Trong triển lãm "Rong chơi miền nhớ" của nhóm Ba Cái Bông đánh dấu một chặng đường sáng tạo say mê và nhiệt huyết của mỗi cá nhân để tạo nên nguồn cảm hứng khích lệ nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật của họ.

Ba Cái Bông rong chơi miền nhớ

Tiểu Vũ | 22/08/2023, 08:45

Trong triển lãm "Rong chơi miền nhớ" của nhóm Ba Cái Bông đánh dấu một chặng đường sáng tạo say mê và nhiệt huyết của mỗi cá nhân để tạo nên nguồn cảm hứng khích lệ nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật của họ.

Lý do nhóm Ba Cái Bông lấy tên triển lãm là "Rong chơi miền nhớ" vì theo họ "Mỗi bông hoa là một thế giới, một màu sắc, một phong cách hội họa riêng". Với thông điệp đó và dựa trên tên thật cũng như bút danh của mỗi họa sĩ, họ đã đặt tên cho nhóm là Ba Cái Bông. Trong đó Đặng Thị Dương là hoa water lily, Liêu Nguyễn Hướng Dương là hoa hướng dương, Nguyễn Anh Đào là hoa anh đào.

3-cai-bong(1).jpg
Nhóm họa sĩ "Ba Cái Bông" - Ảnh: NVCC

Triển lãm "Rong chơi miền nhớ" trưng bày hơn 60 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước...

"Đây là thành quả của những chuyến đi giao lưu quốc tế Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ... và trại sáng tác hằng năm ở Việt Nam do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức. Chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm, vui chơi qua những miền đất xinh đẹp và các nền văn hóa độc đáo. Những vùng đất mới mẻ, tuyệt vời đó đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng và là hành trang kỷ niệm đầy ắp cảm xúc để đi cùng năm tháng. Chúng là chất liệu để các họa sĩ vẽ nên những bức tranh muôn vàn sắc thái.

Trong triển lãm của Ba Cái Bông lần này, chúng tôi cũng muốn đánh dấu một chặng đường sáng tạo say mê và nhiệt huyết của mỗi cá nhân. Mặc dù mỗi người là một con đường hội họa riêng, phong cách khác biệt, nhưng tựu chung là sự đồng cảm, đồng điệu, cùng nhau tạo nên cái đẹp, tạo nên nguồn cảm hứng, động lực để khích lệ nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật...", đại diện của nhóm chia sẻ.

Họa sĩ - Nhà giáo ưu tú Ðặng Thị Dương

Nhà giáo ưu tú Ðặng Thị Dương từng là nữ sinh trường đầm (Trường cấp 2 Marie Curie, TP.HCM). Trước 1975, bà học Ðại học Luật khoa và Ðại học Văn khoa môn tiếng Pháp. Từ năm 1976 - 1982, bà chuyển sang học mỹ thuật chuyên khoa sơn dầu dưới sự hướng dẫn của các giảng viên như họa sĩ Văn Ðen, họa sĩ Trương Thị Thịnh... Bạn cùng thời của bà hầu hết đã thành danh, cùng góp phần làm nên diện mạo mỹ thuật miền Nam như Nguyễn Thành Quốc Thạnh, Giáp Huy Kận, Kao Vân Khánh, Tô Hoài Nam, Nguyễn Thanh Lâm, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Quang Luân, Trương Phi Ðức…

dang-thi-duong-tac-pham-1-.jpeg

“Hành trình sáng tác của nữ họa sĩ Ðặng Thị Dương âm thầm như con suối mát, song song với sự nghiệp giáo dục mà cô đã dành trọn cuộc đời cống hiến. Các tác phẩm được sáng tác trong quá trình giảng dạy đã tham gia hơn trăm triển lãm trong và ngoài nước. Dòng suối sáng tạo về sau càng rộng dòng chảy khi họa sĩ có được khoảng không gian và thời gian cho tâm hồn nghệ sĩ của mình”, Trần Thanh Cảnh nhận xét.

Nữ họa sĩ Ðặng Thị Dương đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế về hội họa như Hong Kong Festival (1994), Paris (1996), Singapore, Berlin (2000), Pháp (2003), Thái Lan (2004)... Đặc biệt bà tham gia tích cực trong vai trò thủ lĩnh phái đoàn Việt Nam tại chuỗi triển lãm mỹ thuật của các nữ họa sĩ quốc tế HPIC 6 - Hàn Quốc 2006, HPIC 8 - Trung Quốc 2008, HPIC 9 - Mỹ 2010, Singapore 2011, HPIC 11 - Mông Cổ 2014, HPIC 12 - Ðài Loan 2016, IWAF - Nga 2019, Mông Cổ 2019… Tham gia các chương trình dành cho nữ họa sĩ quốc tế lần 3, 4, 5, 6 tại Qwangju, Hàn Quốc (năm 2012, 2014, 2016, 2018)...

Chính trong hành trình không mỏi ấy, nhiều tác phẩm của bà được lưu giữ tại những bộ sưu tập cá nhân ở Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Úc... Còn tại quê nhà, tranh của bà đã nằm trong các bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…

dang-thi-duong-tac-pham-2-.jpeg

Họa sĩ Đặng Thị Dương chia sẻ: “Tình yêu thiên nhiên đã cuốn hút tôi vào những mảng đề tài yêu thích, và những bức tranh nồng nàn hơi thở cuộc sống đã được sinh ra từ những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đầy thú vị. Hai khả năng dạy học và sáng tạo nghệ thuật luôn song hành trong tôi”.

Nay thì tuổi đã già, nhìn lại những cống hiến cho việc đào tạo thế hệ họa sĩ trẻ, bà cảm thấy mình tự hào khi gặp lại các em sinh viên năm xưa giờ đã thành đồng nghiệp - những họa sĩ thành danh. Niềm hạnh phúc của bà bây giờ là ngoài thời gian dành cho gia đình, bà chỉ mong được ngồi vào góc riêng để đắm mình trong sáng tác.

Chính niềm say mê hội họa đã trang bị cho bà một tâm hồn lãng mạn, những giây phút thăng hoa bên tác phẩm, hồn nhiên giữa bộn bề niềm vui nỗi buồn, giúp xoa dịu những nỗi đau của kiếp người mà chắc hẳn ai cũng gặp phải.

Họa sĩ Nguyễn Anh Đào

Trong ký ức của những người thân, Nguyễn Anh Đào yêu thích hội họa từ những ngày thơ bé. Lúc nào trong tay cô bé cũng là bút vẽ, những hình ảnh minh họa trong truyện cổ tích như bé mèo, chú heo, nàng Bạch Tuyết hay bảy chú lùn… thường được cô bé hí hoáy vẽ lại. Thế nhưng, người cha lại mong muốn con gái trở thành bác sĩ, mà đâu ngờ rằng mỗi khi nhìn thấy máu là mặt mũi cô bé tái xanh.

nguyen-anh-dao-tac-pham-1-(1).jpeg

Học hết phổ thông, niềm mơ ước sâu thẳm năm nào vẫn vẹn nguyên, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, Anh Đào đành rẽ lối. Cô chọn con đường sư phạm, ngành sư phạm mỹ thuật, bởi đơn giản là “không tốn học phí, sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình”. Những lần được đi xem triển lãm mỹ thuật, xem các phòng tranh ở khu trung tâm thích đến mê tơi, đêm về không ngủ được, Anh Đào tự nhủ, hay là mình đi học thêm vẽ. Rồi người ta thấy cô vừa dạy học, vừa cắp cặp đến Hội Mỹ thuật TP.HCM học. Được người thầy đầu tiên là họa sĩ Lê Quang Luân tận tình chỉ dẫn, Anh Đào như được tiếp thêm sức sống.

Năm 2008, lần đầu tiên tranh của Anh Đào được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Cô cảm giác như chạm tay vào ước mơ của mình. “Lần đầu tiên tranh mình được treo tại triển lãm lớn, một không gian nghệ thuật thực thụ, được trân trọng và còn được người ta mua nữa. Cảm giác vui sướng, hạnh phúc lúc đó mình không thể nào quên được”, Anh Đào nhớ lại. Năm 2011, niềm vui lớn khi cô chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM.

nguyen-anh-dao-tac-pham-2-.jpeg

Một lần xem tranh cô, họa sĩ Mai Trực nhận xét: “Màu tranh của em rất hợp với sơn mài. Hay là thử xem”. Thế là cô học thêm kỹ thuật sơn mài từ các họa sĩ Mai Trực, Nguyễn Lâm, Lê Xuân Chiểu… đến các thầy dạy ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Mấy bức đầu tiên được các thầy khen, cô rất sung sướng. Duyên nợ với sơn mài cũng bắt đầu từ đó.

Vượt mọi khó khăn, nỗ lực của cô đã mang đến những quả ngọt đầu tiên. Năm 2012, lần đầu tiên tranh Anh Đào được triển lãm tại một gallery ở Singapore. Cũng năm đó, tại triển lãm Họa sĩ nữ quốc tế (Việt Nam đăng cai, diễn ra tại TP.HCM), Anh Đào là một trong 3 gương mặt nữ được chú ý. Chọn mua tranh của cô là một nhà sưu tập quốc tế đến từ Hong Kong (Trung Quốc), mua một lúc gần 20 bức, treo trang trọng trong một biệt thự tại TP.HCM. Năm 2013, lần thứ hai tranh của cô đến Singapore qua triển lãm Art fairs. Một nhà sưu tập cũng là chủ gallery tại Singapore ngỏ ý tổ chức một triển lãm cá nhân cho cô trong năm.

img_1087.jpeg
Nhóm hội họa "Ba Cái Bông" - Ảnh: NVCC

Bao nhiêu dự tính rộn ràng nhưng biến cố mất mẹ bất ngờ ập đến. Cú sốc tinh thần khiến một thời gian Anh Đào không thể sáng tác và cô xoay qua làm đủ việc như thiết kế, trang trí quán cà phê, mở phòng tranh chuyên trang trí cho nhà hàng, khách sạn…

“Tôi được là chính mình khi đến với hội họa, được vẽ tranh như mình yêu thích, kiếm sống được bằng nghề, đi được nhiều nơi. Nhưng tôi còn phải cố gắng nhiều nữa từ kỹ năng chuyên môn hội họa, tiếng Anh, đến kỹ năng giao lưu, nói chuyện trước đám đông… để vượt qua chính mình. Tôi thấy mình có nhiều động lực. Sắp 40 tuổi nhưng tôi nghĩ mình vẫn mới bắt đầu”, Anh Đào tâm sự.

Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương

Nổi lên từ khoảng năm 2004, 20 năm qua, xét trong các thế hệ họa sĩ 6X trở về sau, Liêu Nguyễn Hướng Dương (sinh 1975) là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất tại Việt Nam.

Liêu Nguyễn Hướng Dương từng tham gia vòng 2 Start Something New 2016 của Apple. Vòng 1, Apple chọn ra 20 nghệ sĩ trên toàn thế giới, bao gồm các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt... bằng cách dùng sản phẩm công nghệ của họ để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Khi hoàn thành tác phẩm trên máy trong vòng vài ngày, các nghệ sĩ sẽ gửi lại sản phẩm để họ duyệt vòng 2. Ở vòng này họ sẽ chọn ra 10 người để chính thức dùng tác phẩm được mình vẽ trên các sản phẩm cụ thể cho việc quảng cáo sản phẩm.

lieu-nguyen-huong-duong-tac-pham-1-.jpeg

Liêu Nguyễn Hướng Dương đã vẽ tác phẩm của mình trên iPad Air 2 và đồng thời dùng nó để quảng bá cho dòng sản phẩm này. Khi được chọn, các tác phẩm đã được in đồng loạt và treo trên khắp các cửa hàng Apple trong vòng 3 tháng đầu năm 2016 để quảng bá cho sản phẩm. Mật độ phổ biến của tác phẩm đại diện cho Apple này xuất hiện dày đặc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, tác phẩm hoa đào của Liêu Nguyễn Hướng Dương còn được dùng làm poster ở giao diện trang web chính của Apple để hưởng ứng cho chiến dịch này.

Liêu Nguyễn Hướng Dương chia sẻ: “Đối với tôi, vẽ là niềm yêu thích. Tôi có thể chơi với màu sắc cả ngày mà không hề chán. Chỉ có làm họa sĩ mới có thể tạo cho bản thân nhiều hứng khởi và đam mê trong sáng tạo. Tìm ra được một phong cách khác biệt phù hợp với tâm hồn mình vốn là một điều hạnh phúc, nhưng khi được mọi người yêu thích và công nhận thì đó lại là một niềm hạnh phúc lớn lao hơn trong nghề nghiệp”.

lieu-nguyen-huong-duong-tac-pham-2-.jpeg

Anh nói thêm: “Làn sóng cảm xúc tràn ngập mạnh mẽ dâng trào bên trong người nghệ sĩ, buộc họ phải sáng tạo. Quá trình này chỉ thoáng qua và người nghệ sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vội vã nắm bắt động lực sáng tạo bất ngờ đó khi nó đến. Đối với tôi, khi vẽ mà đạt đến trạng thái xuất thần là điều tôi mong muốn nhất. Làn sóng cảm xúc tràn ngập mạnh mẽ dâng trào là bất ngờ và thoáng qua, nhưng quá trình sáng tác thì lâu dài".

Dương bảo, để một tác phẩm hoàn thành, ngoài cảm xúc dâng trào qua hành động của "sự kiện" ra, nó còn đòi hỏi phải đạt được nhiều yếu tố kỹ thuật như sự phối màu, sắc độ, nhịp điệu sáng tối, sự cân đối của bố cục... Và cuối cùng là nó đã thể hiện đúng cảm xúc của cái đẹp mà mình muốn hướng đến chưa.

“Tôi là họa sĩ thích làm việc theo cảm tính, cảm xúc và sự rung động, nên tôi để mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, xuôi theo dòng cảm xúc và những suy tư bất chợt của mình, nên chưa có kế hoạch gì cụ thể trong tương lai cả. Đối với tôi, cảm xúc, sự rung cảm khi vẽ là điều khá quan trọng. Nuôi dưỡng cảm xúc để cảm hứng thăng hoa trong tác phẩm là điều tôi thật sự mong muốn. Vị tác giả, vị nghệ thuật, vị nhân sinh…? Đối với tôi nghệ thuật vị gì thì không quan trọng. Hội họa cứ chính là nó đi, sớm muộn gì nó cũng sẽ tìm cách đến được và ở lại lâu dài với cuộc đời là điều tôi mong muốn”, Liêu Nguyễn Hướng Dương nói.

Bài liên quan
Thấy gì từ triển lãm của thi sĩ Bùi Chát?
Vốn là người làm thơ và xuất bản sách, Bùi Chát rẽ ngang qua vẽ tranh và mở triển lãm khiến cho nhiều người bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba Cái Bông rong chơi miền nhớ