Nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất với các khoản huy động tiền gửi từ người dân ở nhiều kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay sắp giảm theo?

Tuyết Nhung | 13/05/2023, 08:11

Nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất với các khoản huy động tiền gửi từ người dân ở nhiều kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 12.5 đã thông báo biểu lãi suất huy động mới với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của Vietcombank đã giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm. Còn đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm %, xuống 7,2%/năm.

lai-suat.jpg

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo giảm lãi suất huy động kể từ ngày 12.5. Theo đó, biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12.5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm về 7,2%/năm.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng giảm đến 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.

Trước đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã áp dụng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động như: Từ ngày 9.5, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã giảm thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 8,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dưới hình thức gửi tiết kiệm online.

Với các kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép ở 5,5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và online. Tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất gửi tại quầy cố định ở 6,8%/năm và gửi online là 6,9-8,3%/năm. Ở kỳ hạn dài 18 tháng trở lên, các mức lãi suất với kênh quầy và online tại HDBank lần lượt là 6,8-7%/năm và 6,9-7,1%/năm.

Từ ngày 11.5, ngân hàng Agribank cũng giảm đồng loạt từ 0,2-0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống còn 7%/năm. Agribank cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,9%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.

Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã áp dụng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động như: Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank... Cụ thể, Ngân hàng OCB giảm tới 1,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên; CBBank giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng, từ 9,7%/năm xuống 9,05%/năm, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này giảm từ 9,8%/năm xuống 9,15%/năm.

Ngân hàng KienlongBank đã giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.

Có thể thấy, nhóm bốn ngân hàng thương mại Nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank hiện vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường, quanh mức 7-7,2%/năm nếu gửi tại quầy. Tương tự là các kỳ hạn 6-11 tháng với lãi suất phổ biến ở 5,8-5,9%/năm.

Thời gian gần đây, cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất cho vay, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng quốc doanh thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường...

Lãi suất có xu hướng giảm thời gian tới?

Thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm rõ rệt. Giới chuyên gia cho rằng thời điểm này vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian tới. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng có thể giảm còn 7%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 314.000 tỉ đồng, tăng 5,36% và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại các tổ chức tín dụng đã lên gần 6,18 triệu tỉ đồng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất tiền gửi mới bình quân là 6-6,1%/năm. Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đã giảm theo, song mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.

Phát biểu tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa phải giảm lãi suất, vừa phải mở rộng tín dụng, ổn định tỉ giá, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng và mục tiêu nào cũng quan trọng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải quan sát rất sát tình hình thực tế, cân nhắc từng giải pháp chính sách, phối hợp giữa các chính sách như thế nào để đảm bảo mục tiêu như vậy và đóng góp vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

"4 tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỉ giá tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỉ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Bài liên quan
Quảng Bình: Bắt thanh niên cho vay lãi suất cao đến 365%/năm
Cơ quan điều tra xác định Hoàng Anh Tuấn đã cho vay khoảng 4 tỉ đồng với lãi suất từ 109,5 - 365%/năm, thu lợi bất chính số tiền 255 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay sắp giảm theo?