Trong 3 ngày 18, 19 và 20.2, số ca mắc COVID-19 mới trên cả nước đã vượt mốc 40.000 người.
Tính từ 16 giờ ngày 19.2 đến 16 giờ ngày 20.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 47.200 ca nhiễm mới. Đây là số ca mắc mới nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số này có 8 ca nhập cảnh và 47.192 ca ghi nhận trong nước; số lượng ca nhiễm được phát hiện tại cộng đồng là 33.851 F0.
Trong những ngày qua, số ca COVID-19 mới trên cả nước đang trên đà tăng mạnh. Ngày 20.2, số ca nhiễm tăng thêm 5.224 trường hợp so với ngày trước đó, ghi nhận trên 63 tỉnh, thành phố. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 37.670 ca/ngày.
Hà Nội có hơn 5.100 ca mắc COVID-19 trong ngày 20.2
Tối 20.2, Sở Y tế Hà Nội thông báo trong 24 giờ qua TP phát hiện 5.102 ca COVID-19 mới, trong đó có 1.518 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 471 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ ngày 29.4.2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 201.518 ca COVID-19 với 908 ca tử vong.
Trong 1 tuần qua, số ca mắc mỗi ngày ở Hà Nội liên tục tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế, con số này tăng từ 3.500 lên hơn 5.100 ca/ngày, luôn là địa phương cao nhất cả nước.
Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là gần 67%. TP quyết tâm tới hết quý 1/2022 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin nhắc lại.
Ngoài Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp ở khu vực phía Bắc. Đáng chú ý, trong ngày 20.2, Bắc Ninh ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay với 2.360 F0.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác có trên 1.500 ca bệnh trong ngày là: Phú Thọ (1.981), Quảng Ninh (1.980), Thái Nguyên (1.838), Hòa Bình (1.797), Nam Định (1.754), Hải Phòng (1.698), Vĩnh Phúc (1.692), Ninh Bình (1.556), Bắc Giang (1.500).
Số ca mắc tại TP.HCM tăng gấp 3 lần trong 1 tuần
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 19.2 cho biết, từ ngày 12-18.2, số ca mắc mới tại TP.HCM được ghi nhận là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với 7 ngày trước (ngày 5-11.2).
Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng vẫn giảm. Số ca tử vong vẫn ở mức thấp. Ngày 19.2, thành phố ghi nhận 2 ca tử vong nhưng là bệnh nhân từ địa phương khác chuyển đến để điều trị.
Theo HCDC, hiện tượng số ca mắc mới tăng ở cả 22/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã được dự báo trước khi thành phố khôi phục trở lại các hoạt động lao động sản xuất, học tập cũng như các sinh hoạt xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã phát hiện những ca bệnh mang biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Theo nghiên cứu trên thế giới, sự lưu hành đồng thời cả 2 biến chủng Delta và Omicron sẽ làm cho số ca mắc mới tăng nhanh chóng và theo đó là số ca nhập viện, bệnh nặng cũng có thể gia tăng.
Những biện pháp dự phòng không dùng thuốc như 5K và tiêm chủng (bao gồm cả tiêm nhắc lại) vẫn là những biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch.
Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học.
Sở cũng đã tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của các quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao để đề nghị các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng và bảo vệ người thuốc nhóm nguy cơ.
Học sinh nhiều nơi chuyển sang học trực tuyến từ 21.2
TP.Hà Nội vừa bất ngờ hủy kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành trở lại trường từ ngày 21.2. Như vậy, sau hơn 10 tháng học online, 400.000 học sinh của thành phố vẫn chưa thể tham gia vào lộ trình mở cửa trường học trên cả nước.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21.2 cho đến khi có thông báo mới.
Đối với giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn. Ở cấp học giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp cả hai.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng vừa có văn bản về việc điều chỉnh phương án tổ chức dạy học theo đề nghị của Sở GD-ĐT. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và TP.Tuyên Quang cho trẻ em mầm non nghỉ học từ 21.2 cho đến khi có thông báo mới. Học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên học trực tuyến, riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tổ chức kết hợp vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày, trong đó số F0 là học sinh và giáo viên tăng nhanh. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ 21.2 đến hết 25.2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP.Buôn Ma Thuột cũng quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21.2.
Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng vừa có công văn đề nghị các quận huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai kế hoạch đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét đậm rét hại cho học sinh. Theo đó, bậc tiểu học, mầm non được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Học sinh THCS được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các trường chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ 21.2 cho đến khi có thông báo mới...