Trang The Guardian của Anh cho biết trẻ em đang bị cảnh sát và giới tình báo nước này sử dụng như những điệp viên hoạt động trong nhiều hoạt động bí mật chống khủng bố hay truy bắt băng nhóm, đường dây buôn ma túy. Một số trẻ còn chưa đủ 16 tuổi.
Thông tin của The Guardian được đưa ra sau khi một ủy ban của Thượng viện Anh bày tỏ quan ngại về việc dùng đến “các nguồn tin tình báo bí mật (CHIS) là người chưa thành niên”. Trước đó, chính phủ Luân Đôn đề xuất tăng thời gian những “điệp viên U.18” có thể tham gia trong hoạt động bí mật từ 1 tháng lên 4 tháng.
Những gì cảnh sát và giới tình báo nước này đang làm nhận phải chỉ trích gay gắt. Cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) David Davis gọi đây là hành động không thể chấp nhận về mặt đạo đức, còn chính trị gia Diane Abbott của Công đảng đối lập kêu gọi chấm dứt ngay chuyện này.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh cho biết: “CHIS là người chưa thành niên rất hiếm được sử dụng, chỉ trong những tình huống cần thiết khi không có cách nào khác để lấy thông tin có thể dùng kết tội tội phạm hoặc nghi phạm khủng bố”.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Ben Wallace, CHIS là người chưa thành niên có cách tiếp cận thông tin độc đáo.
“Ví dụ, đôi lúc sẽ khó có được bằng chứng về những băng nhóm mà không huy động CHIS chưa thành niên giả bộ gia nhập vào. CHIS kiểu này giúp nhà điều tra có cái nhìn sâu rộng hơn”, Bộ trưởng Wallace giải thích.
Hiện tại, thời gian “điệp viên U.18” tham gia hoạt động bí mật chỉ có 1 tháng, nhưng có thể được gia hạn. Chính phủ Luân Đôn muốn tăng lên 4 tháng để giảm bớt áp lực phải nhanh chóng có tin tình báo mà các “điệp viên” này phải chịu.
Tuy nhiên, ủy ban của Thượng viện Anh lo rằng một người còn quá nhỏ tuổi tham gia quá lâu vào các hoạt động liên quan đến tội phạm sẽ dễ gặp phải nhiều vấn đề về tâm thần lẫn thể chất.
Xoa dịu nỗi lo này, Bộ Nội vụ Anh cam kết sẽ tiến hành tái xem xét những hoạt động mật hàng tháng, cũng như đảm bảo CHIS là người chưa thành niên không bị buộc phải tìm bằng chứng chống lại cha mẹ hay người bảo hộ của mình.
Cẩm Bình (theo The Guardian)