Theo John Bolton - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Donald Trump thì sẽ có 3 điểm khác biệt giữa Trump và Biden trong cách đối xử với Trung Quốc.

Ba điểm khác biệt giữa Trump và Biden trong cách đối xử với Trung Quốc

Anh Tú (theo Oil Price) | 26/11/2020, 08:30

Theo John Bolton - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Donald Trump thì sẽ có 3 điểm khác biệt giữa Trump và Biden trong cách đối xử với Trung Quốc.

Vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở Trung Đông - đặc biệt là với Iran và Iraq, là những trụ cột không thể thay thế trong 'Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường' (BRI) nhiều lớp, nhiều thế hệ của Bắc Kinh. Do vậy, cách mà Tổng thống đắc cử dự kiến của Mỹ, Joe Biden, đối phó với Trung Quốc là một câu hỏi quan trọng cho ngành công nghiệp dầu mỏ.

Theo một loạt các nguồn tin cấp cao ở Washington thân cận với phía Biden và các nguồn tin thân cận với các cơ quan quản lý ở Tehran và Baghdad được trang OilPrice trao đổi riêng vào tuần trước, cách tiếp cận của nhóm Biden đối với Trung Quốc sẽ rất gần với Các chính sách vốn tập trung vào thương mại của người tiền nhiệm Donald Trump. Đó là cách tiếp cận để đảm bảo rằng Bắc Kinh tiếp tục tuân theo chính sách thương mại bình đẳng với Mỹ.

Nhưng theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump, John Bolton, có ba điểm mấu chốt khác biệt giữa 2 chính quyền. Thứ nhất, Biden  sẽ nhất quán trong chính sách an ninh thương mại chứ không như Trump vốn hay thay đổi. Thứ hai, một thước đo thương mại mới sẽ được áp dụng nhằm giảm thiểu và hạn chế nghiêm ngặt tình trạng mất cân bằng thương mại. Và thứ ba, một khuôn khổ hợp tác hẹp hơn giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc sẽ được áp đặt.

Đối với giới lãnh đạo của Trung Quốc hay Iran - ý tưởng từ lâu về một tổng thống Biden dễ đoán định là sẽ mang lại cảm giác dễ chịu hơn nhiều so với cựu Tổng thống Trump. Iran, theo nhiều nguồn tin khác nhau (bao gồm cả từ Bolton), còn được cựu Ngoại trưởng John Kerry vỗ về khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung
JCPOA vào tháng 5.2018 là “Hãy gắn bó với thỏa thuận JCPOA và 'chỉ cần chờ đợi cho đến khi Trump không còn là tổng thống”.

tq4.jpg

Trong khi đó, Trung Quốc quyết định nhẫn nhịn để ngăn Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt trong vài tháng cuối nhiệm kỳ tổng thống vì lý do tương tự. “Trung Quốc nhận thức rất rõ rằng Trump hoàn toàn chỉ quan tâm đến hình ảnh hào nhoáng của Chiến tranh Thương mại (Mỹ-Trung) chứ không phải bản chất của việc các cuộc đàm phán đó đang tiến triển như thế nào, vì vậy Bắc Kinh đã biến tất cả những gì được gọi là nhượng bộ của mình thành một loại công cụ. Điều đó trên thực tế là vô nghĩa nhưng sẽ cho phép Trump đưa ra những dòng Tweet mang tính chiến thắng”, một luật sư cấp cao từng làm việc chặt chẽ với Nhà Trắng dưới thời Trump nói với trang OilPrice tuần trước.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình là người hiểu được bản tính tưởng như khó đoán định của Trump. Một trường hợp tiêu biểu là việc đảo ngược gần như hoàn toàn các lệnh trừng phạt cứng rắn ban đầu của Mỹ áp đặt lên công ty viễn thông Trung Quốc, ZTE, vì đã vi phạm nhiều lần các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Theo Bolton, sau một cuộc điện đàm riêng với Chủ tịch Tập - mà Tập nói với Trump rằng ông sẽ "nợ (Trump) một ân huệ" nếu Mỹ giảm các lệnh trừng phạt chống lại ZTE. Trump đã làm đúng những gì Tập đã đòi hỏi, cũng như việc cân nhắc bảo mật giao dịch cho các cân nhắc thương mại.

Trump đã tweet: “Chủ tịch Tập của Trung Quốc và tôi đang làm việc cùng nhau để mở  cho công ty điện thoại khổng lồ của Trung Quốc, ZTE, con đường trở lại kinh doanh nhanh chóng. Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất. Bộ Thương mại đã được hướng dẫn để làm điều đó!” Và Bolton đã thốt lên: "Từ khi nào chúng ta bắt đầu lo lắng về tình trạng việc làm ở Trung Quốc?" Chính xác thì cùng một phương pháp bằng việc tâng bốc cá nhân Trump và sau đó cam kết mơ hồ với Trump về việc Trung Quốc mua thêm một số nông sản hoặc sản phẩm khác từ Mỹ, Tập đã sử dụng nhiều lần để ngăn Trump áp đặt các lệnh trừng phạt nhanh chóng, đầy đủ và không thể đảo ngược đối với công ty khổng lồ viễn thông Huawei, vốn bị Mỹ cáo buộc hoạt động tình báo.

Nhưng Tập sẽ không thể dùng chiêu đó với Biden. “Tất cả những điều này sẽ được tách ra khỏi các vấn đề an ninh quốc gia - vì vậy sẽ không có nhượng bộ, chẳng hạn như đối với Huawei - và cũng như tránh xa chính sách đối ngoại, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ không được đánh đổi trong thương mại như đôi khi chúng diễn ra dưới thời Trump”, Mehrdad Emadi, người đứng đầu công ty phân tích rủi ro toàn cầu, Betamatrix, ở London nhận định. Việc tách bạch này có nghĩa là khi lên làm Tổng thống Mỹ, Joe Biden sẽ không xem xét việc làm dịu lập trường đối với Iran để đổi lấy lời đề nghị nào đó từ Trung Quốc.

Nói cách khác, chính phủ dự kiến của Biden sẽ thực hiện một cách tiếp cận ban đầu mạnh mẽ tương tự đối với Trung Quốc nhưng không có bất kỳ cơ hội nào để Tập có thể mời mọc những cân nhắc thương mại mơ hồ như vậy. “Thương mại - và cho đến nay là quan trọng nhất, giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - sẽ là tiền đề và trung tâm của tất cả các giao dịch của Biden với Trung Quốc. Thế nhưng, các cân nhắc an ninh sẽ hoạt động riêng rẽ và chính sách đối ngoại cũng vậy, không ai được phép can thiệp vào lĩnh vực khác”, Emadi đánh giá.

trungquoc.jpg

Ngoài ra, theo các nguồn tin ở Washington, London và Trung Đông, sau thời điểm Biden chính thức nhậm chức tổng thống, các công ty Mỹ sẽ không còn được phép ký bất kỳ hợp đồng có yếu tố chia sẻ công nghệ nào với các công ty Trung Quốc. “Trong nhiều thập kỷ, việc Trung Quốc khăng khăng rằng bất kỳ công ty Mỹ nào muốn làm ăn với Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ của họ với đối tác Trung Quốc - và cả những công ty như General Electric, Westinghouse và Ford, cùng nhiều công ty khác cũng không ngoại lệ. Điều này đã cho phép Trung Quốc thiết kế ngược một cách có hệ thống mọi thứ được chia sẻ và sau đó bán lại các phiên bản do Trung Quốc sản xuất cho Mỹ và thế giới với giá thấp hơn nhiều. Do đơn giá lao động ở Trung Quốc rẻ mạt, đã tạo ra thặng dư thương mại lớn cho Trung Quốc”, Emadi phân tích.

Mục chính trong chương trình của Biden là sẽ phải khắc phục sự mất cân bằng này với một điều chỉnh mới để tạo ra 'trạng thái cân bằng ổn định lâu dài trong thương mại'. “Cách tiếp cận mới này sẽ tập trung vào việc điều chỉnh sự mất cân bằng cơ cấu song phương trong dài hạn vốn đã tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Hậu quả của mất cân bằng là do từ một hay nhiều nguyên nhân sau đây: Trung Quốc bán phá giá, thao túng liên tục để giữ cho đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp và việc Trung Quốc xây dựng các rào cản nhập khẩu ngầm ”, Emadi nhấn mạnh.

Để giải quyết tồn tại này, nhóm Biden sẽ áp đặt một tỷ lệ phần trăm nghiêm ngặt giữa mức trung bình luân phiên trong 5 năm của số thương mại hàng hóa Mỹ-Trung (thâm hụt đối với Mỹ) đối với GDP của Mỹ. Theo OilPrice, số liệu cụ thể đang được xem xét là tổng thâm hụt thương mại hàng hóa trong 5 năm phải duy trì dưới 4,85% GDP của Mỹ trong bất kỳ năm nào thuộc chu kỳ kinh doanh. Còn như hiện tại, tổng số thâm hụt thương mại Mỹ - Trung trong 5 năm qua là khoảng 1,39 nghìn tỷ USD, bằng 6,48% GDP năm 2019, 6,76% GDP năm 2018, 7,13% GDP năm 2017...

Nếu công thức dựa trên mốc 4,85% được sử dụng thì tổng 5 năm sẽ dưới 1 nghìn tỉ USD, hoặc phải kéo giảm khoảng 70 tỉ USD chênh lệch mỗi năm cho mỗi năm của chu kỳ 5 năm. Emadi nói với OilPrice: “Dù lấy số liệu chính xác nào đi chăng nữa, thì mức trung bình luân phiên trong 5 năm này sẽ tìm cách giảm tỷ lệ phần trăm đó ít nhất một nửa trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Biden”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
44 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba điểm khác biệt giữa Trump và Biden trong cách đối xử với Trung Quốc