Không chỉ ảnh hưởng đặc biệt đối với sự nghiệp của chồng - thi sĩ Lưu Trọng Lư, mà đối với các con, bà Tôn Lệ Minh cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành tài năng, nhân cách và lẽ sống...
Sinh thời, thi sĩ Lưu Trọng Lư, tác giả nổi tiếng của khúc ca bất hủ về mùa thu "Tiếng thu": "Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô" đã dành rất nhiều áng thơ tình tặng bà, như một mối duyên trời định. Ông cũng đã viết kỹ lưỡng và đầy thăng hoa mối tình ấy trong hồi ký "Nửa đêm sực tỉnh".
Không chỉ ảnh hưởng đặc biệt đối với sự nghiệp của chồng, mà đối với các con, bà Tôn Lệ Minh cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành tài năng, nhân cách và lẽ sống...
Bà Tôn Lệ Minh (còn gọi là Lệ Mừng) sinh ra trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc của triều đình Huế. Ông bà ngoại của bà có một vườn cây đầy trái – vải, mít, thơm ở bên này sông An Cựu, xế bên kia là Tiềm Đế - nơi bà Từ Cung mẹ của vua Bảo Đại hay ra nghỉ. Hè đến, bà thường được theo cô của mình vào chầu bà Từ Cung. Bà cũng được cha mình dạy chơi đàn tranh và thành thạo các ngón đàn từ khi còn bé. Lớn lên, bà học Trường Đồng Khánh - Huế.
Bà Tôn Lệ Minh năm 17 tuổi. |
Năm 17 tuổi, bà thường xuyên vào ra nơi cung cấm dạy đàn cho các bà thượng thư, con các cụ thượng. Lệ Minh từng được mời dạy đàn cho con gái cụ thượng Phạm Quỳnh tên là Phạm Thị Hảo. Nhà của cụ Phạm Quỳnh là một dinh thự bên sông An Cựu, đường đi về chợ Dạ Lê.
Phòng học đàn ở lầu hai, sập gụ tủ chè khảm đồi mồi rất đẹp bên bộ sa-lông bằng da láng bóng và khắp gian phòng trải tấm thảm màu xanh da trời, các cửa sổ toàn rèm trắng thêu phượng múa. Thỉnh thoảng cánh cửa mở ra, một chú bé trông rất khôi ngô thò đầu vào xem bà dạy Hảo đàn, đó là Phạm Tuyên, sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư vốn là em cùng cha khác mẹ với cô Tú Ý. Mẹ của cô Tú Ý lại là cô họ của bố bà Lệ Minh. Thời điểm ấy, các con của cô Tú Ý là Trần Chí Cường (sau này là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần) và Trần Thanh Đạm (sau này là giáo sư nghiên cứu, phê bình văn học) từng ở trọ trong nhà Tôn Lệ Minh để đi học Trường Khải Định.
Ban đầu, Lệ Minh gọi nhà thơ Lưu Trọng Lư bằng chú. Thời điểm ấy, nhà thơ đã có vợ và hai con, một trai một gái là Hải và Nguyệt. Nhà thơ vẫn qua lại gia đình và chơi với bố của Lệ Minh như một bạn văn chương. Họ thường ngồi ngâm ngợi, đọc thơ và bình Đường thi cho nhau nghe. Lúc đó, Lệ Minh cũng đã đem lòng yêu một người con trai thuộc hoàng phái, tên là Ưng Định. Hai người có tình cảm với nhau nhưng luật lệ vua ban là cấm người hoàng phái lấy nhau nên mối tình ấy không thành.
Vào một ngày Tôn Lệ Minh biết tin vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư qua đời vì bạo bệnh. Thời điểm ấy, bố bà Lệ Minh cũng qua đời nên gia đình khó khăn hơn. Lệ Minh xin phép mạ cùng chị Lệ Hương và anh Toại là họ hàng đi buôn vải ở Quảng Nam. Chuyến đi đầu tiên của họ rất thành công.
Trong chuyến đi đó, Lệ Minh với sự hiếu kỳ tuổi trẻ có ghé Kỳ Lam tìm hiểu đời sống của Hải và Nguyệt (con của chú Lư) xem sau khi mẹ mất, ở nhà bác ruột là Lưu Trọng Song ra sao. Bà rất buồn vì thấy hai đứa trẻ sống rất cực khổ. Bà quyết định chuyến buôn thứ hai rủ chú Lưu Trọng Lư đi cùng để coi thái độ của Lưu Trọng Lư với các con ra sao. Bà viết bức thư hẹn chú Lưu Trọng Lư chờ ở bến Thương Bạc để cùng đi về Quy Lai ngày hôm sau (nhờ Lân, con trai nhà thơ Lưu Kỳ Linh, anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư mang thư xuống nhà bà me tây X, nơi mà nhà thơ Lưu Trọng Lư đang ở nhờ).
Quả thật, chuyến đi ấy, họ tay trong tay, đổi xưng hô "chú - cháu" thành "anh - em", vượt qua mọi rào cản về lễ giáo phong kiến, quyết tâm đến với nhau dù rất khó khăn. Chuyến đi ấy trở vê, Lệ Minh đã bị mẹ của mình, người mẹ rất mực yêu thương chiều chuộng, đánh một trận đòn tơi tả, rồi cấm đoán tuyệt đối mối quan hệ ấy. Và cũng kể từ giây phút ấy, trong lòng Lệ Minh có một ý nghĩ như định mệnh vì tình thương vô hạn với "chú Lư", thương Hải, thương Nguyệt? Trong bà trào lên ước mơ táo bạo muốn đổi đời một nhà thơ!
Bà đưa Lệ Minh lên chùa để thề nguyền sẽ cắt đứt mối quan hệ ấy. Nhưng từ tận đáy lòng người con gái trẻ trung, hồn hậu ấy đã nguyện hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu cho nhà thơ Lưu Trọng Lư và nguyện chăm sóc hai người con riêng của ông như con của mình.
Để rồi sau đó, khi thời gian đã đủ chính muồi, Lệ Minh gửi lại một bức tâm thư cho mẹ mình, chấp nhận rời xa căn nhà yêu dấu, rời xa quê hương, đi theo tiếng gọi của tình yêu với nhà thơ "Tiếng thu" để làm nên một cuộc đổi đời trước hết cho bản thân mình, đó là đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến.
Bà sinh cho ông thêm 7 người con, trong đó có một người đã xin khai thêm tuổi để đi bộ đội, trở thành liệt sĩ. Sau này, những người con của ông bà là nhà báo Lưu Trọng Văn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh... đã là những người có nhiều ảnh hưởng và đóng góp cho xã hội.
Tình cảm trong sáng và dịu dàng của bà là nguồn cảm hứng bất tận cho các áng thơ văn của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Bà là bến đỗ bình yên để ông viết kịch, sáng tác văn thơ và trở thành một người có ảnh hưởng đối với văn đàn thời bấy giờ.
Sau này nhà thơ Lưu Trọng Lư được phân công làm Vụ phó vụ Nghệ thuật Trung ương. Bà không chỉ cùng chồng tham gia kháng chiến, tham gia trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà bà còn đóng kịch, làm thơ, làm nguyên mẫu trong các tác phẩm hội họa của các họa sĩ. Mặt khác, trong đời sống thường nhật, bà một tay gồng gánh, lo toan con cái, bà đảm đang mọi sự để ông yên tâm công tác và sáng tác.
Nhà báo Lưu Trọng Văn khi nói về mẹ mình đã chia sẻ: Trong cuộc sống, các anh em của anh có ảnh hưởng từ cha mẹ mình bởi nhiều điều. Trước hết, họ có một mối tình rất đẹp. Trong đời sống chưa bao giờ anh thấy cha mẹ to tiếng với nhau. Họ lành hiền và bao dung, dù có giận dỗi nhưng là cái giận hờn nghệ sĩ. Cái giận hờn ấy qua nhanh khi có một áng thơ đáp lại.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết khá nhiều bài thơ về tiếng đàn tranh của vợ, trong đó có bài thơ được nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ nhạc rất thành công "Cung đàn mùa xuân" với những ca từ đầy da diết: "Em ơi vút lên một tiếng đàn/ Kìa đàn đã so dây/ Cung đàn đã lựa phím...".
Hay một bài thơ viết về tiếng đàn của bà khi bà chơi đàn đêm trăng, bên cây ngọc lan: "Hoa lan quên nở trên giàn/ Nhớ ai em để tiếng đàn ngừng đưa?/ Tiếc gì em, nửa đường tơ/ Cho hoa quên nở, trăng mờ quạnh soi/ Chờ em đêm đã khuya rồi/ Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm".
Họ không đơn giản là những người đến với nhau bằng tình yêu mà còn là tình đồng chí, đồng hành, là chỗ dựa tình cảm của nhau. Bà đã từ bỏ đi tất cả cuộc sống ấm êm và no đủ trong vòng tay mẹ để đi theo cái đẹp, đi theo tâm hồn thơ, gắn bó trọn đời chung thủy với nhà thơ Lưu Trọng Lư cho đến hơi thở cuối. Bà lấy sự nghiệp văn chương của ông, thành tựu của ông như là phần thưởng dành cho mình, cho gia đình, lấy ông làm điểm tựa cho các con phấn đấu. Bà chăm sóc cho ông, cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ.
Tiền không có thì đi vay, gạo không có thì đi mượn, không bao giờ ông phải bận tâm biết trong nhà còn những gì, thiếu những gì. Ông bà không bao giờ phải dạy dỗ con cái phải thế này, thế kia, tự con cái nhìn cách sống của bố mẹ để học tập.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, thành công trong nhiều bộ phim nổi tiếng đã chia sẻ về những ảnh hưởng của cha mẹ đối với anh. Anh được thừa hưởng tính lãng tử của cha. Với mẹ, đó là tính thẩm mỹ và nhân văn trong đời sống. Bà là người có gu thẩm mỹ. Bà biết phối màu sắc, trang điểm thế nào thì vừa đẹp, vừa cao quý. Bà luôn giữ gìn hình ảnh của mình kể cả khi ra đường hay về nhà. Điều này nằm trong nếp nhà và được dạy dỗ từ thuở bé.
Biết ông thích hoa sen, nên bao giờ bà cũng mua hoa sen cắm trên bàn làm việc của ông để ông có cảm hứng sáng tác. Bà là người phụ nữ Huế nên rất tinh tế, sự tinh tế đến từng cái nhỏ trong đời sống, đối với chồng, với con. Bà thường nhẹ nhàng, biết che giấu cảm xúc. Bà khóc cũng chỉ khóc một mình. Bà không bao giờ than vãn hay kêu ca điều gì dù cuộc sống ngày ấy vô cùng vất vả.
Khi con trai Lưu Trọng Nông đi bộ đội và hy sinh nơi chiến trường, bà cũng giấu nỗi đau để không làm lung lạc ý chí của các con. Rồi bà can đảm để Lưu Trọng Văn vào Trường Sơn, Lưu Trọng Ninh đi bộ đội. Các con học được sự thuận hòa trong gia đình. Căn nhà gắn bó của họ ở phố Nguyễn Thái Học thì các anh trai nhường cho em gái Lưu Ý Nhi ở và coi sóc những kỷ vật của ông bà bao nhiêu năm tháng. Anh em thương yêu đùm bọc và dành sự quan tâm chân thành dành cho nhau.
Lưu Ý Nhi là người con gái duy nhất của nhà thơ Lưu Trọng Lư và bà Tôn Lệ Minh. Ý Nhi cũng chính là tên của một bài thơ mà ông đã viết tặng bà khi mới bắt đầu yêu, sau này được lấy đặt tên cho chị: "Lòng anh một phút lặng tăm em/ Gió lạnh nhiều thêm, gió lạnh thêm/ Ý Nhi nếu vắng trời Lưu tử/ Hoa lá thôi màng chuyện nhớ thương!".
Lưu Ý Nhi lưu giữ rất nhiều kỷ vật của cha mẹ và là "thư ký" lưu giữ lại tất cả những di cảo cũng như các sáng tác của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Đối với chị, mẹ vừa là người dịu dàng, chăm sóc, vừa là người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm mà chị rất mực yêu thương. Mẹ không nói nhiều, không dạy bảo nhiều nhưng cách sống của mẹ đã ảnh hưởng đến tính cách của chị sau này.
Bà Tôn Lệ Minh cùng các con cháu. |
Chị bảo rằng, nhà thơ Lưu Trọng Lư, ở một khía cạnh nào đó, như một “người con thứ 9” của mẹ chị. Trong bữa cơm, ông ăn rất ít, nên mẹ chị bao giờ cũng dành cho ông phần ngon nhất, bày biện đẹp mắt nhất.
Thời mới yêu, bà Lệ Minh từng khao khát: “Có lúc em ước mơ một điều tưởng như quái gở thế mà em vẫn tâm niệm: được đi khắp thế giới, được gặp các nhà thơ, những đứa con “cưng” của Thượng đế, được nhìn, được thưởng thức những câu, những chữ mà người thường chưa bao giờ thốt ra! Đó chính là vàng ngọc mà không gì làm hoen gỉ được”.
Có lẽ vì thế nên khi nhà thơ Lưu Trọng Lư mất, bà là người để băng tang rất lâu mới bỏ ra. Bà quen sống có ông để chăm sóc, nên khi ông mất, bà buồn lắm, như thiếu một phần cơ thể. Bà thường nhắc lại cho các con mình những kỷ niệm hồi bé cùng cha mình, dường như, bà chẳng quên một điều gì thuộc về ông. Lưu Ý Nhi yêu sách và dành nhiều thời gian đọc tác phẩm của cha mình.
Hồi còn sống, nhà thơ Lưu Trọng Lư chỉ lo con gái mình không chịu lấy chồng, vì chị vốn bướng bỉnh. Sau này, ở vào tuổi 34, chị kết hôn cùng nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành, nguyên Viện phó Viện Sân khấu. Và cũng như mẹ mình, chị có cuộc sống êm đềm với một công việc yêu thích, một ngôi nhà từ thời thơ ấu gắn bó với cha mẹ, các anh em, nấu cho chồng con những bữa ăn sau giờ tan sở. Lưu Ý Nhi chăm chút ngôi nhà của gia đình mình để nó vẫn là một nơi gắn bó tình cảm như ngày cha mẹ còn sống. Các anh chị em mỗi ngày lễ, giỗ chạp vẫn gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm về cha mẹ.
Có một bài thơ mà bà Tôn Lệ Minh rất thích. Nó cũng như "châm ngôn sống" của cuộc đời và duyên phận của hai ông bà mà cả một kiếp sống bà chưa một ngày nào ân hận vì đã nguyện bỏ lại tất cả đi theo ông.
Đó là bài thơ nhà thơ Lưu Trọng Lư đã viết khi nhớ lại mối tình bao nhiêu năm gắn bó cùng người vợ yêu thương của mình: "Cái màu nhiệm vô biên/ Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện/ Đàn đã qua bao cung gió chuyển/ Còn vọng vang tiếng nhấn tơ đầu/ Sáng nay, em nghĩ gì, nghĩ gì anh biết/ Khi giữa giờ bão tố hoa vẫn tỏa một mùi hương/ Và đêm nay bàn tay em ở đâu, ở đâu anh biết/ Khi anh đang ngồi lặng trước đèn chong/ Em là ánh trăng khuya. Vẫn là của anh mặt trời mỗi sáng/ Có những thu lá vàng tơi tả. Em chải lại đời anh/ Em kéo từng múi khăn, em đơm từng khuy áo/ Mà với trăng sao, em đi trọn khúc ân tình...".
Trần Hoàng Thiên Kim, ANTG