Nvidia cho biết các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ nhằm ngăn chặn việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp của họ sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 23.10 khi các cơ quan quản lý đẩy nhanh thời gian.

Nvidia: Mỹ đẩy nhanh thời gian hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc và nhiều nước

Sơn Vân | 24/10/2023, 23:00

Nvidia cho biết các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ nhằm ngăn chặn việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp của họ sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 23.10 khi các cơ quan quản lý đẩy nhanh thời gian.

Các hạn chế này dự kiến sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ hôm 17.10 khi chính quyền Biden công bố các biện pháp ngăn chặn các quốc gia, gồm cả Trung Quốc, Iran và Nga nhận chip AI tiên tiến do Nvidia và các công ty khác của Mỹ thiết kế.

Nvidia (hãng chip có giá trị nhất thế giới) không mong đợi tác động ngắn hạn đến thu nhập của mình từ động thái này, nhưng không cho biết lý do tại sao chính phủ Mỹ lại đẩy nhanh thời gian áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu chip AI.

Cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế, AMD không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Reuters. Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận.

Những hạn chế không cho phép xuất khẩu các chip AI tiên tiến đã được sửa đổi của Nvidia là A800 và H800. Cả hai chip này từng được Nvidia tạo ra cho thị trường Trung Quốc để tuân thủ các quy tắc xuất khẩu vào năm ngoái.

Các chip Nvidia A100, H100 và L40S cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.

nvidia-my-day-nhanh-thoi-gian-han-che-xuat-khau-chip-ai.png
Nvidia cho biết các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ nhằm ngăn chặn việc bán chip AI cao cấp của họ sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 23.10 thay vì 17.11 - Ảnh: Internet

Trước đó, Nvidia cho biết có thể buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi chính quyền Biden hôm 17.10 mở rộng các hạn chế với xuất khẩu một số công nghệ cao cấp.

Nvidia cũng thông báo rằng các quy định mới có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành việc phát triển một số sản phẩm nhất định kịp thời, hỗ trợ khách hàng hiện tại về những sản phẩm đó hoặc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm này bên ngoài các khu vực bị hạn chế.

Theo các biện pháp mở rộng, Mỹ hiện đã hạn chế một lượng lớn chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip với nhiều quốc gia hơn, đồng thời đưa các nhà thiết kế chip Trung Quốc như Moore Threads và Biren vào danh sách đen thương mại.

Chính quyền Biden có kế hoạch tạm dừng vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế đến Trung Quốc, một phần trong loạt biện pháp được công bố hôm 17.10 nhằm tìm cách ngăn quốc gia châu Á tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường quân đội.

Gina Raimondo - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói với các phóng viên rằng các biện pháp mới này sẽ lấp đầy những lỗ hổng trong các quy định được ban hành vào tháng 10.2022 và có thể sẽ được cập nhật “ít nhất là hàng năm”.

Bà nói mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với “các chất bán dẫn tiên tiến có thể tạo ra những đột phá về AI và các máy tính phức tạp vốn rất quan trọng với các ứng dụng quân sự (Trung Quốc)”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Biden không tìm cách làm tổn thương Trung Quốc về mặt kinh tế.

Gina Raimondo cho biết Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu chất bán dẫn trị giá hàng trăm tỉ USD của Mỹ.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nước này “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới, đồng thời nói thêm rằng: “Việc tự ý đặt ra các biện pháp kiềm chế hoặc buộc phải tìm cách tách rời để phục vụ chương trình nghị sự chính trị là vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”.

Các biện pháp mới chứng tỏ chính quyền Biden đang nỗ lực làm chậm dòng chip và công cụ sản xuất chip vào Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của công nghệ Mỹ trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Reuters đưa tin vào tháng 6 rằng những chip AI bị cấm theo các quy định trước đó có thể được mua từ các nhà cung cấp ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Trong một báo cáo tháng 6.2022, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua các cuộc đấu thầu của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng vào năm 2020, gần như tất cả chúng đều được thiết kế bởi các công ty Mỹ là Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi.

Theo các quy định được công bố hôm 17.10, khả năng AI, được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip tiên tiến, sẽ cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự.

Các quy định mới sẽ miễn trừ hầu hết chip tiêu dùng được sử dụng trong laptop, smartphone và chơi game, dù một số sẽ phải tuân theo các yêu cầu về cấp phép và thông báo của các quan chức Mỹ.

Hoạt động kinh doanh của Nvidia đã phát triển kể từ khi Mỹ áp dụng các quy định vào tháng 10.2022 vì các chip chỉ dành cho Trung Quốc của hãng vẫn tốt hơn các lựa chọn thay thế. Nvidia đang bán hầu hết chip AI khi nhu cầu trên toàn thế giới vượt xa nguồn cung, nhưng sẽ bị tổn hại về lâu dài khi các hãng chip Trung Quốc tìm kiếm nơi khác để lấp đầy khoảng trống mà các công ty Mỹ để lại.

Các nhà phân tích cho biết những biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc có thể khiến Nvidia phải rút lui và tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường trong nước trị giá 7 tỉ USD.

Dù Nvidia là nhà cung cấp chip AI hàng đầu tại Trung Quốc với thị phần vượt quá 90%, các công ty Trung Quốc, gồm cả Huawei, cũng đang phát triển phiên bản riêng tương tự chip bán chạy nhất của Nvidia như bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 và H100.

Các nhà phân tích và một số công ty AI như iFlyTek (Trung Quốc) nói chip AI Ascend của Huawei có thể so sánh với chip Nvidia về sức mạnh tính toán cơ bản, nhưng vẫn tụt hậu về hiệu suất.

Jiang Yifan, Giám đốc phân tích thị trường tại hãng Guotai Junan Securities, cho biết một yếu tố hạn chế chính khác với các công ty Trung Quốc là sự phụ thuộc của hầu hết dự án vào chip và hệ sinh thái phần mềm Nvidia, nhưng điều đó có thể thay đổi sau các hạn chế từ Mỹ.

Theo tôi, động thái này từ Mỹ thực sự đang mang lại cho chip Ascend của Huawei một món quà lớn”, Jiang Yifan đề cập trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình. Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với một số thách thức.

Nhiều dự án AI tiên tiến được xây dựng bằng CUDA, kiến trúc lập trình phổ biến mà Nvidia đã đi tiên phong, từ đó tạo ra hệ sinh thái toàn cầu rộng lớn có khả năng đào tạo các mô hình AI với độ phức tạp cao như GPT-4 của OpenAI.

Phiên bản riêng của Huawei mang tên CANN. Các nhà phân tích nói CANN có nhiều hạn chế hơn về khả năng đào tạo các mô hình AI, đồng nghĩa là chip của Huawei còn xa lắm mới thay thế được cho Nvidia.

Theo Woz Ahmed, cựu giám đốc thiết kế chip nay là cố vấn, để giành được khách hàng Trung Quốc từ Nvidia, Huawei phải tái tạo hệ sinh thái mà Nvidia từng tạo được, gồm cả hỗ trợ khách hàng chuyển dữ liệu và mô hình của họ sang nền tảng riêng của Huawei.

Woz Ahmed cho biết quyền sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề vì nhiều công ty Mỹ đã nắm giữ các bằng sáng chế quan trọng về GPU.

Ông nói thêm: “Để đạt được một điều gì đó gần giống như vậy, có thể cần 5 hoặc 10 năm”.

Bài liên quan
Sam Altman nói không loại trừ việc OpenAI tự tạo chip AI khi các hãng tranh mua GPU Nvidia
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói rằng sẽ "không bao giờ loại trừ" việc công ty này xây dựng chip trí tuệ nhân tạo (AI) của riêng mình khi phải vật lộn với tình trạng thiếu bộ xử lý quan trọng trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nvidia: Mỹ đẩy nhanh thời gian hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc và nhiều nước