Apple và Nvidia đang đàm phán để đầu tư vào OpenAI như một phần trong vòng gọi vốn mới, có thể định giá công ty tạo ra ChatGPT trên 100 tỉ USD, theo truyền thông Mỹ.
The Wall Street Journal là trang đầu tiên đưa tin về sự quan tâm của Apple với việc đầu tư vào OpenAI, trong khi Bloomberg báo cáo về khả năng tham gia của Nvidia.
Tin tức này xuất hiện một ngày sau khi Wall Street Journal đưa tin công ty đầu tư mạo hiểm Thrive Capital sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào OpenAI.
Microsoft, nhà đầu tư chiến lược lớn nhất của OpenAI với khoản đầu tư hơn 10 tỉ USD, dự kiến sẽ tham gia vào vòng gọi vốn mới này, theo Wall Street Journal.
Số tiền đầu tư chính xác vào OpenAI từ Apple, Nvidia và Microsoft vẫn chưa được tiết lộ. Apple, Microsoft và Nvidia chính là ba công ty có vốn hóa thị trường cao nhất hiện nay.
Apple và OpenAI chưa trả lời câu hỏi của Reuters về chuyện trên, trong khi Thrive Capital, Nvidia và Microsoft từ chối bình luận.
OpenAI đã trở nên ngày càng quan trọng với chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) của Apple. Hồi tháng 6, Apple đã tích hợp chatbot ChatGPT vào các thiết bị của mình như một phần thuộc Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới). Ngoài ra, Apple đã có vai trò quan sát trong hội đồng quản trị OpenAI.
Phil Schiller, người đứng đầu App Store và cựu Giám đốc tiếp thị của Apple, đã được chọn vào vị trí này, Bloomberg cho biết. Sự sắp xếp hội đồng quản trị OpenAI đó sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo Bloomberg, một quan sát viên có thể tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị OpenAI mà không được bỏ phiếu hoặc thực hiện những quyền hạn như các thành viên khác thường có. Tuy nhiên, quan sát viên sẽ hiểu rõ hơn về cách đưa ra các quyết định tại công ty.
OpenAI có cấu trúc khác thường được gọi là công ty "có lợi nhuận giới hạn", trong đó chi nhánh vì lợi nhuận được điều hành bởi một tổ chức phi lợi nhuận. Giám đốc điều hành Sam Altman không trực tiếp nắm giữ cổ phần trong OpenAI.
Mục đích của cấu trúc này là để đảm bảo rằng OpenAI theo đuổi AI tổng quát (AGI) nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại trước khi ưu tiên lợi nhuận. AGI là AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người.
OpenAI được định giá cao do khởi xướng cuộc đua AI bằng việc phát hành ChatGPT cuối năm 2022, thúc đẩy các hãng trong nhiều ngành công nghiệp đầu tư hàng tỉ USD vào công nghệ này để duy trì sự cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Vào tháng 2, OpenAI đã được định giá ở mức 80 tỉ USD sau khi hoàn tất một thỏa thuận, trong đó công ty do Sam Altman điều hành sẽ bán cổ phiếu hiện có trong một đợt chào mua đặc biệt do Thrive Capital dẫn đầu.
Đầu tháng 8, truyền thông đưa tin rằng Apple có thể chọn Microsoft Bing hay công cụ tìm kiếm AI của OpenAI để thay thế nếu thỏa thuận bom tấn với Google bị hủy bỏ.
Hôm 5.8, thẩm phán Amit Mehta ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới.
Phán quyết này mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet (công ty mẹ của Google), điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.
"Tòa án đưa ra kết luận sau: Google là công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình", thẩm phán Amit Mehta cho hay. Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến và 95% trên smartphone.
Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết trong một tuyên bố.
Thẩm phán Amit Mehta lưu ý rằng Google đã trả 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên hầu hết smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ vững thị phần thống lĩnh của mình.
"Vị trí mặc định trên các thiết bị hoặc trình duyệt là tài sản cực kỳ có giá trị... Dù có sản phẩm tốt có thể đủ sức cạnh tranh để trở thành lựa chọn mặc định khi hợp đồng hiện tại hết hạn, một công ty mới chỉ có thể làm được điều đó nếu sẵn sàng trả cho các đối tác một khoản tiền lớn và bù đắp cho bất kỳ tổn thất doanh thu nào mà họ gặp phải do sự thay đổi này", Amit Mehta viết.
Ông cho biết thêm: "Tất nhiên Google thừa nhận rằng việc mất vị trí mặc định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ròng của mình. Ví dụ, Google đã dự đoán rằng việc mất vị trí mặc định trên Safari sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về truy vấn và hàng tỉ USD doanh thu bị mất".
"Nếu buộc phải thoái vốn khỏi mảng kinh doanh tìm kiếm, Alphabet sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn doanh thu lớn nhất của mình. Ngay cả việc mất đi khả năng đạt được các thỏa thuận là công cụ tìm kiếm mặc định độc quyền cũng có thể gây bất lợi cho Google", nhà phân tích cấp cao Evelyn Mitchell-Wolf của hãng Emarketer nhận định. Bà cho biết một quá trình pháp lý kéo dài sẽ trì hoãn mọi tác động tức thời với người tiêu dùng.
Một biện pháp khắc phục tiềm năng để Google tránh các hành động chống độc quyền có thể liên quan đến việc chấm dứt thỏa thuận với Apple, khiến công cụ tìm kiếm của họ không còn là mặc định trên các thiết bị Apple, các nhà phân tích Phố Wall cho biết.
Theo các nhà phân tích từ tập đoàn tài chính Morgan Stanley, Google từng trả cho Apple trên dưới 20 tỉ USD hàng năm, tương đương khoảng 36% số tiền mà họ kiếm được từ quảng cáo tìm kiếm thông qua trình duyệt Safari, để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định.
Các nhà phân tích ước tính rằng nếu thỏa thuận bị hủy bỏ, Apple có thể phải chịu mức giảm 4 - 6% lợi nhuận.
Thỏa thuận với Google có hiệu lực đến ít nhất là tháng 9.2026 và Apple có quyền đơn phương gia hạn thêm hai năm nữa, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông hồi tháng 5.2024, trích dẫn một tài liệu do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình trong vụ kiện chống độc quyền.
"Kết quả có khả năng xảy ra nhất hiện nay là thẩm phán phán quyết Google không còn phải trả tiền cho vị trí mặc định hoặc các công ty như Apple phải chủ động nhắc nhở người dùng chọn công cụ tìm kiếm thay vì đặt mặc định và cho phép họ g thay đổi cài đặt nếu muốn", theo các nhà phân tích của công ty nghiên cứu và tư vấn tài chính Evercore ISI.
"Thông điệp ở đây là nếu bạn có vị thế thống lĩnh thị trường với một sản phẩm, tốt hơn hết là bạn nên tránh sử dụng các thỏa thuận độc quyền và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào mà bạn thực hiện đều cho phép người mua tự do lựa chọn thay thế", Herbert Hovenkamp, giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, bình luận.
Chắc chắn giai đoạn "khắc phục" có thể kéo dài, sau đó là các kháng cáo tiềm tàng lên Tòa phúc thẩm Mỹ, Tòa án quận Columbia và Tòa án tối cao Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài đến năm 2026.
Nếu thỏa thuận với Google bị hủy bỏ, Apple sẽ có một số lựa chọn để cung cấp cho khách hàng giải pháp thay thế như Microsoft Bing hoặc có khả năng là sản phẩm tìm kiếm mới do OpenAI cung cấp.
Các nhà phân tích đồng ý rằng phán quyết này sẽ đẩy nhanh động thái của Apple hướng tới các dịch vụ tìm kiếm hỗ trợ AI. Gần đây, Apple đã thông báo sẽ tích hợp chatbot AI ChatGPT của OpenAI vào các thiết bị của mình.
Trong động thái chuyển hướng khỏi các thỏa thuận độc quyền giúp tránh được sự giám sát của cơ quan quản lý, Apple cho biết đang đàm phán với Google để thêm chatbot Gemini và lên kế hoạch thêm các mô hình AI khác vào các thiết bị của mình.
Apple cũng đang cải tiến Siri bằng AI, giúp trợ lý kỹ thuật số này xử lý các tác vụ mà nó từng gặp khó khăn trong quá khứ như viết email và tương tác với tin nhắn.
Dù dự kiến sẽ không mang lại nhiều tiền trong những năm tới, nỗ lực này có thể giúp Apple chuẩn bị tốt hơn cho sự phát triển và áp dụng công nghệ mới trong tương lai.
Gadjo Sevilla, nhà phân tích tại hãng Emarketer, cho biết: "Apple có thể coi đây là một trở ngại tạm thời, đặc biệt là khi hãng này kiếm được rất nhiều tiền từ thỏa thuận tìm kiếm với Google, nhưng đây cũng là cơ hội để họ chuyển sang các giải pháp AI cho tìm kiếm".
Apple tạo ra gần 400 tỉ USD doanh thu vào năm 2024, nên thỏa thuận trị giá 20 tỉ USD có vẻ không phải quá lớn với họ. Dù Google có bị thay thế bởi một đối thủ cạnh tranh như Bing hay Google tiếp tục hợp tác với Apple nhưng theo các điều khoản khác, nhà sản xuất iPhone, iPad vẫn có khả năng kiếm được rất nhiều tiền từ việc đối tác muốn trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari.
Tuy nhiên, thỏa thuận hiện tại với Google là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple. Việc tăng doanh thu dịch vụ có biên lợi nhuận cao đã trở nên quan trọng với Apple khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là bán iPhone chậm lại hoặc suy giảm. Trong quý 2/2024, doanh thu phần cứng của Apple tăng 1 tỉ USD và dịch vụ tăng đến 3 tỉ USD.
OpenAI đang tiến vào lĩnh vực do Google thống trị bằng cách ra mắt SearchGPT, công cụ tìm kiếm sử dụng AI với khả năng truy cập thông tin từ internet theo thời gian thực.
Được công bố hôm hôm 25.7, động thái này cũng đặt OpenAI vào cuộc cạnh tranh với nhà đầu tư lớn nhất của mình là Microsoft với công cụ tìm kiếm Bing và dịch vụ mới nổi Perplexity (chatbot AI tập trung vào tìm kiếm được nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos và gã không lồ chip Nvidia hậu thuẫn).
OpenAI đã mở đăng ký SearchGPT, đang trong giai đoạn nguyên mẫu và được thử nghiệm với một nhóm nhỏ người dùng cùng nhà xuất bản. Công ty có kế hoạch tích hợp các tính năng tốt nhất từ SearchGPT vào ChatGPT trong tương lai.
"Các công cụ hỗ trợ AI từ OpenAI và Perplexity tái khẳng định tìm kiếm là mô hình tương tác nội dung, gây áp lực buộc Google phải làm tốt hơn trong lĩnh vực mà hãng thống trị", nhà phân tích Kingsley Crane từ hãng Canaccord Genuity nhận xét.
Google chiếm ưu thế trong thị trường công cụ tìm kiếm với 91,2% thị phần tính đến tháng 7, theo hãng phân tích web Statcounter. SearchGPT sẽ cung cấp các kết quả tìm kiếm tóm tắt với liên kết nguồn để trả lời truy vấn của người dùng, OpenAI cho biết trong một bài đăng trên blog. Người dùng cũng có thể đặt câu hỏi tiếp theo và nhận được các phản hồi theo ngữ cảnh.
OpenAI sẽ cung cấp cho các nhà xuất bản công cụ để quản lý cách nội dung của họ xuất hiện trong kết quả SearchGPT. News Corp và The Atlantic là hai trong các đối tác xuất bản của SearchGPT.
SearchGPT báo hiệu sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà xuất bản và OpenAI, sau khi "cha đẻ ChatGPT" đạt thỏa thuận được cấp phép nội dung với các hãng thông tấn lớn như Associated Press, News Corp và Axel Springer.
Các công cụ tìm kiếm lớn đã cố gắng tích hợp AI vào tìm kiếm kể từ khi ChatGPT trình làng vào tháng 11.2022. Thông qua khoản đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI, Microsoft đã áp dụng công nghệ của công ty này cho công cụ tìm kiếm Bing. Trong khi Google đã triển khai tính năng AI cho công cụ tìm kiếm từ hội nghị nhà phát triển I/O của mình vào tháng 5.