Apple trở thành mục tiêu của vụ kiện tập thể trị giá 785 triệu bảng Anh (1 tỉ USD) do hơn 1.500 nhà phát triển ứng dụng ở Vương quốc Anh đưa ra liên quan khoản phí App Store.

Apple đối mặt vụ kiện trị giá 1 tỉ USD từ hơn 1.500 nhà phát triển ứng dụng

Sơn Vân | 25/07/2023, 08:30

Apple trở thành mục tiêu của vụ kiện tập thể trị giá 785 triệu bảng Anh (1 tỉ USD) do hơn 1.500 nhà phát triển ứng dụng ở Vương quốc Anh đưa ra liên quan khoản phí App Store.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple, gồm cả App Store, đã có doanh thu tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua và hiện dao động quanh mức 20 tỉ USD mỗi quý.

Apple tính phí từ 15% đến 30% với nhiều nhà phát triển ứng dụng khi dùng hệ thống thanh toán trong ứng dụng. Điều này khiến Apple bị các nhà phát triển ứng dụng chỉ trích và các cơ quan quản lý chống độc quyền ở một số quốc gia nhắm đến.

Apple trước đây nói rằng 85% nhà phát triển trên App Store không trả bất kỳ khoản hoa hồng nào. Theo Apple, việc đó giúp các nhà phát triển châu Âu tiếp cận thị trường và khách hàng ở 175 quốc gia trên thế giới thông qua App Store.

Vụ kiện tại Tòa án Tối cao về Tranh chấp Cạnh tranh của Vương quốc Anh được đệ trình bởi Sean Ennis (giáo sư tại Trung tâm Chính sách Cạnh tranh thuộc Đại học East Anglia và nhà kinh tế học trước đây ở Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế), thay mặt cho 1.566 nhà phát triển ứng dụng.

Sean Ennis được tư vấn bởi công ty luật Geradin Partners.

"Apple tính phí cho các nhà phát triển ứng dụng là quá cao và chỉ có thể xảy ra do sự độc quyền của họ trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone, iPad. Các khoản phí này không công bằng, gây thiệt hại cho các nhà phát triển ứng dụng cũng như người mua ứng dụng”, Sean Ennis cho biết trong một tuyên bố.

apple-doi-mat-vu-kien-tri-gia-1-ti-usd-tu-hon-1500-nha-phat-trien-ung-dung.jpg
Sean Ennis đại diện cho 1.566 nhà phát triển ứng dụng ở Vương quốc Anh kiện Apple vì tính phí App Store quá cao - Ảnh: Internet

Đầu tháng 5, Apple kêu gọi tòa án ở London (thủ đô Anh) ngăn chặn một vụ kiện trị giá 1,6 tỉ bảng (hơn 2 tỉ USD) cáo buộc công ty che giấu pin bị lỗi trong hàng triệu iPhone bằng cách giảm hiệu suất chúng qua các bản cập nhật phần mềm.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với vụ kiện 1,6 tỉ bảng cộng với tiền lãi do Justin Gutmann đại diện cho người dùng iPhone ở Vương quốc Anh khởi kiện. Justin Gutmann là nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng nổi tiếng tại Vương quốc Anh.

Các luật sư của Justin Gutmann lập luận trong hồ sơ tòa án rằng Apple đã che giấu các vấn đề về pin bị lỗi trong một số kiểu mẫu iPhone nhất định và "lén lút" cài đặt một công cụ quản lý năng lượng làm giảm hiệu suất máy.

Apple cho biết trong các lập luận bằng văn bản rằng vụ kiện là "vô căn cứ" và mạnh mẽ phủ nhận việc pin iPhone của họ bị lỗi, ngoại trừ một số ít mẫu iPhone 6s được hãng cung cấp dịch vụ thay thế pin miễn phí.

Công ty cũng cho biết bản cập nhật quản lý năng lượng, được giới thiệu vào năm 2017 để giảm tải và bảo vệ các pin cũ hoặc yếu, chỉ làm giảm trung bình 10% hiệu suất của iPhone 6.

Đầu tháng 5, Justin Gutmann đã yêu cầu Tòa án Kháng cáo Cạnh tranh ở London xác nhận vụ kiện và cho phép tiến hành phiên tòa.

Philip Moser, luật sư của Justin Gutmann, đề cập đến các thỏa thuận năm 2020 của Apple để giải quyết một vụ kiện tập thể tại Mỹ và hành động pháp lý của các bang Mỹ về các vấn đề pin iPhone cho thấy Apple “không nói rằng điều này (lỗi pin) chưa bao giờ xảy ra".

Philip Moser nói Apple cũng cam kết sẽ "rõ ràng và thẳng thắn hơn" với người dùng iPhone về tình trạng pin với Cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh vào năm 2019.

Apple phủ nhận việc lừa dối khách hàng về các vấn đề về pin iPhone và chỉ ra lời xin lỗi công khai vào năm 2017, cung cấp dịch vụ thay pin với giá rẻ cho những khách hàng bị ảnh hưởng.

Luật sư David Wolfson của Apple cho biết trong hồ sơ tòa án rằng vụ kiện cáo buộc "không phải tất cả pin đều có thể cung cấp năng lượng tối đa theo yêu cầu trong mọi trường hợp vào mọi thời điểm", song điều này phổ biến với tất cả thiết bị chạy bằng pin. Cụ thể hơn, Apple cho rằng các vấn đề liên quan đến pin không chỉ xảy ra với iPhone, mà đó là điều tất cả thiết bị sử dụng pin đều phải đối mặt.

Nếu thua cuộc trong vụ kiện, Apple sẽ phải bồi thường số tiền khổng lồ cho khoảng 25 triệu người mua iPhone tại Vương quốc Anh bị ảnh hưởng bởi công cụ giảm hiệu năng.

Theo trang The Guardian, các mẫu iPhone nằm trong vụ kiện được sản xuất từ 2015 đến 2017 gồm iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6s, iPhone 6s Plus, iPhone SE 2016, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.

Năm ngoái, Justin Gutmann lập luận việc Apple giảm hiệu năng iPhone không được công khai nhằm che giấu người dùng rằng viên pin không đủ sức xử lý những tính năng mới. Theo ông, thay vì đưa ra chương trình thu hồi, thay pin hoặc thừa nhận bản cập nhật không còn phù hợp với iPhone đời cũ, Apple lại khuyến khích người dùng nâng cấp phần mềm dù biết rằng chúng sẽ khiến máy hoạt động chậm hơn.

"Thay vì đưa ra hành động mang tính tôn trọng khách hàng và cung cấp dịch vụ thay pin miễn phí, sửa chữa hoặc bồi thường, Apple lại lừa dối mọi người bằng cách che giấu một công cụ trong bản cập nhật phần mềm khiến thiết bị của họ chậm hơn 58%. Tôi quyết định khiếu nại để hàng triệu người dùng iPhone tại Anh được khắc phục hậu quả do hành động của Apple. Nếu vụ kiện thành công, tôi hy vọng các hãng công nghệ lớn sẽ đánh giá lại mô hình của họ và tránh những hành vi này", Justin Gutmann nói vào tháng 6.2022.

Tin đồn Apple cố tình làm chậm iPhone xuất hiện từ năm 2016 khi nhiều người dùng iPhone 6s phàn nàn thiết bị thường xuyên sập nguồn. Theo trang 9to5Mac, Apple đã bổ sung công cụ giảm hiệu năng khi pin bị chai trong các bản cập nhật iOS, nhưng không công bố rộng rãi.

Năm 2017, John Poole, "cha đẻ" ứng dụng Geekbench, phát hiện vụ việc này. Đến tháng 12.2017, Apple thừa nhận làm chậm iPhone bị chai pin để đảm bảo máy hoạt động bình thường. Công ty cho rằng pin bị chai không thể cung cấp đủ dòng điện để chip xử lý trên iPhone hoạt động ở hiệu năng cao nhất.

Apple cho biết: “Mục đích của chúng tôi là cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, trong đó bao gồm cả hiệu năng của máy lẫn tuổi thọ của pin. Tuy nhiên, pin Li-on lại khó có khả năng đáp ứng những nhu cầu nặng về hiệu năng hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết lạnh. Tốc độ tích điện của loại pin này cũng khá thấp và qua quá trình sử dụng lâu dài, nó sẽ gây ra hiện tượng sập nguồn đột ngột để bảo vệ các linh kiện điện tử của máy”.

Trước khi cập nhật công cụ làm giảm hiệu năng iPhone, pin bị chai sẽ khiến máy tắt nguồn. Song với công cụ tối ưu của Apple, iPhone vẫn có thể hoạt động nhưng hiệu năng chậm hơn. Từ năm 2018, Apple bổ sung tính năng theo dõi tình trạng pin, cho phép người dùng kiểm tra dung lượng thực tế và tắt công cụ làm chậm máy nếu cần thiết.

"Chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ làm điều gì để cố tình rút ngắn tuổi thọ bất cứ sản phẩm của Apple, hoặc làm giảm trải nghiệm sử dụng để khuyến khích nâng cấp. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các sản phẩm được khách hàng yêu thích, một phần quan trọng là giúp iPhone hoạt động lâu nhất có thể", đại diện Apple cho biết hồi tháng 6.2022.

Apple đối mặt hàng chục vụ kiện do cố tình làm chậm iPhone cũ. Tại Ý, công cụ làm chậm iPhone khiến Apple bị phạt 10,6 triệu USD. Vụ kiện tại Mỹ kết thúc vào tháng 3.2020 khi Apple đồng ý trả 25 USD cho mỗi người dùng iPhone bị ảnh hưởng, tổng số tiền là 310 triệu USD.

Bài liên quan
Vốn hóa Apple lần đầu đạt 3.050 tỉ USD, hơn Alphabet + Amazon, gần bằng GDP Vương quốc Anh
Cổ phiếu Apple tăng lên mức cao kỷ lục hôm 30.6, giúp giá trị thị trường của công ty vượt mốc 3.000 tỉ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple đối mặt vụ kiện trị giá 1 tỉ USD từ hơn 1.500 nhà phát triển ứng dụng