Apple bắt đầu yêu cầu các ứng dụng mới phải xuất trình bằng chứng về giấy phép của chính phủ Trung Quốc trước khi phát hành trên App Store tại nước này.

Apple thực thi kiểm tra các ứng dụng mới ở Trung Quốc khi chính phủ thắt chặt giám sát

Sơn Vân | 03/10/2023, 18:20

Apple bắt đầu yêu cầu các ứng dụng mới phải xuất trình bằng chứng về giấy phép của chính phủ Trung Quốc trước khi phát hành trên App Store tại nước này.

Qua đó, Apple đã tham gia vào chính sách mà các đối thủ ở Trung Quốc đã áp dụng từ nhiều năm trước để tuân thủ các quy định ngày càng nghiêm ngặt.

Bắt đầu từ ngày 29.9, Apple yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải gửi "hồ sơ nhà cung cấp nội dung internet (ICP)" khi họ phát hành ứng dụng mới trên App Store, theo trang web dành cho nhà phát triển.

Hồ sơ ICP là một hệ thống đăng ký lâu dài, bắt buộc để các trang web hoạt động hợp pháp tại Trung Quốc và hầu hết cửa hàng ứng dụng địa phương, gồm cả do Tencent và Huawei điều hành, đã áp dụng ít nhất từ năm 2017.

Để có được giấy phép hồ sơ ICP, các nhà phát triển cần phải có công ty ở Trung Quốc hoặc làm việc với nhà xuất bản địa phương, điều này vốn là trở ngại cho một số lượng lớn ứng dụng nước ngoài.

Chính sách ICP lỏng lẻo trước đây giúp Apple cung cấp nhiều ứng dụng di động hơn so với các đối thủ địa phương và giúp gã khổng lồ công nghệ Mỹ tăng cường mức độ phổ biến ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba sau châu Mỹ và châu Âu.

Apple đưa ra quyết định mới sau khi Trung Quốc thắt chặt hơn nữa việc giám sát các ứng dụng di động vào tháng 8 bằng cách ban hành một quy tắc mới yêu cầu tất cả cửa hàng ứng dụng cùng nhà phát triển ứng dụng phải gửi "hồ sơ ứng dụng" chứa thông tin chi tiết kinh doanh cho cơ quan quản lý.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc tuần trước đã công bố tên hàng loạt cửa hàng ứng dụng di động đầu tiên đã hoàn tất hồ sơ ứng dụng, nhưng App Store của Apple không nằm trong danh sách.

Apple không trả lời câu hỏi của Reuters về vấn đề trên.

apple-thuc-thi-viec-kiem-tra-moi-voi-ung-dung-o-trung-quoc.jpg
Apple bắt đầu yêu cầu các ứng dụng mới phải xuất trình bằng chứng về giấy phép của chính phủ Trung Quốc trước khi phát hành trên App Store tại nước này - Ảnh: Internet

Việc Apple tuân thủ quy tắc của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến khả năng truy cập hàng trăm ngàn ứng dụng trên App Store ở quốc gia châu Á, gồm cả các ứng dụng nước ngoài phổ biến như X (trước đây gọi là Twitter) và Telegram.

Apple cũng đang phải đối mặt với những rắc rối khác ở Trung Quốc khi chính quyền tập trung nhiều hơn vào an ninh, chẳng hạn như một số cơ quan chính phủ cấm nhân viên sử dụng iPhone, Reuters đưa tin vào tháng trước.

Rich Bishop, Giám đốc điều hành của công ty xuất bản ứng dụng AppInChina, cho biết việc yêu cầu các nhà phát triển nộp hồ sơ ICP sẽ đưa Apple tiến một bước gần hơn đến việc tuân thủ đầy đủ ở Trung Quốc.

Quy tắc mở rộng được ban hành vào tháng 8 yêu cầu phần backend của ứng dụng phải được lưu trữ tại Trung Quốc. Điều này vào tháng trước đã trở thành điều kiện để ứng dụng được giới thiệu trên các cửa hàng ứng dụng Android địa phương.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, backend là một phần quan trọng của ứng dụng hoặc hệ thống máy tính. Backend gồm các thành phần và quá trình không hiển thị trực tiếp cho người dùng cuối, nhưng chúng làm cho ứng dụng hoạt động một cách trơn tru và quản lý dữ liệu.

Backend bao gồm các máy chủ (server), cơ sở dữ liệu, hệ thống xử lý, logic ứng dụng, dịch vụ khác được sử dụng để xử lý các yêu cầu từ phía người dùng và lưu trữ thông tin. Backend đảm bảo rằng dữ liệu được lưu trữ và quản lý một cách an toàn và hiệu quả, cung cấp các dịch vụ như xác thực người dùng, quản lý phiên làm việc, xử lý thanh toán cùng nhiều chức năng khác liên quan đến việc xử lý dữ liệu và hoạt động của ứng dụng.

Frontend là phần của ứng dụng mà người dùng cuối có thể thấy và tương tác trực tiếp, trong khi backend là phần không hiển thị mà làm cho toàn bộ hệ thống hoạt động.

Nhiều nhà phát triển đã lên mạng xã hội để bày tỏ quan ngại về quyết định của Apple, sợ hãng này có thể thắt chặt hơn nữa các quy định để tuân thủ đầy đủ các quy định của Trung Quốc.

Trong bài đăng trên X, nhà phát triển độc lập tên Jinyu Meng cho biết: "Nếu ứng dụng của tôi muốn ra mắt ở Trung Quốc mà phải nộp đơn, tôi sẽ gỡ bỏ ứng dụng của mình ở đó".

Một số người dùng iPhone ở Trung Quốc đăng trên X rằng có thể cần bắt đầu sử dụng tài khoản Apple từ các quốc gia khác để truy cập các ứng dụng yêu thích của mình.

Theo quy định mới, các ứng dụng không có hồ sơ phù hợp sẽ bị phạt sau thời gian ân hạn sẽ kết thúc vào tháng 3.2024, trong khi các ứng dụng mới được phát triển cần phải tuân thủ quy tắc từ tháng 9 này.

Theo trang Apple Insider, luật mới được Trung Quốc công bố gần đây yêu cầu tất cả nhà phát triển App Store phải có trụ sở tại nước này hoặc hợp tác với nhà xuất bản địa phương. Họ cũng phải đăng ký chi tiết doanh nghiệp, gồm cả địa chỉ.

Các quy tắc được Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc công bố vào tháng 8.2023 mang lại cho chính phủ toàn quyền kiểm soát về việc có phê duyệt ứng dụng hoặc yêu cầu xóa chúng hay không. Truyền thông phương Tây nghi ngờ rằng luật được tạo ra để chặn các dịch vụ truyền thông xã hội.

Theo trang Wall Street Journal, đại diện Apple hồi cuối tháng 9 đã gặp các quan chức Trung Quốc để bày tỏ lo ngại về các quy tắc, việc thực thi chúng và cách luật ảnh hưởng đến người dùng.

Wall Street Journal cho biết các công ty truyền thông xã hội như Facebook khó có thể tuân thủ quy tắc của Trung Quốc. Lý do vì cùng với các luật pháp mới yêu cầu có một trụ sở tại Trung Quốc hoặc đối tác địa phương thì còn có các vấn đề liên quan đến lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc và tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của nước này.

Do đó, Apple có thể phải xóa các ứng dụng như Facebook, X, Instagram... hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt pháp lý không rõ ràng.

Bài liên quan
Mark Zuckerberg phải cảm ơn Apple vì khiến hội nghị Connect 2023 thêm sôi động
Tại hội nghị Connect thường niên của Meta Platforms vừa qua, tập trung vào thực tế ảo (VR) và metaverse, từ 'Apple' đã xuất hiện trên môi của nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm
16 phút trước Sự kiện
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (ASEAN Future Forum - AFF 2024) diễn ra vào ngày 23.4 tại Hà Nội. Đây là sáng kiến của Việt Nam, thể hiện sự chủ động thúc đẩy, duy trì và nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple thực thi kiểm tra các ứng dụng mới ở Trung Quốc khi chính phủ thắt chặt giám sát