Ngày 11.8 tới, có thể Ba Lan sẽ trình một kết quả phân tích, cho phép hợp thức hóa việc Ba Lan đòi Đức ‘trả món nợ khủng khiếp’ hồi Thế chiến thứ 2.
Cách Ba Lan đòi nợ là sẽ đòi một khoản tiền bồi thường cho tổn thất mà quân Đức chiếm đóng Ba Lan hồi Thế chiến thứ 2 đã gây ra.
Những tổn thất lớn của Ba Lan là chủ đề bàn luận chính, khi trong tuần này, Ba Lan kỷ niệm sự kiện Cuộc nổi loạn ở Warsaw năm 1944. Đó là một cuộc nổi dậy chống quân Đức chiếm đóng nhưng bị đàn áp, làm chết hơn 200.000người Ba Lan và thành phố Warsaw bị tàn phá tan hoang.
Theo các nhà sử học, trong thời gian Đức xâm lược Ba Lanhồi năm 1939 rồi chiếm đóng nước này hồi Thế chiến thứ 2, lính Đức đã giết khoảng 2,77 triệu người Ba Lan, 3 triệu người Ba Lan gốc Do Thái, phá hủy nhiều di sản văn hóa, ngành công nghiệp và nhiều thành phố.
Trong dịp kỷ niệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nói: người Đức phải “trả đủ món nợ khủng khiếp mà họ nợ nhân dân Ba Lan”.
Nghị sĩ Arkadiusz Mularczyk của đảng cầm quyền Luật và Công lý (PiS) nói văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Ba Lan đang chuẩn bị nộp bản phân tích về tính hợp lý của yêu cầu đòi tiền bồi thường.
Trước đó, thủ lĩnh PiS Jaroslaw Kaczynski nói chuyện với kênh phát thanh Maryja, cho biết “Chính phủ Ba Lan đang tự chuẩn bị một cuộc phản công lịch sử”.
Ông nói: “Chúng tôi nói về những khoản tiền lớn, cùng thực tế là nhiều năm qua, Đức trốn tránh trách nhiệm đã gây ra Thế chiến thứ 2”.
Hơn 10 năm trước, khi là Thủ tướng Ba Lan, ông Kaczynski đã đòi Đức bồi thường, tạo thêm căng thẳng giữa Ba Lan với Đức vốn là hai đối tác thương mại quan trọng của nhau, và cùng là thành viên NATO, EU.
Đảng PiS của ông theo chủ nghĩa dân tộc, thường chỉ trích Đức “lấn át” các nước thành viên EU.
Người phát ngôn Ulrike Demmer của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã có hồi âm, nói: "Dĩ nhiên người Đức vẫn chịu trách nhiệm về Thế chiến thứ 2,về chính trị, đạo đức và tài chính. Đức đã chi những khoản đền bù đáng kể cho tổn thất chiến tranh nói chung,gồm đền bù cho Ba Lan và vẫn tiếp tục bồi thường cho những sai phạm của phát xít”.
Trong nhiều năm qua, Đức đã chi hàng tỉ euro để bồi thường cho những sai phạm của phát xít, nhất là đền bù cho người Do Thái sống sót.
Ông Ryszard Czarnecki, một đảng viên PiS và là Phó đoàn Ba Lan tại Nghị viện châu Âu, nói với báo Polska The Times: “Nếu người Do Thái đã nhận bồi thường vì bị mất tài sản, vậy sao chúng ta không đòi đền bù?”.
Theo hãng tin AP, chính phủ Ba Lan từng bị Liên Xô ép, đã đồng ý không đòi Đức bồi thường nữa. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Macierewicz nói quyết định của chính quyền trướckhông nhất thiết phải có hiệu lực.
Bảo Vĩnh (theo AP)