Sức ép từ phía Trung Quốc đòi ký kết dự án điện hạt nhân Hinkley Point có thể sẽ phản tác dụng, vì một trong những lý do khiến chính phủ Anh tạm ngưng dự án này là e ngại an ninh năng lượng của nước này sẽ bị Trung Quốc kiểm soát, nhất là khi Anh có thể lựa chọn năng lượng tái tạo thay vì điện hạt nhân theo cách làm rất thành công của Đức.
Câu chuyện chính phủ mới của Anh quyết định ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 18 tỉ bảng (tương đương 23,6 tỉ USD), trong đó Trung Quốc góp vốn 6 tỉ bảng,đang là câu chuyện đáng quan tâm nhất ở xứ sở sương mù sau khi những biến động của Brexit đã qua đi. Sự kịch tính của vụ việc không chỉ ở tổng mức đầu tư khổng lồ của nó, mà còn ở chỗ dự án bị dừng lại chỉ một ngày trước khi lễ ký kết diễn ra.
Chưa bao giờ thế giới được chứng kiến Trung Quốc giận dữ đến thế, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai lên tiếng thúc giục Anh nhanh chóng cho khởi công dự án với lời cảnh báo một sự chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước trong giai đoạn “kỷ nguyên vàng”. Lời cảnh báo mang xu hướng đe dọa này có thể sẽ phản tác dụng, khi một trong những lý do khiến chính phủ Anh tạm ngưng dự án này là do e ngại về an ninh năng lượng của Anh sẽ bị Trung Quốc kiểm soát. Và thực tế là ở thời điểm hiện tại, Anh hoàn toàn có thể đoạn tuyệt dự án điện hạt nhân này, nếu như nước này tiến hành cuộc cách mạng năng lượng tái tạo đã diễn ra rất thành công ở Đức.
Bất chấp những hệ quả không hề nhỏ đi kèm,dự án điện hạt nhân Hinkley có tầm quan trọng rất lớn đối với xã hội, nền kinh tế của nước Anh trong tương lai do sự sụt giảm tình trạng độc lập năng lượng của quốc gia này. Theo dự kiến, đến năm 2025 Anh sẽ phải đóng cửa một lượng lớn nhà máy nhiệt điện sử dụng than và dầu lửa do các vấn đề về ô nhiễm, và nó sẽ khiến cho nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh khai thác dầu và khí đốt ở biển Bắc của Anh đã sụt giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Hiện Anh đang phải nhập khẩu khoảng 1/3 lượng dầu thô và 1/3 lượng khí đốt cần thiết từ Na Uy cho nhu cầu của xã hội và nền kinh tế của mình. Sự độc lập về cung cấp năng lượng mà Anh duy trì trong nhiều năm qua đã sắp kết thúc, và Anh cũng sẽ theo bước một số nước châu Âu khác trong việc phải nhập khẩu năng lượng.
Điện hạt nhân vì thế là một giải pháp cho nước Anh. Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point nếu đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 7% nhu cầu năng lượng của toàn bộ nền kinh tế Anh, cũng như cho hàng triệu hộ gia đình của nước này. Ngoài ra, nếu Hinkley Point thành công, một nhà máy điện hạt nhân khác do Trung Quốc xây dựng và vận hành sẽ được khởi công tại miền Nam nước Anh.
Đó là lý do vì sao bất kể những hệ quả không hề nhỏ đi kèm với dự án Hinkley Point mà nước Anh phải chấp nhận, như vấn đề giá cả điện năng (Anh chấp nhận trả 92,5 bảng cho mỗi Megawatt/giờ trong vòng 35 năm, cao gấp đôi giá thị trường) và hệ lụy về an ninh năng lượng khi Trung Quốc có thể can thiệp và kiểm soát một phần hệ thống cung cấp năng lượng của nước này, thì Anh cũng đã chấp thuận dự án trị giá 18 tỉ bảng này thời Thủ tướng David Cameron. Nhu cầu năng lượng rất lớn của Anh cũng là lý do khiến nhiều nhà kinh tế dự đoán tân Thủ tướng Theresa May có thể sẽ vẫn chấp thuận dự án này, sau khi đàm phán lại để có được các điều kiện tốt hơn.
Tuy nhiên, điện hạt nhân không phải là giải pháp duy nhất cho nước Anh ở thời điểm hiện tại. Nước Anh vẫn có thể vừa đáp ứng được nhu cầu điện năng lớn của xã hội và nền kinh tế, lại vừa vẫn giữ được sự độc lập về năng lượng của mình, nếu như xứ sở sương mù chấp nhận tiến hành cuộc cách mạng năng lượng tái tạo đã diễn ra rất thành công tại Đức. Không nghi ngờ gì một thực tế rằng,Đức đang là một hình mẫu thành công nhất trong việc loại bỏ các nguồn sản xuất điện năng có nguy cơ về môi trường và nguy hiểm cho xã hội như nhiệt điện than hay điện hạt nhân, thay vào đó sử dụng năng lượng tái tạo.
Cách đây vài năm, Đức vẫn là một trong những nước châu Âu có mức độ sử dụng điện hạt nhân lớn nhất. Tuy nhiên sau thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản khiến cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, Đức đã quyết định ngưng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân ở nước này. Chính phủ nước này đãchuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời để thay thế.
Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng, khi những năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời có giá thành xây dựng và sản xuất cao hơn điện hạt nhân với một mức độ cung cấp năng lượng tương đương. Tuy nhiên, nước Đức đã thành công một cách khó tin. Từ mức năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng trên 10% toàn bộ nhu cầu điện năng ở Đức vào những năm 2010-2011, thì đến giữa năm 2015 năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 33% tổng nhu cầu điện năng ở nước này, và đến giữa năm 2016 con số này đã tăng lên gấp đôi. Thậm chí có một số thời điểm trong ngày,khithời tiết thuận lợi,lượng điện năng tái tạo được sản sinh ra từ các hệ thống điện gió và điện mặt trời có thể chiếm tới 87% nhu cầu năng lượng của toàn bộ nước Đức. Trước đó, đã có một số quốc gia thành công trong việc mở rộng công suất hệ thống điện năng tái tạonhư Đan Mạch, nhưng Đức là trường hợp điển hình nhất cho sự thành công trong việc theo đuổi cuộc cách mạng năng lượng tái tạo tại một nền kinh tế có quy mô lớn hàng đầu trên thế giới.
Nước Anh ở thời điểm hiện tại hoàn toàn có thể đi theo cách làm này của người Đức.Anh thậm chí còn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Đức trong việc sản xuất năng lượng tái tạo, nhất là điện gió khi Anh là một đảo quốc và cùng với đó là năng lượng thủy triều. Hiện các trang trại điện gió ven biển ở Anh đang hoạt động tốt và ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tổng nhu cầu điện năng của nền kinh tế. Điều chính phủ Anh cần làm là nhân rộng hơn các mô hình trang trại điện gió ven biển này.
Ngoài ra, điều đáng chú ý nhất là Đức chỉ cần khoảng 5-6 năm để có thể tạo ra hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo chiếm phân nửa nhu cầu của toàn bộ xã hội và nền kinh tế, và Anh có thể cũng chỉ mất một khoảng thời gian tương tự. Nó có lợi hơn nhiều so với việc phải mất tới gần 9 năm để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân như Hinkley Point, theo dự kiến phải đến năm 2025 mới đi vào hoạt động, và chỉ cung cấp được 7% nhu cầu năng lượng của Anh mà thôi. Chưa kể năng lượng tái tạo thì sạch hơn và an toàn hơn là năng lượng hạt nhân. Vì thế, Thủ tướng Theresa May hoàn toàn có thể từ chối và chấm dứt dự án điện hạt nhân đắt giá của Trung Quốc bất chấp những sức ép từ nước này, nếu như muốn đảm bảo an ninh năng lượng một cách độc lập cho nước Anh.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)