Ngày 24.4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các bác sĩ đơn vị này đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhi 21 tháng tuổi ở Bắc Ninh.
TS.BS Phạm Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhi V.Đ.T. (21 tháng tuổi) được chuyển đến từ cơ sở y tế tuyến dưới trong tình trạng bàn tay phải bị đứt lìa.
Theo gia đình bệnh nhi T., bé vô tình cho tay vào máy dập nắp cốc nhựa. Sau tai nạn, mẹ bé cho phần tay bị đứt lìa vào túi nylon, bảo quản trong thùng đá, đưa con đến trạm y tế xã. Bác sĩ băng lại vết thương, sau đó chuyển bé lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Khi bé T. được đưa đến bệnh viện, đơn vị đã khởi động quy trình báo động đỏ, huy động y bác sĩ nhiều khoa tham gia. Khoa Hồi sức cấp cứu đã thực hiện các bước sơ cứu và hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản nhanh nhất. Trong khi đó, ê kíp Khoa Gây mê hồi sức, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình vi phẫu chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẵn sàng vào thực hiện ca mổ cấp cứu cho bệnh nhi.
Hơn 3 tiếng sau khi tai nạn xảy ra, bệnh nhi T. được đưa lên bàn mổ và ca phẫu thuật kéo dài suốt 7 giờ. Sau phẫu thuật, bé được điều trị tích cực kết hợp phục hồi chức năng. Hậu phẫu diễn biến thuận lợi, bàn tay được nuôi dưỡng tốt. Hiện bệnh nhi có thể cử động nhẹ nhàng các ngón tay, song vẫn cần theo dõi và phục hồi chức năng lâu dài. Dự kiến, em có thể xuất viện trong tuần tới.
Theo các bác sĩ, đây là ca mổ tổn thương phức tạp. Bệnh nhi nhỏ tuổi nên các cấu trúc giải phẫu đều rất nhỏ, tổn thương đứt lìa bàn tay tại vị trí khớp cổ tay là nơi có giải phẫu phức tạp. Ngoài tổn thương chi thể, trẻ còn có tổn thương bỏng nhiệt ở mặt mu tay.
"Điều may mắn là phần chi thể đứt rời của bệnh nhi được bảo quản đúng cách (cho vào túi nylon, đặt trong thùng đá lạnh) và thời gian từ khi tai nạn đến khi được can thiệp tương đối sớm (3,5 giờ)", bác sĩ Dung cho hay.