Armenia và Azerbaijan đã thông qua lệnh ngừng bắn hôm 14.9, trong bối cảnh giao tranh ở biên giới 2 nước khiến 155 quân nhân từ cả 2 phía thiệt mạng.

Armenia và Azerbaijan đạt được thỏa thuận ngừng bắn

Bảo Vĩnh | 15/09/2022, 14:25

Armenia và Azerbaijan đã thông qua lệnh ngừng bắn hôm 14.9, trong bối cảnh giao tranh ở biên giới 2 nước khiến 155 quân nhân từ cả 2 phía thiệt mạng.

Ông Armen Grigoryan, thư ký Hội đồng An ninh Armenia, vào sáng sớm 15.9 cho biết thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 20 giờ ngày 14.9. Lệnh ngừng bắn đầu tiên mà Nga làm trung gian hôm 13.9 đã đổ vỡ nhanh chóng sau khi 2 bên tiếp tục cáo buộc bên còn lại nã pháo về phía mình.

Vài giờ trước tuyên bố của ông Grigoryan, Bộ Quốc phòng Armenia đưa tin các trận pháo đã ngừng, nhưng không đề cập thỏa thuận ngừng bắn. Bộ Quốc phòng Azerbaijan chưa bình luận về thỏa thuận ngừng bắn.

Armenia và Azerbaijan bùng phát giao tranh ở khu vực biên giới 2 nước từ sáng sớm 13.9. Hai bên đổ lỗi lẫn nhau là bên khiến căng thẳng leo thang trước. Phía Armenia cáo buộc Azerbaijan có hành động khiêu khích vô cớ, trong khi Baku tuyên bố họ tấn công đáp trả đòn pháo kích vào lãnh thổ của Yerevan.

Armenia nói rằng 105 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng, trong khi Azerbaijan cho biết họ mất 50 quân nhân trong giao tranh với nước láng giềng. Chính quyền Azerbaijan cho biết, họ sẵn sàng đơn phương bàn giao thi thể của tối đa 100 binh sĩ cho Armenia.

Diễn biến trong 2 ngày qua đánh dấu cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa 2 nước Liên Xô cũ kể từ cuộc chiến tranh 6 tuần vào năm 2020 ở vùng Nagorno-Karabakh (Azerbaijan hiện gọi là Karabakh).

armenia-war-ap-2.jpeg
Dân Ajerbaijan chôn cất một quân nhân tử trận - Ảnh : AP 

Đầu ngày 14.9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã báo cáo Quốc hội rằng Armenia có 105 lính tử trận, và quân đội Azerbaijan chiếm 10 km2 đất của Armenia trong thời gian giao tranh từ sáng 13.9. Armenia đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO - liên minh quân sự do Nga dẫn đầu) giúp nước này thu hồi lãnh thổ bị Azerbaijan chiếm quyền kiểm soát.

Ông Pashinyan nói: “Các đồng minh của chúng ta là Nga và CSTO”, đồng thời nói thêm rằng CSTO đã tuyên bố một cuộc xâm lược chống lại một thành viên của tổ chức này cũng là chống lại tất cả các thành viên khác.

Thủ tướng Pashinyan khẳng định: “Chúng tôi không xem biện pháp can thiệp quân sự là khả năng duy nhất vì còn có những giải pháp chính trị và ngoại giao”. Ông cũng nói Armenia sẵn sàng công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan trong một hiệp ước hòa bình có thể đạt được.

Thủ tướng Armenia phát biểu: “Chúng tôi muốn ký vào một văn kiện mà nhiều người sẽ chỉ trích và gọi chúng tôi là những kẻ phản quốc, thậm chí họ có thể quyết định lật đổ chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ được tri ân nếu Armenia đạt được kết quả là hòa bình và an ninh vĩnh viễn”.

armenia-war-ap-3.jpeg
Thủ tướng Armenia phát biểu trước Quốc hội - Ảnh : AP

Thủ tướng Armenia bị yêu cầu từ chức vì “phản bội quê hương”

Vài thành viên đối lập đánh giá tuyên bố của ông Pashinyan là dấu hiệu ông sẵn sàng nhượng bộ trước các "yêu sách" của Azerbaijan và công nhận Azerbaijan có chủ quyền ở vùng Nagorno-Karabakh.

Vùng Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, vùng này có đông người dân Armenia sinh sống và đã đòi độc lập khỏi Azerbaijan sau cuộc chiến tranh ly khai vốn kết thúc năm 1994. Từ đó, Nagorno-Karabakh là vùng tự quản và nhận được sự hỗ trợ từ Armenia.

Armenia và Azerbaijan từng có có 44 ngày chiến tranh vào mùa thu 2020 với kết quả Azerbaijan chiếm được một số đất ở vùng Nagorno-Karabakh. Cuộc chiến này làm chết 6.700 người, kết thúc bằng một thỏa thuận ngưng bắn do Nga làm trung gian. Moscow cũng cử 2.0000 quân Nga đến vùng này để gìn giữ hòa bình.

Cuộc giao tranh 2 ngày qua không liên quan tranh chấp vùng này, nhưng lãnh đạo vùng là Arayik Harutyunyan tuyên bố khu vực này không đồng ý sáp nhập vào Azerbaijan, và sẽ thúc đẩy công cuộc đấu tranh đòi độc lập.

Cuối ngày 14.9, hàng ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Yerevan của Armenia, cáo buộc Thủ tướng Pashinyan phản bội đất nước bằng cách nỗ lực xoa dịu Azerbaijan, và họ đòi ông từ chức.

Thủ tướng Pashinyan giận dữ bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã ký một thỏa thuận qua đó chấp nhận các yêu sách của Azerbaijani. Ông gọi đó là “cuộc tấn công xuyên tạc”, trong khi thư ký Hội đồng An ninh Armenia mô tả các cuộc biểu tình ở Yerevan là “âm mưu tiêu diệt đất nước”.

Nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn vùng Nam Caucasus

Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đấu pháo những ngày qua là một toan tính của phía Azerbaijan nhằm buộc chính quyền Armenia mau chóng áp dụng các điều khoản ghi trong hiệp ước hòa bình năm 2020, ví dụ như mở các hành lang vận chuyển đi qua lãnh thổ Armenia.

Theo báo Đức Deutsche Welle, giao tranh giữa hai nước Liên Xô cũ ở miền Nam Caucasus có nguy cơ lôi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc. Nga đã cố gắng duy trì quan hệ hữu nghị giữa hai nước từng thuộc khối Liên Xô, phát triển hợp tác thân cận với Azerbaijan, trong khi lập quan hệ kinh tế và an ninh mạnh mẽ với Armenia, nước cho phép Nga đặt một căn cứ quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ thì ủng hộ cộng đồng người Thổ ở Azerbaijan cả về quân sự lẫn chính trị.

Và một cuộc chiến tranh tổng lực tại khu vực này có thể gây bất ổn cho một hành lang quan trọng có các tuyến ống dẫn dầu khí, vào lúc chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.

Theo Reuters, Nga từng là trung gian nhiều ảnh hưởng giữa Armenia và Azerbaijan. Nhưng dù Nga hôm 13.9 đã nỗ lực kéo giảm đổ máu ở vùng Nam Caucasus, vai trò gìn giữ hòa bình của Nga đã bị suy giảm từ cuộc chiến ở Ukraine.

Sergei Markedonov, một chuyên gia Nga về khu vực Nam Caucasus, viết bình luận: “Azerbaijan có tiềm năng quân sự lớn hơn, nên họ cố gắng áp đặt các điều kiện cho Armenia, và sử dụng vũ lực để thúc đẩy các quyết định ngoại giao mà họ muốn”.

Nhà phân tích Laurence Broers ở tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) nói một cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan sẽ cần có thêm quân gìn giữ hòa bình, vào lúc Moscow không có đủ điều kiện cung cấp.

Ông nói: “Tôi nghĩ ở Ajerbaijan có một nhận định rằng đây là lúc triển khai thế lực, ưu thế quân sự nhằm để họ đạt được tối đa những gì đang muốn có”.

Cuối ngày 13.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước thành viên CSTO đã bàn luận tình hình xung đột giữa Armenia với Ajerbaijan, kêu gọi hai bên chấm dứt các hoạt động thù địch. CSTO còn đồng ý cử đoàn quan chức cấp cao trong liên minh an ninh này đến khu vực chiến sự.

Vào ngày 16.9 tại Uzbekistan, Tổng thống Putin sẽ có cuộc họp với Tổng thống Ilham Aliyev của Ajerbaijan nhân dịp họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Chính quyền Armenia nói Thủ tướng Pashinyan không thể dự hội nghị trên vì tình hình ở vùng chiến sự.

Theo AP, tại Washington, một nhóm nghị sĩ ủng hộ Armenia đã vận động hành lang với chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hạ nghị sĩ Adam Schiff thuộc đảng Dân chủ và là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đã cùng 4 nghị sĩ khác kêu gọi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ “dứt khoát lên án các hành động của Azerbaijan và chấm dứt tất các sự giúp đỡ” dành cho nước này.

Bài liên quan
Nguy cơ vùng nam Caucasus rơi vào bất ổn vì đụng độ Armenia - Azerbaijan
Ít nhất 16 quân nhân cùng một số dân thường đã thiệt mạng trong vụ đụng độ quân sự nghiêm trọng nhất giữa Armenia và Azerbaijan từ năm 2016 đến nay, làm dấy lên lo ngại về tình hình nam Caucasus vốn là hành lang dầu khí quan trọng của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Armenia và Azerbaijan đạt được thỏa thuận ngừng bắn