Chiều 3.8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW do Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (gọi tắt là Công ty DOE) làm chủ đầu tư.

Bạc Liêu: Sắp có Nhà máy Nhiệt điện khí LNG công suất 3.200 MW

03/08/2020, 19:16

Chiều 3.8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW do Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (gọi tắt là Công ty DOE) làm chủ đầu tư.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Trần Khải

Sau 6 tháng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, đến nay các thủ tục ban đầu của dự án cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, Công ty DOE đã chỉ định Công ty Hogan Lovells (trụ sở chính tại Washington, D.C., Mỹ) làm cố vấn pháp lý quốc tế và Công ty ACSV Legal (trụ sở chính tại TP.HCM) làm cố vấn pháp lý nội bộ và trong nước cho dự án.

Đây là 2 đơn vị có kinh nghiệm và uy tín hiện nay. Hiện chủ đầu tư là Công ty DOE đang gấp rút hoàn thành tuyển chọn cố vấn tài chính có kinh nghiệm cho dự án như đã cam kết với tỉnh Bạc Liêu.

Từ khi triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự án đã được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng thuận của dư luận, đồng thời được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bạc Liêu và các cấp, các ngành trong tỉnh.

Dự án còn được triển khai bởi các nhà đầu tư có quyết tâm cao, đội ngũ đối tác mạnh và trải rộng trên khắp các lĩnh vực của chuỗi giá trị nhiệt điện khí LNG, cùng với đơn vị tư vấn Viện Năng lượng giàu kinh nghiệm. Tất cả đã tạo nên những yếu tố ban đầu rất tốt cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

“Có thể khẳng định qua 6 tháng thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, mọi công việc đều đáp ứng tiến độ yêu cầu đã đề ra, cũng như cam kết phối hợp của tỉnh Bạc Liêu và của nhà đầu tư”, ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Theo ông Tâm, vì đây là 1 trong những dự án điện khí LNG đầu tiên của cả nước được bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nên dự án phải vượt qua nhiều thủ tục chưa có tiền lệ. Đồng thời phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ (hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 trong năm 2024) và giá bán điện (yêu cầu khoảng 7 cent/kWh) nên áp lực đối với dự án là rất lớn.

Dự án này vẫn còn có một số khó khăn nhất định. Cụ thể, tuyến đường dây 500kV phục vụ đấu nối giải tỏa công suất dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL nên cần phải có sự ủng hộ và thỏa thuận thống nhất của các địa phương nơi có dự án đi qua. Trong đó, giai đoạn 1 từ Bạc Liêu - Thốt Nốt (Cần Thơ) cần thỏa thuận với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP.Cần Thơ và giai đoạn 2 từ Thốt Nốt - H.Đức Hòa (Long An) cần thỏa thuận thêm với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

Dự án đang gặp phải một số vấn đề mang tính chất kỹ thuật cần phải giải quyết sớm như hạ tầng cấp nước ngọt khó có khả năng đáp ứng được nhu cầu thi công và vận hành nhà máy; địa phương còn thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng và nguyên vật liệu chính phục vụ thi công xây dựng nhà máy…

Theo đại điện nhà đầu tư, dự án sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2021 và chính thức đưa vào vận hành trong năm 2024. Từ khi triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự án này đã được sự ủng hộ cao từ Chính phủ Mỹ. Trước đó, ngày 21.1 vừa qua, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có công suất 3.200 MW cho đơn vị chủ đầu tư.

Trần Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Độc đáo giống lúa mùa nổi cao gần 2m ở xứ cù lao Ông Chưởng
Lúa mùa nổi được nông dân tỉnh An Giang canh tác trong hàng trăm năm, là giống lúa truyền thống có thể đạt đến độ cao gần 2m theo con nước lũ. Đặc biệt, cây lúa mùa cho những hạt gạo rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng do nông dân không dùng phân, thuốc trừ sâu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Sắp có Nhà máy Nhiệt điện khí LNG công suất 3.200 MW