Khoai tây chiên là món ăn khoái khẩu của nhiều người, song việc ăn đồ chiên rán nhiều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Một nhóm nghiên cứu ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã phát hiện ra rằng việc thường xuyên ăn đồ chiên rán, đặc biệt là khoai tây chiên, có liên quan đến nguy cơ lo lắng cao hơn 12% và nguy cơ trầm cảm cao hơn 7%.
Thực phẩm chiên rán được biết đến là yếu tố gây nguy cơ gây béo phì, huyết áp cao và các ảnh hưởng đến sức khỏe khác. Theo bài báo được công bố mới đây trên tạp chí PNAS, kết quả này cho thấy tầm quan trọng của việc giảm tiêu thụ thực phẩm chiên rán đối với sức khỏe tâm thần.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng cho biết kết quả này chỉ là sơ bộ và chưa chỉ rõ, liệu đồ chiên rán có gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.
Nghiên cứu đã đánh giá 140.728 người trong 11,3 năm. Sau khi loại trừ những người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm trong vòng hai năm đầu tiên, có tổng cộng 8.294 trường hợp rối loạn lo âu và 12.735 trường hợp trầm cảm được tìm thấy ở những người ăn đồ chiên rán. Khoai tây chiên, đặc biệt được phát hiện có nguy cơ gây mắc bệnh trầm cảm tăng 2%.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người tham gia tiêu thụ nhiều hơn một khẩu phần đồ chiên rán thường xuyên có nhiều khả năng là nam giới trẻ tuổi.
Tiến sĩ David Katz, một chuyên gia về y học lối sống, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Ăn nhiều đồ chiên rán làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm".
Katz, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận True Health Initiative, cho biết thêm: "Tuy nhiên, còn tồn tại một mối liên hệ khác: những người mắc chứng lo âu, trầm cảm có xu hướng ăn nhiều thức ăn chiên rán để cảm thấy vui vẻ hơn".
Những người có các triệu chứng tiềm ẩn của chứng lo âu và trầm cảm có ăn uống một các thoải mái như một cách tự chữa bệnh.
Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy, thực phẩm không lành mạnh và dinh dưỡng kém có thể làm giảm tâm trạng của một người và làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng acrylamide, một chất hóa học được hình thành trong quá trình chiên rán thực phẩm, đặc biệt là trong khoai tây chiên, là nguyên nhân gây ra nguy cơ lo lắng và trầm cảm cao hơn.
Trong một bài báo riêng được đề cập trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho cá ngựa vằn tiếp xúc với acrylamide và phát hiện ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với chất này đã khiến cá có xu hướng ẩn nấp trong các góc khuất trong bể cá. Đây là dấu hiệu phổ biến cho thấy mức độ lo lắng cao hơn ở cá. Bên cạnh đó, những con cá ngựa vằn này cũng bị giảm sút sự linh hoạt trong bơi lội.
"Cá ngựa vằn được chọn vì chúng đã được biết là dễ bị nhiễm độc acrylamide và vì phản ứng hành vi của chúng đối với sự lo lắng đã được thiết lập và nhất quán, điều này cung cấp nguồn dữ liệu về cả sinh học và hành vi", Katz nói.
Tiến sĩ Walter Willett cho biết, kết quả "nên được coi là rất sơ bộ, đặc biệt là mối liên hệ với thực phẩm chiên và acrylamide".
Willett, Giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết: "Tác động đến sức khỏe của đồ ăn chiên rán sẽ phụ thuộc rất lớn vào loại thực phẩm được chiên, cũng như loại chất béo được sử dụng để chiên".
Willett cũng lưu ý rằng, acrylamide không chỉ được tạo ra khi chiên rán, nó còn tồn tại trong cà phê, do quá trình rang hạt và cả trong bánh mì nướng.
Nhà nghiên cứu Yu Zhang của Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), tác giả của nghiên cứu, nói với CNN trong một email rằng "không cần phải hoảng sợ về tác dụng phụ của đồ chiên rán". Nhưng duy trì lối sống lành mạnh và giảm tiêu thụ thực phẩm chiên rán có thể hữu ích cho sức khỏe tâm thần cũng như sức khỏe tổng thể.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự gia tăng trầm cảm và lo âu gần đây trên thế giới với mức tăng từ 25,6% lên 27,6% trong năm 2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ước tính rằng, hơn 5% người trưởng thành bị trầm cảm trên toàn cầu.
Bằng cách xem xét tác động của việc tiêu thụ đồ ăn chiên rán ở người và phơi nhiễm acrylamide ở cá ngựa vằn, các nhà nghiên cứu đã so sánh cả hai để cho thấy rằng, việc tiêu thụ thường xuyên hóa chất thường thấy trong loại đồ ăn này có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.