Bà Nguyễn Thị Lẹ (52 tuổi, ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh An Giang để khiếu nại việc Công an H.Phú Tân (An Giang) tạm giữ phương tiện của mình đến nay đã hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa cho bà nhận lại.

An Giang: Thuyền trưởng vụ sà lan bị tạm giữ hơn 3 tháng bật khóc khi kể về sự việc

23/05/2020, 15:50

Bà Nguyễn Thị Lẹ (52 tuổi, ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh An Giang để khiếu nại việc Công an H.Phú Tân (An Giang) tạm giữ phương tiện của mình đến nay đã hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa cho bà nhận lại.

Ông Bột chỉ vị trí chiếc ghe gỗ bị rạn nứt vì tự va chạm vào sà lan - Ảnh: Trần Khải

Liên quan đến sự việc trên, PV Một Thế Giới đã tìm về ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân để gặp ông Tống Văn Bột (50 tuổi, là thuyền trưởng điều khiển sà lan mang số hiệu CM - 25601). Ông Bột không giấu được sự uất ức, đè nén suốt nhiều tháng qua.

Ông kể: “Lúc đó là khoảng 18 giờ 30, tôi có bật đèn xi nhan bên phần đường của tôi để điều khiển phương tiện. Bất ngờ chiếc ghe gỗ chạy bọc từ phía bên ngoài vào đâm thẳng vào phương tiện của tôi. Khi đó, nhân viên của tôi có la lên, thấy bên tôi la quá, thì ghe gỗ mới đánh lái quay trở lại về hướng phà Năng Gù nhưng bị va đập vào giữa thân sà lan của tôi”.

Ông Bột bức xúc: “Họ lập biên bản tạm giữ tàu chứ không giữ của. Tôi chưa hài lòng với cách làm việc của Công an H.Phú Tân. Họ mời tôi lên nhiều lần, nhưng không giải quyết vấn đề gì, đi cả chục lần rất tốn kém. Đến nơi, họ chỉ hỏi tôi điều khiển như thế nào. Tôi vẫn kể y chang như vậy, đợt sau mời lên họ vẫn hỏi y như vậy. Họ làm vậy là không thỏa đáng, tôi quá khổ, bị bắt như vậy tôi nằm đây chịu chết, có hôm phải lên bờ xin gạo ăn, lòng tôi đau lắm”.

Sơ đồ hiện trường của Công an H.Phú Tân lập được ông Bột cho rằng không đúng thực tế - Ảnh: Trần Khải

Nói về cách vẽ sơ đồ hiện trường, ông Bột cho rằng Công an H.Phú Tân đã vẽ sai nguyên tắc của đường thủy. “Tôi khai như vậy, nhưng họ dựng hiện trường khác lại 1800 luôn, nên tôi không chịu ký. Họ đã làm sai, bởi khi đó tôi chạy cách bờ khoảng 35 mét, bởi sà lan mình bự, ai chạy được như sơ đồ hiện trường mà bên công an vẽ thì tôi bái phục.

Tôi khai không sai lệch gì và cũng không ép bên kia luôn. Mình có bảo hiểm đàng hoàng nên không ép ai cả. Mong sao, Công an H.Phú Tân sớm có kết luận điều tra, chỉ ra tôi sai ở điểm nào, để tôi còn biết mà khắc phục lại và trả lại phương tiện để tôi đi làm nuôi gia đình. Tôi khổ quá rồi”.

Như Một Thế Giới đã thông tin, trước đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 15.2, ông Tống Văn Bột (thuyền trưởng, làm thuê cho bà Lẹ) điều khiển sà lan biển số CM-25601 di chuyển từ hướng Mộc Hóa về gần Trạm cảnh sát đường thủy Vàm Nao (thuộc ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân, tỉnh An Giang).

Lúc này, ghe gỗ biển số AG-04509 do thuyền trưởng Nguyễn Minh Hoài điều khiển theo chiều ngược lại, đụng vào mạn trái, phía sau cabin sà lan của bà Lẹ.

“Sau va chạm, thuyền trưởng của 2 bên có giải thích, phân trần đúng sai, rồi tiếp tục di chuyển. Chiếc ghe gỗ tiếp tục đi đến trạm cảnh sát đường thủy thì dừng lại neo đậu, rồi bị chìm. Sà lan của tôi tiếp tục di chuyển được khoảng 1 giờ thì các anh cảnh sát đường thủy chạy theo báo có ghe bị chìm, đề nghị sà lan của tôi quay lại trạm để làm việc.

Chiếc ghe gỗ sau va chạm đang được giữ tại Trạm giao thông Vàm Nao - Ảnh: Trần Khải

Sau đó, Công an H.Phú Tân có lập biên bản tạm giữ phương tiện vận tải của tôi. Quá trình khám nghiệm hiện trường, phương tiện, vẽ sơ đồ, kiểm tra giấy tờ có liên quan đều có biên bản ghi lại”, bà Lẹ nói.

Theo bà Lẹ, căn cứ vào kết quả làm việc theo quy định của pháp luật, dựa trên nguyên tắc xử lý lỗi của ai thì người đó chịu. Tuy nhiên đến nay đã hơn 3 tháng nhưng Công an H.Phú Tân vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ va chạm.

Từ khi sà lan bị tạm giữ, doanh nghiệp của bà Lẹ rơi vào thế khó, có nguy cơ bị phá sản. Việc giao hàng chậm trễ, người lao động bỏ đi tìm việc khác… Phía công ty bảo hiểm không ngừng hối thúc bà Lẹ cung cấp cho họ văn bản xác định về nguyên nhân vụ tai nạn để thực hiện việc bồi hoàn theo hợp đồng, nhưng đến nay, bà Lẹ chưa nhận được văn bản xác định nguyên nhân vụ tai nạn từ Công an H.Phú Tân.

Sau khi bà Lẹ có đơn xin nhận lại phương tiện, ngày 21.3 vừa qua, thượng tá Huỳnh Văn Phưởng, Phó trưởng Công an H.Phú Tân có văn bản trả lời: “Căn cứ điểm a khoản 1 điều 12 của Thông tư 73/2012/TT-BCA ngày 5.12.2012: Khi vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra, các phương tiện giao thông đường thủy có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra, giải quyết”.

Theo thượng tá Phưởng, qua xác định thiệt hại tài sản hàng hóa và phương tiện, 2 ngành pháp luật thống nhất đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT nên Đội CSGT-TT đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Đội Điều tra tổng hợp, Công an H.Phú Tân.

Bà Lẹ trao đổi với PV - Ảnh: Trần Khải

Bà Lẹ khẩn thiết: “Tại khoản 8, điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời gian có thể kéo dài nếu vụ việc có tình tiết phức tạp, nhưng không quá 30 ngày.

Trường hợp của tôi không phức tạp, nên việc tạm giữ hơn 3 tháng là thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp của tôi. Rất mong cơ quan chức năng tỉnh An Giang sớm vào cuộc, xem xét để quyền lợi của tôi được đảm bảo”.

Trần Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Thuyền trưởng vụ sà lan bị tạm giữ hơn 3 tháng bật khóc khi kể về sự việc