Chiều 20.2, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận 47.200 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành - đây là số mắc nhiều nhất từ trước đến nay.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.102), Bắc Ninh (2.360), Phú Thọ (1.981), Quảng Ninh (1.980), Thái Nguyên (1.838), Hòa Bình (1.797), Nam Định (1.754), Hải Phòng (1.698), Vĩnh Phúc (1.692), Ninh Bình (1.556), Bắc Giang (1.500), Nghệ An (1.467), Lào Cai (1.360), Hải Dương (1.316), Hà Tĩnh (1.294), Yên Bái (1.275), Thanh Hóa (1.220), Bình Định (1.019), Thái Bình (1.015), Sơn La (1.007), Tuyên Quang (989), Quảng Bình (861), TP.HCM (849), Lạng Sơn (808), Hưng Yên (789), Đắk Lắk (748), Đà Nẵng (720), Quảng Nam (697), Khánh Hòa (590), Cao Bằng (564), Phú Yên (553), Lâm Đồng (435), Quảng Trị (415), Đắk Nông (362), Điện Biên (358), Bình Phước (348), Lai Châu (332), Hà Nam (290), Bà Rịa - Vũng Tàu (288), Gia Lai (286), Thừa Thiên Huế (224), Bình Dương (215), Bắc Kạn (190), Kon Tum (143), Hà Giang (139), Quảng Ngãi (130), Cà Mau (105), Bình Thuận (85), Kiên Giang (66), Tây Ninh (64), Bạc Liêu (63), Đồng Nai (53), Vĩnh Long (35), Bến Tre (33), Trà Vinh (29), An Giang (22), Cần Thơ (22), Sóc Trăng (13), Ninh Thuận (12), Đồng Tháp (12), Long An (10), Hậu Giang (8 ), Tiền Giang (6). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.787.493 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.224 ca nhiễm).
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.780.251 ca, trong đó có 2.278.617 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 13.414 ca và số bệnh nhân tử vong là 78 ca, riêng TP.HCM đã không có ca nào tử vong.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận các ca COVID-19 vượt quá số 5.000 ca mỗi ngày.
Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay người dân đang tự điều trị các F0 ở nhà theo các hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ. Tuy nhiên, Bọ Y tế vẫn khuyến cáo người dân cần cẩn trọng và chỉ những người không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định, tự chăm sóc bản thân thì mới được điều trị tại nhà. Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với cơ sở quản lý y tế để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở: Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút; Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút. (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).
- SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...