Apple đã xác định được một số vấn đề có thể khiến dòng iPhone 15 quá nhiệt hơn dự kiến, bao gồm cả lỗi trong phần mềm iOS 17 sẽ được sửa trong bản cập nhật sắp tới.
Sau những phàn nàn rằng dòng iPhone 15 quá nhiệt khi sử dụng, Apple cho biết thiết bị có thể ấm hơn trong vài ngày đầu "sau khi thiết lập hoặc khôi phục máy do hoạt động nền tăng lên".
“Một vấn đề khác liên quan đến một số bản cập nhật gần đây cho các ứng dụng của bên thứ ba khiến hệ thống bị quá tải”, Apple thông báo và cho biết thêm rằng đã làm việc với các nhà phát triển ứng dụng về các bản sửa lỗi đang trong quá trình triển khai.
Theo Apple, các ứng dụng của bên thứ ba gây ra sự cố như game Asphalt 9, Uber, Instagram của Meta Platforms. Instagram đã khắc phục sự cố với ứng dụng của mình vào ngày 27.9.
Bản sửa lỗi iOS 17 sắp tới sẽ không làm giảm hiệu suất để giải quyết vấn đề nhiệt độ của iPhone.
Công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) cho biết iPhone 15 Pro và Pro Max không bị quá nhiệt do thiết kế, thay vào đó lớp vỏ titan mới giúp tản nhiệt được cải thiện so với các mẫu thép không gỉ trước đây.
Ngoài ra, Apple cũng nói vấn đề này không đe dọa đến sự an toàn hoặc gây nguy hại cho người dùng và sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất của máy trong dài hạn.
Các nhà quan sát, nhà phê bình trong ngành và cả những người dùng sẽ theo dõi kỹ lưỡng dòng iPhone mới mà Apple phát hành. Một trong những vấn đề mà dòng iPhone 15 gặp lại là nhiệt độ dù những lời phàn nàn và lo ngại bao trùm một số khía cạnh như mặt kính dễ vỡ, sự cố chuyển dữ liệu trực tiếp từ iPhone cũ sang nếu chưa cập nhật lên iOS 17.0.2.
Chưa đầy một tuần sau khi mua máy, một số người phàn nàn dòng iPhone 15 trở nên quá nóng trong một số tình huống cụ thể, đặc biệt là sau khi quá trình sạc không dây kết thúc.
Có người cho rằng mẫu iPhone mới bị nóng hay hay hơi ấm khiến việc không thể sử dụng thoải mái, với nhiệt độ tăng trên 40 độ C. Phiên bản iPhone 15 Pro và Pro Max được cho là bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Trước khi Apple lên tiếng, người dùng cố xác định nguyên nhân thực sự gây ra sự cố. Trên YouTube, một số kênh đã dùng máy đo nhiệt để kiểm tra, phát hiện các vị trí cực nóng trên iPhone 15 Plus và Pro Max đủ để tạo ra bỏng cấp độ 1.
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, da người bắt đầu cảm thấy đau ở nhiệt độ 111 độ F (khoảng 43,8 độ C). Ở nhiệt độ 118 độ F (tương đương khoảng 47,7 độ C), da người sẽ bị bỏng cấp độ 1. Thử nghiệm cho thấy iPhone mới đôi khi nóng đến 48 độ C.
Một số thử nghiệm cho rằng nguyên nhân là chip A17 Pro trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max. Blogger công nghệ Geekerwan (Trung Quốc) đo được nhiệt độ bề mặt iPhone 15 Pro đạt mức 118 độ F (47,7 độ C) với chip A17 Pro. Thậm chí có người dùng còn đo được mức nhiệt độ lên đến 48,1 độ C trên iPhone 15 Pro.
Bộ xử lý của smartphone hoạt động mạnh hơn nhiều với các tác vụ đòi hỏi khắt khe, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều người nghi ngờ A17 Pro. Trang AndroidAuthority cũng cho rằng như vậy khi thử nghiệm sử dụng tất cả hiệu năng của chip.
Với tác vụ bật CPU sáu lõi, nhiệt độ tăng vọt nhanh chóng. iPhone 15 Pro vượt mốc 40 độ C trong vòng 5 phút sau khi chạy bài kiểm tra 3DMark Wild Life. Khi kết thúc quá trình chạy 20 phút và nhiệt độ cao nhất lên đến 47 độ C, sẽ quá nóng để có thể cầm nắm máy.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vấn đề quá nhiệt cũng xảy ra với iPhone 15 chạy chip A16 Bionic khi máy lên đến 46,7 độ C, theo thử nghiệm của YouTuber BullsLab.
Nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo tin rằng vấn đề không thực bắt nguồn từ chip A17 Pro, được TSMC sản xuất theo tiến trình 3 nanomet, mà liên quan đến thay đổi trong thiết kế hệ thống nhiệt của dòng iPhone 15 Pro. Dù khung hợp kim titan làm cho dòng iPhone 15 Pro nhẹ hơn nhiều so với các phiên bản tiền nhiệm, nhưng có vẻ như trọng lượng thấp hơn này còn đến từ việc Apple đã chỉnh sửa hệ thống tản nhiệt.
Ming-Chi Kuo tin rằng diện tích tản nhiệt đã được Apple giảm đi, kết hợp với khung titan mới trên iPhone 15 Pro sẽ làm giảm hiệu suất tản nhiệt của máy. Apple đã sử dụng khung titan cho iPhone 15 Pro vì giúp máy nhẹ hơn so với thiết bị tiền nhiệm sử dụng thép không gỉ (iPhone 15 Pro nặng 187 g, iPhone 14 Pro nặng 206 g).
Sinh nhiệt và tản nhiệt trên iPhone
Ngoại trừ các vấn đề như hỏng pin hiếm gặp, iPhone có thể nóng lên theo nhiều lý do khác nhau.
Rõ ràng nhất là các yếu tố môi trường, cụ thể là nơi đặt iPhone, bất kể mục đích sử dụng thực tế của bạn. Để iPhone dưới ánh nắng mặt trời vào một ngày rất nóng chắc chắn có thể làm máy nóng, ngay cả khi không bật lên.
iPhone có thể nóng lên do truyền năng lượng hoặc sử dụng năng lượng.
Đầu tiên, truyền năng lượng liên quan đến việc bạn sạc pin của iPhone. Dù sạc không dây qua Qi, MagSafe hay sử dụng cáp vật lý thì quá trình truyền năng lượng không hoàn hảo và nhiệt độ có thể phát ra.
Sự sinh nhiệt cũng xảy ra với chính pin, vì việc sạc pin là phản ứng hóa học tạo ra nhiệt. Dù pin không có xu hướng ấm lên khi sử dụng (xả điện) nhưng sẽ ấm hơn rất nhiều khi bạn sạc thiết bị, đơn giản là do quá trình hóa học đó tỏa nhiệt.
Khiếu nại về việc iPhone nóng sau khi sạc là điều phổ biến, đơn giản vì sạc pin có xu hướng làm mọi thứ nóng lên. Đó là một vấn đề gần như không thể tránh khỏi.
Một cách khác khiến iPhone bị ấm hoặc nóng lên là thông quan việc sử dụng. Việc chạy các game hoặc ứng dụng tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng hơn mức thông thường có thể làm nóng các thành phần như CPU và GPU theo thời gian.
Trong phần cứng của Apple, CPU và GPU nằm ở cùng một hệ thống trên chip (SoC), điều này khiến việc quản lý nhiệt khá khó khăn.
Cũng có khả năng một số công việc thông thường như gọi điện thoại làm ấm iPhone một chút, nhưng chỉ ở mức độ rất ít mà hầu hết người dùng không thể nhận thấy rõ. Tuy nhiên, một game đòi hỏi nhiều sức mạnh từ CPU và GPU có thể nhanh chóng khiến người dùng nhận ra rằng iPhone đang trở nên ấm lên.
Nâng cấp lên iOS 17, cũng như việc chuyển dữ liệu từ iPhone này sang iPhone khác như một phần của quá trình cập nhật, sẽ kích hoạt tính năng lập chỉ mục các file trong nhiều ngày bằng công cụ Spotlight.
Việc lập chỉ mục lại này sẽ tiêu tốn tài nguyên, gồm cả pin và hiệu suất xử lý, cho đến khi hoàn tất, có thể mất đến một tuần.
Sự sinh nhiệt chỉ là một phần của vấn đề, phần còn lại là loại bỏ nó. Thật không may, đó là điều khá khó khăn với iPhone.
Một máy tính như Mac hoặc PC chơi game thường có nhiều hệ thống quản lý nhiệt có thể tản nhiệt ra khỏi các bộ phận nhạy cảm và làm nó biến mất.
Với kích thước nhỏ và không có hệ thống làm mát tích cực như quạt, iPhone không có sẵn thành phần để hạ nhiệt nhanh chóng. Nhiệt từ các chip phải đi đâu đó và với iPhone, không có lựa chọn nào khác ngoài việc truyền nhiệt vào thân máy.
Một số nhà sản xuất thiết bị Android, như Samsung trên dòng Galaxy S23, đang sử dụng kỹ thuật làm mát buồng hơi để truyền nhiệt xung quanh thiết bị. Bằng cách sử dụng ống chứa chất lỏng, các thành phần nóng có thể làm bay hơi chất này, sau đó di chuyển đến các phần mát hơn khác của buồng để ngưng tụ, chuyển đổi nhiệt độ trong quá trình này.
Làm như vậy có thể hữu ích cho các thiết bị được thiết kế để sử dụng với cường độ cao trong thời gian dài nhưng thường phải trả giá bằng việc tiêu tốn không gian bên trong thân máy. Với các thiết bị được đóng gói chặt chẽ trong không gian nhỏ gọn, các nhà sản xuất smartphone thực sự không thể sử dụng kỹ thuật như vậy mà không có sự thỏa hiệp về mặt kỹ thuật ở một mức độ nào đó.
Apple từng thử nghiệm sử dụng hệ thống nhiệt buồng hơi trên iPhone vào năm 2021, nhưng đã quyết định từ bỏ ý tưởng này do kết quả kiểm tra độ tin cậy kém.