế, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Hậu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ, TP.HCM: Những giá trị cực kỳ quan trọng