Những ngày qua, rất nhiều người dân ở ĐBSCL cũng như cả nước bàng hoàng khi hay tin đại tá, Anh hùng Phi công Nguyễn Văn Bảy đột ngột qua đời ở tuổi 84. Ông Bảy là người từng lái chiếc MiG-17 bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ, ông cũng là phi công MiG-17 bắn rơi nhiều máy bay nhất. Do đó, sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, bởi cách sống gần gũi, chân thành, giản dị, đậm chất người miền Tây sông nước…

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - ‘Bình dân hơn cả bình dân’

Huỳnh Lợi | 26/09/2019, 08:43

Những ngày qua, rất nhiều người dân ở ĐBSCL cũng như cả nước bàng hoàng khi hay tin đại tá, Anh hùng Phi công Nguyễn Văn Bảy đột ngột qua đời ở tuổi 84. Ông Bảy là người từng lái chiếc MiG-17 bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ, ông cũng là phi công MiG-17 bắn rơi nhiều máy bay nhất. Do đó, sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, bởi cách sống gần gũi, chân thành, giản dị, đậm chất người miền Tây sông nước…

Gia đình ông Bảy cho biết, lễ viếng ông diễn ra tại nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (Gò Vấp, TP.HCM) đến hết ngày 25.9. Lễ truy điệu được tổ chức vào 5 giờ 30 ngày 26.9. Sau lễ tang tại TP.HCM, linh cữu phi công Nguyễn Văn Bảy được đưa về quê nhà ở xã Tân Dương, H.Lai Vung (Đồng Tháp). Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 12 giờ ngày 26.9. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12 giờ ngày 27.9, an táng tại nghĩa trang gia đình thuộc xã Tân Dương, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

“Theo tâm nguyện của gia đình thì khu đất vườn rộng khoảng 2.000m2, ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, H.Lai Vung (Đồng Tháp) sẽ là nơi an nghỉ của ông Bảy. Đây cũng là nơi an nghỉ của ông nội, bà nội, cha mẹ và những người thân trong gia đình ông Bảy…”, ông Nguyễn Văn Thái, người em của ông Bảy, bộc bạch.

“Ổng giản dị… dữ lắm”

Đó là nhận xét của nhiều người dân khóm 4, TT.Lai Vung (H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) mỗi khi có ai hỏi về Anh hùng “chân đất” Nguyễn Văn Bảy, người con ưu tú của đất sen hồng Đồng Tháp. Từ trung tâm TT.Lai Vung, men theo con đường nhựa vừa mới thi công xong chưa lâu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Bảy nằm sâu giữa cánh đồng vắng thuộc khóm 4, TT.Lai Vung…

Con đường nhựa vào nhà ông Bảy mới làm xong hồi tháng 7.2019 - Ảnh: Trọng Lợi

Ông Trần Ngọc Thành, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khóm 4, nói: “Đã có rất nhiều người ở những nơi xa hoặc khách nước ngoài đến đây thăm ông Bảy đều ngạc nhiên và không thể tin một vị Anh hùng phi công nổi tiếng lẩy lừng như ông Bảy lại sinh sống tuổi già ở nơi vắng vẻ nằm giữa đồng ruộng như vậy. Ban đầu ai cũng bất ngờ, nhưng khi “trà dư tửu hậu” tâm tình với ông Bảy thì càng khâm phục đức tính ông hơn nữa”.

Ông Thành kể lại: Anh hùng Nguyễn Văn Bảy về đây cất nhà cấp 4 ở đã mấy chục năm, thời điểm đó khu vực này là đồng ruộng, rất ít nhà dân ở bởi đường sá đi lại khó khăn, sình lầy. Ông Bảy cùng với vợ không ngại điều kiện khó nhọc nên cương quyết làm căn nhà giữa đồng vắng này. Sau đó, ông lặn lội đi các nơi nhờ một số mạnh thường quân hỗ trợ đá nhuyễn mang về đổ đường giúp bà con đi lại (chủ yếu đi thăm ruộng) cho đỡ cực nhọc.

Nơi này có khoảng 4 công (4.000m2) đất ruộng của cha mẹ để lại, ông Bảy lên bờ trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá, trồng lúa, trồng sen… “Mang tiếng là dân thị trấn Lai Vung nhưng thực tế tụi tui ở trong 1 con kênh thủy lợi nhỏ chạy vào ruộng đồng nên chỉ có khoảng chục căn nhà mà thôi. Thế là, hàng ngày cứ sáng sớm thì ông Bảy cùng với tôi ra quán cà phê cóc ở đây ngồi uống trà, trò chuyện việc đồng áng, việc làm xã hội ở địa phương…

Sau đó, ông ra đồng làm ruộng còn giỏi hơn cả nông dân đích thực. Ông Bảy còn đam mê việc đặt dớn, đặt lờ lọp để bắt cá, hôm nào khỏe khỏe và vui, thì anh em trong xóm tụ lại “lai rai’ với ông Bảy. Cuộc sống xứ ruộng đồng rất đơn giản, bình dị… nhưng rất vui bởi tụi tui ngày nào cũng được gần gũi với người Anh hùng phi công như ông Bảy”, ông Lê Hữu Vinh, 68 tuổi, người hàng xóm của ông Bảy tâm sự.

Kể tiếp câu chuyện về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, ông Trần Ngọc Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khóm 4, khẳng định: “Không phải tui là người địa phương cùng quê hương với ông Bảy mà nói lời khen ổng, nhưng thực tế rất nhiều người nơi xa khi về đây và tiếp xúc với ông Bảy đều có chung nhận xét “Anh hùng Nguyễn Văn Bảy bình dân hơn cả bình dân”. Dù cuộc đời ông gắn liền với những chiến công hiển hách, tên tuổi ông được trong nước và thế giới biết đến, nhưng từ khi trở về quê đến nay ông sống đơn giản, gần gũi với tất cả mọi người.

Ao nuôi cá quanh nhà ông Bảy - Ảnh: Trọng Lợi

Từ cán bộ đến dân thường, người nghèo khó… ông Bảy đều đối xử tử tế, tôn trọng, không hề có một chút nào là khoảng cách hết. Ông thường mặc chiếc quần sọt, áo thun, đầu quấn khăn… lặn lội thăm hỏi bà con làm ăn, ai gặp khó ông giúp liền. Tôi nói thiệt, trên đời này rất hiếm gặp mộtvị Anh hùng Phi công trong thời kháng chiến một thời lẫy lừng, mà nay lại sống giữa đồng vắng và gần gũi với dân nghèo, khiến ai cũng cảm phục như ông Bảy…”.

Tiếc thương người Anh hùng chân đất

“Mới hôm trước, ông Bảy lại nhà tui, và tui với ổng nhâm nhi ly rượu ngâm thanh long. Ổng “mần” khoảng 1 ly cối (ly lớn, loại uống cà phê đá) khen rượu này “đã” và nói rất mừng khi con đường nhựa vào xóm ruộng này cuối cùng rồi cũng thi công xong…”, ông Lê Hữu Vinh, hàng xóm ông Bảy bộc bạch. Theo lời ông Vinh, cũng nhờ ông Bảy “chạy đôn chạy đáo” không biết bao nhiều lần để gặp các ngành chức năng.

Thế là giữa tháng 3.2019, công trình láng nhựa tuyến đường vô xóm ruộng này (gọi là tuyến đê bao đất lúa Long Thành) được khởi công, đến tháng 7.2019 hoàn thành. Bây giờ, khách xa muốn vô thăm ông Bảy có thể đi xe honda hoặc xe 4 bánh, không còn phải đi tàu thuyền như trước nữa. Nhưng, giờ ông đã đi xa, muốn thăm cũng chẳng được...

Ông Trần Ngọc Thành, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khóm 4, TT.Lai Vung, tự hào về ông Bảy - Ảnh: Trọng Lợi

“Mấy ngày nay, các ngành chức năng tiến hành lắp đặt ống nước để dẫn nước sạch từ thị trấn Lai Vung vào đây luôn. Chứ lâu nay ông Bảy và dân ở đây sử dụng nước dưới kênh không hà; khổ nổi nước kênh bây giờ ô nhiễm các thứ, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu. Vì vậy, nay có nước sạch ai cũng mừng. Có điều bà con chạnh lòng khi nước sạch về thì ông Bảy đã… ra đi”, ông Vinh, rơm rớm nước mắt nói.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (hàng xóm ông Bảy) bùi ngùi: “Hôm ông Bảy bị đột quỵ phải đưa gấp ra Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc rồi sau đó chuyển ông lên Bệnh viện 175 ở TP.HCM cấp cứu, khiến bà con xóm này vô cùng lo lắng, cầu mong ông vượt qua. Nhưng rồi cuối cùng ông lại ra đi trong niềm tiếc thương của rất nhiều người.

Cái xóm nghèo heo hút này bây giờ đã có đường nhựa, có điện thắp sáng, nước sạch sắp về… đời sống bà con cũng khá đỡ hơn trước nhiều rồi. Tất cả là nhờ ông Bảy “đứng mũi chịu sào” chạy lo hết trơn đó. Ai cũng thương ổng, quý ổng… bây giờ ổng đột ngột ra đi để lại khoảng trống lớn khiến xóm này hụt hẫng”, bà Bé Hai buồn bãnói.

Sáng 25.9, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND H.Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Từ khi ông Bảy nghỉ hưu và về Lai Vung sinh sống mấy chục năm nay, ông thật sự là tấm gương cho cán bộ, người dân, học sinh… noi theo. Ông Bảy luôn nhiệt tình đóng góp cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, đi đầu trong các công tác xã hội, luôn chỉ bảo lớp cán bộ trẻ trong công tác, sống gần dân… Huyện rất tự hào về ông và rất biết ơn ông Bảy”.

Theo ông Nghĩa, sau khi hay tin ông Bảy qua đời và sẽ đưa về quê Lai Vung an táng. Phía huyện đã yêu cầu lực lượng bộ đội và công an địa phương… tiến hành mé cây, dọn dẹp đường sá từ trung tâm huyện vào đến ấp Hậu Thành, xã Tân Dương để xe lưu thông dễ dàng.

Ông Lê Hữu Vinh, hàng xóm của ông Bảy - Ảnh: Trọng Lợi

Anh hùng Nguyễn Văn Bảytên thật làNguyễn Văn Hoalà con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính.Ông sinh tại H.Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông bỏ theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi.

Năm 1954, ông tại ngũ trong đơn vị Quân đội Nhân dân Việt nam tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Trước đó, do học chưa hết lớp 3, nên ông phải học ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn và được phổ cậpmột lèotừ lớp 4 lên lớp 10. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17. Tháng 4.1965, lớp đào tạo hoàn thành, tốt nghiệp trở về nước, ông đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được xếp hạng "Ách". Ngoài ra được kết nạp Đảng viên Đảng lao động Việt Nam.Tháng 4.1966, ông tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ở sân bay Cát Bi. Sau đám cưới 45 phút thì chú rể lại lên máy bay xuất kích.

Ngày 1.1.1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậcthượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm đại távà giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Chiếc xuồng nhỏ mà ông Bảy thường đi bắt cá - Ảnh: Trọng Lợi

Năm 1975, ông chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, và chỉ huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia. Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.HCM.

Năm 1990, ông chuyển về xã Tân Phú Đông, Sa Đéc, sống cảnh điền viên cùng gia đình. Đến năm 2009, gia đình ông chuyển về quê gốc ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp; sau đó ông cất nhà cấp 4 và làm nông nghiệp ở khóm 4, TT.Lai Vung, H.Lai Vung cho đến ngày ông mất vào tối 22.9; thọ 84 tuổi.

Trọng Lợi
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - ‘Bình dân hơn cả bình dân’