Apple, hãng công nghệ lớn nhất thế giới, hôm 24.10 cho biết sẽ ủng hộ dự luật về quyền được sửa chữa của Mỹ, sau nhiều năm những người ủng hộ người tiêu dùng phàn nàn rằng các thiết bị đẹp mắt của hãng rất khó sửa chữa và sửa tốn kém.

Apple ủng hộ đề xuất của Tổng thống Biden về luật quyền sửa chữa

Sơn Vân | 25/10/2023, 10:30

Apple, hãng công nghệ lớn nhất thế giới, hôm 24.10 cho biết sẽ ủng hộ dự luật về quyền được sửa chữa của Mỹ, sau nhiều năm những người ủng hộ người tiêu dùng phàn nàn rằng các thiết bị đẹp mắt của hãng rất khó sửa chữa và sửa tốn kém.

Thông báo này phần nào giúp Tổng thống Mỹ - Joe Biden thúc đẩy sự cạnh tranh và siết chặt việc thu tiền phí không hợp lý cũng như hành động khác gây tăng giá cho người tiêu dùng.

Hôm 24.10, Apple cũng cho biết sẽ cung cấp các bộ phận, công cụ và tài liệu cần thiết để sửa chữa iPhone và máy tính của mình cho các cửa hàng sửa chữa độc lập lẫn người tiêu dùng trên toàn nước Mỹ. Đây là động thái có thể giúp thúc đẩy các công ty khác làm theo.

Lina Khan, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cho biết các biện pháp hạn chế được áp dụng trong toàn ngành đã làm tăng chi phí với người tiêu dùng, cản trở sự đổi mới, đóng lại cơ hội kinh doanh cho các cửa hàng sửa chữa độc lập và tạo ra rác thải điện tử không cần thiết. Bà nói: “Chúng tôi đã nghe các nhân viên y tế và bệnh viện lo lắng rằng họ sẽ không thể sửa chữa máy thở vì nhà sản xuất đang tìm cách từ chối quyền truy cập để sửa chữa nó”.

Quyết định từ Apple ủng hộ dự luật liên bang và cho phép các cửa hàng độc lập sửa chữa sản phẩm của hãng là một phần sự thay đổi kéo dài nhiều năm hướng tới việc tôn vinh tuổi thọ và giá trị bán lại thiết bị Apple, đồng thời giúp việc sửa chữa và tiếp cận các phụ tùng thay thế dễ dàng hơn.

Apple bắt đầu phân phối các bộ phận và sách hướng dẫn sử dụng cho một số cửa hàng sửa chữa độc lập vào năm 2019. Hồi tháng 8, Apple đã ủng hộ dự luật về quyền sửa chữa tại bang California (Mỹ), nơi hãng đặt trụ sở. Dự luật này yêu cầu các công ty cung cấp cho các cửa hàng sửa chữa và người tiêu dùng quyền tiếp cận các bộ phận, công cụ, sách hướng dẫn cần thiết để sửa thiết bị với giá cả hợp lý và công bằng.

Brian Naumann, Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ và vận hành của Apple, phát biểu tại sự kiện tại Nhà Trắng: “Chúng tôi dự định tôn trọng các điều khoản sửa chữa mới của California trên khắp nước Mỹ. Apple cũng tin rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ luật quốc gia cân bằng khả năng sửa chữa với tính toàn vẹn của sản phẩm, khả năng sử dụng và an toàn vật lý”.

Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ca ngợi quyết định của Apple và kêu gọi Quốc hội thông qua luật quốc gia. Bang California, Colorado, New York và Minnesota đã thông qua luật quyền sửa chữa của riêng họ. 30 bang khác cũng đưa ra luật tương tự.

Lael Brainard cho biết cam kết từ các công ty tư nhân như Apple có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng và loại bỏ chất thải không cần thiết. Bà nói việc sửa chữa các thiết bị điện tử tiêu dùng có thể tiết kiệm cho người Mỹ 49,6 tỉ USD hàng năm và giảm gần 7 triệu tấn rác thải điện tử hàng năm của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các cửa hàng sửa chữa độc lập nhỏ.

Dù Apple đã cung cấp phụ tùng thay thế cho các cửa hàng sửa chữa từ năm 2019 nhưng dự luật của California cũng yêu cầu hãng này phải cung cấp các công cụ chẩn đoán. Apple cho biết có kế hoạch đi theo mô hình tương tự trên toàn quốc giống ở California.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ người tiêu dùng đã phản ứng với tin tức hôm 24.10 với thái độ dè dặt, vì Apple thường xuyên đi kèm với những điều kiện trong quá khứ khi ủng hộ việc sửa chữa.

Nathan Proctor, người đứng đầu các nỗ lực chiến dịch đòi quyền sửa chữa cho nhóm vận động có tên U.S. PIRG, nói nhóm của ông sẽ theo dõi các chi tiết của bất kỳ luật liên bang nào được ban hành.

Nathan Proctor nói: “Quan trọng nhất là các trải nghiệm và kết quả thực tế mà người dùng gặp sau khi Apple cùng các công ty khác áp dụng các cam kết các thay đổi liên quan đến việc sửa chữa sản phẩm. Đó là điều chúng tôi quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi Apple và các công ty khác”.

apple-ung-ho-no-luc-thuc-day-luat-quyen-sua-chua-thiet-bi-cua-tong-thong-biden.jpg
Apple hôm 24.10 cho biết sẽ ủng hộ dự luật về quyền được sửa chữa của Mỹ -  Ảnh: Reuters

Vào năm 2022, Apple đã giới thiệu Self Service Repair, cho phép các cửa hàng sửa chữa và người dùng thuê các công cụ sửa chữa cấp độ chuyên nghiệp, mua các bộ phận thay thế từ Apple.

Phong trào quyền được sửa chữa gắn liền với phong trào môi trường, vì việc sửa chữa các thiết bị và kéo dài tuổi thọ giúp tránh ném chúng vào bãi rác. Các thông báo về sản phẩm Apple hồi đầu tháng 9 nhấn mạnh rất nhiều đến công tác bảo vệ môi trường của công ty, gồm cả việc tiếp thị Apple Watch Series 9 là loại trung tính carbon.

iFixit là công ty chuyên tháo rời và hướng dẫn sửa chữa các thiết bị nổi tiếng, ủng hộ mạnh mẽ phong trào quyền được sửa chữa.

Theo phân tích của iFixit, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max có thiết kế khung mới giúp việc sửa chữa màn hình hoặc thay pin trở nên dễ dàng hơn.

iFixit nhận thấy iPhone 15 Pro và Pro Max có thiết kế mới gắn kết các bộ phận chính của máy vào khung nhôm, được liên kết với lớp vỏ titan mà người dùng chạm vào bên ngoài. Vì thay pin và sửa màn hình là điều phổ biến trên smartphone, thiết kế mới giúp người sửa chữa tiếp cận hai linh kiện đó dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, iFixit đưa ra điểm số sửa chữa thấp cho iPhone 15 Pro và Pro Max: 4/10. Điều này một phần do Apple sử dụng phần mềm để khóa các bộ phận cụ thể của thiết bị, khiến việc tự sửa chữa chúng trở nên khó khăn hơn hoặc gần như không thể.

iFixit cho biết nhiều linh kiện của dòng iPhone 15, bao gồm cảm biến Face ID, cảm biến Lidar và cuộn sạc không dây MagSafe, không thể thay thế được nếu không sử dụng công cụ cấu hình chính thức của Apple để xác thực chúng.

Việc ghép nối các bộ phận trong các mẫu này không chỉ dừng lại ở khả năng tương thích cơ học, mà yêu cầu xác thực và ghép nối thông qua công cụ cấu hình hệ thống (System Configuration) của Apple. Điều này làm hạn chế việc thay thế bằng các linh kiện chính thống của Apple và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp sửa chữa độc lập cũng như vấn đề toàn diện về chất thải điện tử”, iFixit viết trong một bài đăng trên blog.

Trước đây, YouTuber PBKreviews đã tháo rời iPhone 15 Pro và cho biết việc sửa chữa mặt lưng kính sẽ dễ hơn đáng kể. Thay đổi này lần đầu tiên xuất hiện trên iPhone 14 và iPhone 14 Plus vào năm ngoái. PBKreviews giải thích: “Nếu cần thay mặt lưng kính, tất cả những gì bạn phải làm là làm nóng mặt sau, cạy mặt lưng kính ra và ngắt kết nối cáp mềm khỏi mặt sau của bo mạch”. Đằng sau mặt lưng kính có cuộn sạc không dây MagSafe, đèn flash LED và các đầu nối với micro.

Lớp vỏ bên trong bằng nhôm của chip A17 Pro trên iPhone 15 Pro không có nhãn hiệu hoặc logo nào. Trong khi chip của iPhone 14 Pro được gắn logo A16 Bionic rõ ràng.

Vào tháng 9, Apple thông báo dòng iPhone 15 Pro có thiết kế khung máy mới và giảm giá thay tấm kính mặt sau bị nứt xuống còn 149 USD cho iPhone 15 Pro hoặc 169 USD với iPhone 15 Pro Max, so với 499 USD hoặc 549 USD trên các mẫu iPhone 14 Pro/14 Pro Max. Sửa chữa màn hình vẫn giữ nguyên mức giá 329 USD với iPhone 15 Pro hoặc 379 USD cho iPhone 15 Pro Max.

Phân tích của iFixit nhấn mạnh rằng dòng iPhone 15 đang sử dụng modem Qualcomm X70 để kết nối với các nhà mạng di động, sau khi công ty Mỹ công bố hồi đầu tháng rằng sẽ cung cấp chip modem cho Apple cho đến năm 2026.

Bài liên quan
‘Tính năng mới của Apple giúp tôi nhận ra đang cầm iPhone sai cách, hại mắt’
Đó là tiêu đề bài viết của Kylie Kirschner về tính năng Screen Distance trên iOS 17.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple ủng hộ đề xuất của Tổng thống Biden về luật quyền sửa chữa