Một bác sĩ nhãn khoa được cho đã chết do kiệt sức, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế Hàn Quốc đang quá tải bởi cuộc đình công kéo dài hàng tuần chưa có dấu hiệu giảm bớt của các bác sĩ thực tập và nội trú trẻ tuổi. Trước đó, bác sĩ này phải chia sẻ khối lượng công việc tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan.
Theo trang SCMP, cảnh sát cho biết lực lượng cứu hộ tìm thấy một nam bác sĩ bất tỉnh tại nhà ở thành phố Busan cuối tuần trước và đưa ông đến bệnh viện gần đó, nơi vừa tuyên bố ông đã qua đời.
Cảnh sát nói rằng việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân cái chết của bác sĩ nhãn khoa này, nhưng "dường như là suy tim do đột quỵ".
Trước đó, ông phàn nàn về tình trạng mệt mỏi sau khi thực hiện các ca trực đêm và phẫu thuật cấp cứu sau cuộc đình công của hàng ngàn bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú vào tháng 2 để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh của chính phủ Hàn Quốc vào các trường y.
Oh Sae-ock từ Hiệp hội Giáo sư Y khoa Đại học Quốc gia Pusan nói: "Trong một tháng qua, các giáo sư y khoa tại các bệnh viện đại học đã đảm nhận những nhiệm vụ thường do bác sĩ thực tập làm, đồng thời còn thực hiện công việc của riêng mình".
Cảnh sát nói sẽ liên hệ với trường đại học để kiểm tra xem liệu làm việc quá sức có liên quan đến cái chết của bác sĩ nhãn khoa kia hay không, sau khi ông Park Min-soo (Thứ trưởng Bộ Y tế thứ hai Hàn Quốc) hôm 26.3 cho biết 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được bổ sung vào các trường y vào tháng 5 tới, trang The Korea Herald đưa tin.
“Chính phủ sẽ hoàn thành các biện pháp tiếp theo trong tháng 5 mà không gặp trở ngại nào”, ông Park Min-soo nói, đồng thời kêu gọi các bác sĩ tổ chức các cuộc đàm phán “vô điều kiện”.
Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết việc tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh nhằm mục đích khắc phục tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới, nhưng các bác sĩ trẻ tuổi cho rằng lương và điều kiện làm việc của họ cần được cải thiện trước.
Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê từ Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035.
Thế nhưng hôm 25.3, các giáo sư tại 19 trong số 40 trường y của Hàn Quốc đã bắt đầu nộp đơn từ chức hàng loạt để ủng hộ cuộc đình công, khiến hàng trăm ca phẫu thuật và những phương pháp điều trị khác tại nhiều bệnh viện bị hủy bỏ.
Chính phủ Hàn Quốc trước đó tuyên bố sẽ đình chỉ giấy phép của các bác sĩ trẻ tuổi đình công sau khi họ không quay lại làm việc trước hạn chót vào ngày 29.2. Song trong một dấu hiệu có thể giảm bớt sự căng thẳng, các quan chức nói biện pháp trừng phạt sẽ tạm thời bị trì hoãn do Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol yêu cầu Thủ tướng Han Duck-soo theo đuổi “một biện pháp linh hoạt” để giải quyết tranh chấp và tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng với các bác sĩ.
Ngoài ra, ông Yoon Suk-yeol yêu cầu Thủ tướng Han Duck-soo thành lập một "cơ quan tư vấn mang tính xây dựng" để nói chuyện với tất cả chuyên gia y tế.
Hôm 25.3, Cho Kyoo-hong, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc, nói giới chức đã lập tức triển khai các hoạt động chuẩn bị ở cấp chuyên viên để tổ chức đàm phán với các y bác sĩ và giáo sư.
"Chúng tôi sẽ sắp xếp cuộc họp giữa chính phủ và cộng đồng y tế càng sớm càng tốt", ông phát biểu.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc hoan nghênh việc hiệp hội y khoa sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng", nhưng nhấn mạnh cả nước cần hoàn thành cải cách y tế dựa trên việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.
"Chúng tôi sẽ thảo luận các biện pháp linh hoạt, liên quan đến thủ tục hành chính với các bác sĩ cấp dưới rời bỏ nơi làm việc, nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng y tế", ông Cho Kyoo-hong nói.
Hiệp hội Giáo sư Y Hàn Quốc khoa kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y. Họ cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ không được giải quyết nếu giới chức tiếp tục kiên định với kế hoạch của mình.
Kim Chang-soo, Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc, cho biết: “Nếu chính phủ có ý định rút lại kế hoạch của mình hoặc có ý định xem xét nó, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả vấn đề đang chờ xử lý với chính phủ trước công chúng”.
Trước đó, ông Kim Chang-soo nói: "Rõ ràng rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không chỉ hủy hoại nền giáo dục của các trường y mà còn khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước chúng ta sụp đổ".
Ông Kim Chang-soo cho biết các giáo sư sẽ bắt đầu thu hẹp hoạt động điều trị ngoại trú để tập trung vào các bệnh nhân cấp cứu và bệnh nặng, trong khi một số sẽ nộp đơn từ chức. Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc nói các giáo sư sẽ giảm giờ làm việc hàng tuần xuống còn 52 giờ, điều chỉnh các ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị y tế khác.
Đến nay, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập cả nước Hàn Quốc đã đình công để phản đối chính sách tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y sẽ giúp giải quyết tình trạng thường xuyên thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn và trong các chuyên ngành y tế thiết yếu nhưng không thịnh hành như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.
Tuy nhiên, các y bác sĩ thực tập cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế và các dịch vụ khác, đồng thời đẩy chi phí y tế cao hơn. Những người phản đối kế hoạch này nhận định rằng chính phủ Hàn Quốc nên tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc của các bác sĩ thực tập trước tiên.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup công bố vào ngày 15.3, 38% người được hỏi cho biết chính phủ Hàn Quốc đang làm tốt để giải quyết cuộc đình công. Tuy nhiên có tới 49% người tham gia cho rằng chính phủ làm chưa tốt.
Gallup là tổ chức nghiên cứu và thăm dò dư luận lớn và có uy tín trên thế giới. Tổ chức này được thành lập bởi nhà nghiên cứu George Gallup vào năm 1935 và đã trở thành một trong những tổ chức nghiên cứu dư luận hàng đầu thế giới. Gallup chuyên về việc thu thập dữ liệu và phân tích các ý kiến, thái độ và xu hướng của dư luận với nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Các khảo sát Gallup thường được sử dụng để đo lường sự ủng hộ hoặc phản đối của công chúng với các chính sách, ứng cử viên hoặc tổ chức. Dữ liệu từ Gallup thường được đánh giá cao về tính khách quan và đáng tin cậy.