Thời gian qua, làng game Việt bất ngờ trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng áp thuế loại hình này đang mang nhiều lo lắng hơn là kỳ vọng.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Lo lắng hơn kỳ vọng?

Tuyết Nhung | 14/05/2023, 20:24

Thời gian qua, làng game Việt bất ngờ trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng áp thuế loại hình này đang mang nhiều lo lắng hơn là kỳ vọng.

Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển mạnh trò chơi điện tử trong khu vực. Doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu USD, nhưng số tiền đóng thuế cho nhà nước chỉ chiếm 50%. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đưa loại hình này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

game.jpg

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game online) có thể khiến ngành game trong nước hỗn loạn, doanh nghiệp Việt không được bảo hộ đúng nghĩa. Thế nhưng, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chốt phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online vì nó gây nghiện và ảnh hưởng sức khỏe người chơi, bất chấp doanh nghiệp ngành này lo bị bóp nghẹt.

Nếu đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất áp dụng là 10% thì ngân sách có thể thu tương đương trên 650 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, việc áp thuế có thể khiến ngành game rơi vào "hỗn loạn", bởi ngoài game chính thức, thị trường có đến 70% game lậu đến từ nhà phát hành nước ngoài, mà lâu nay nhà nước đã không đủ sức quản lý và thu thuế.

Trên thực tế, việc quản lý game online cũng như cấp phép cho các sản phẩm game hiện nay trên thị trường vẫn chưa thực sự ổn định vì game lậu hoành hành, nhiều game phát hành xuyên biên giới và không chịu sự quản lý của thuế. Do đó, các cơ quan quản lý đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam, chứ chưa nói tới các công ty nước ngoài. Song, ở khía cạnh của doanh nghiệp thì việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tạo ra sự bất bình đẳng nên hành động này của Bộ Tài chính đang mang nhiều lo lắng hơn là kỳ vọng.

Trao đổi với Một Thế Giới, giám đốc một công ty phát hành game ở Hà Nội nói nếu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online được thực thi thì nó sẽ ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp ngành game. Thứ nhất là ngành game ở Việt Nam đang phải chịu nhiều loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu... Vì vậy, áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm doanh nghiệp giảm doanh số và người dùng.

"Trong khi đó, các nhà sản xuất game nước ngoài lại được hưởng lợi vì họ chẳng bị ảnh hưởng gì. Người dùng sẽ có xu hướng chuyển sang dùng game lậu để được rẻ, còn những nhà phát hành game lậu được hưởng lợi hơn vì họ không phải đóng khoản thuế phí nào cả. Đặc biệt, việc chịu nhiều loại thuế cùng một lúc sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, vì thế không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm công nghệ cao của Việt Nam như kỳ vọng", vị này cho hay.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc đánh thuế này với game online không khả thi do khó khăn khi xác định đối tượng, người nộp thuế và doanh thu tính thuế. Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phân tích, với đối tượng chịu thuế, sẽ khó phân biệt trò chơi trực tuyến với các phần mềm, ứng dụng máy tính khác.

Bên cạnh đó, người nộp thuế gồm nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khiến việc kê khai và nộp thuế gặp khó khăn. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, việc đánh thuế này sẽ mang tính "bảo hộ ngược", tức tác động đến các game phát hành trong nước mà thiếu kiểm soát trò chơi nước ngoài.

Doanh thu của ngành game thường đến từ người dùng và quảng cáo. Việc đánh thuế với doanh thu từ người dùng sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất game miễn phí, vốn được trẻ em chơi nhiều hơn người trưởng thành. Trường hợp tính thuế trên doanh thu quảng cáo lại ảnh hưởng tới thị trường này, khó khăn khi phân biệt quảng cáo trong nước và nước ngoài.

Theo VCCI, game online có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến sức khỏe con người, xã hội. Có nhiều nghi ngại về tác động tiêu cực của trò chơi này tới trẻ em, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chơi game giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic, tạo các nhóm sở thích giao tiếp xã hội.

Do đó, game cũng giống như các hình thức giải trí khác, tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc nhiều vào nội dung từng trò chơi. Khi khó phân loại nội dung game, việc áp thuế dễ dẫn đến đánh cả vào trò chơi có nội dung giáo dục, thể thao, nghệ thuật.

Ngành công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các trò chơi trên thiết bị di động. Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, 50% các game phổ biến nhất trên các kho ứng dụng Google Play, Appstore đến từ các nhà cung cấp Việt. Điều này tạo cơ hội rất tốt để Việt Nam phát triển nội dung số, xuất khẩu ra toàn cầu.

Hiện, bộ có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng của Việt Nam trở thành công nghiệp nội dung số mũi nhọn và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tầm nhìn này sẽ rất khó đạt được nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Chính sách thuế rõ ràng là cần thiết, nhưng đây chưa phải là điều kiện duy nhất để quyết định chất lượng phát triển của ngành công nghiệp game tại Việt Nam. Vậy bài toán đặt ra là cần có cơ chế quản lý, chính sách thu thuế như thế nào để ngành công nghiệp không khói này đi đúng hướng, loại bỏ nguy cơ xấu từ game lậu và thất thu ngân sách.

Bài liên quan
Phá đường dây tổ chức đánh bạc qua game online hàng nghìn tỉ đồng
Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố 56 đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng Internet qua trang web Powgs.com do Phí Văn Huấn (SN 1981) cầm đầu với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Lo lắng hơn kỳ vọng?