Đến cuối mùa vụ dưa hấu, anh Ngô Anh Tuấn (SN 1983, trú TP.Việt Trì, Phú Thọ) vẫn lặn lội từ quê vào tận Quảng Ngãi để giúp mua hỗ trợ dưa hấu của người dân không bán được.
Ngủ cùng dân để giúp bán dưa
Ngô Anh Tuấn hiện làm ở một công ty thương mại tại Phú Thọ. Sau đợt lũ vào tháng 3.2015 tại Quảng Nam, Tuấn cùng các đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ đã bán được 10 tấn dưa hấu giúp bà con Quảng Nam.
Tuấn kể, cũng là xuất phát từ việc muốn giúp đỡ người dân qua hoạn nạn nên mới đi ‘giải cứu’.
Tôi và một đồng nghiệp báo chí đi cùng Tuấn trong chuyến vào Quảng Ngãi này, mục đích là trực tiếp xem cách làm của anh. Nếu không, Tuấn cũng đã đi một mình từ sân bay Đà Nẵng vào Quảng Ngãi.
Dưa sắp chuẩn bị bán tại xã Tịnh Hiệp. |
Tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), còn khoảng 400 tấn dưa chưa được bán. Đây là điểm mà Tuấn chọn về nắm tình hình và giúp thu gom.
Đêm, Tuấn nhờ ở vào nhà chị Nguyễn Thị Thúy (xóm 1, thôn Mỹ Danh, Tịnh Hiệp). Nhà chị Thúy còn vài sào dưa chưa bán được. Nhiều hộ dân ở xóm 1 cũng chưa bán được dưa.
Tuấn bảo, tôi sẽ ở lại nhà người dân đến lúc nào bán được hết dưa cho dân mới về.
Tại Tịnh Hiệp, nhiều ngày qua có lúc giá dưa hấu bị ép xuống còn trên dưới 1.000 đồng/1kg. Qua khảo sát, Tuấn dự định sẽ mua giúp giá tại điểm tập kết của nông dân từ 2.700-3.000 đồng/1kg.
Dưa sau khi mua sẽ được vận chuyển về Hà Nội phân phối tại quỹ Nối vòng tay lớn bán với giá ‘tùy tâm’. Mức giá cơ bản để gỡ vốn cho nông dân khi bán tại Hà Nội là 5.000 đồng/1kg. Còn tùy tâm người mua có thể trả cao hơn. Cũng từ Hà Nội, hệ thống các tình nguyện viên sẽ tiếp tục đưa đến các điểm tại Quảng Ninh, Móng Cái, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nghệ An...
Gía dưa bán cho thương lái ở Quảng Ngãi có lúc khoảng 1000 đồng/1kg. |
Theo thỏa thuận giữa Tuấn và người dân, sau khi đặt cọc số tiền dưa nhất định, dưa được chở đi các điểm để bán. Nếu người dân không tin tưởng có thể cử người đi cùng đến các điểm bán, sau khi kết thúc thì trực tiếp lấy tiền về.
“Làm từ thiện bây giờ mất lòng tin rất nhiều do có nhiều đối tượng lợi dụng. Do đó việc ‘giải cứu’ của mình sẽ làm công khai minh bạch, tiền bán xong sẽ được chính quyền sở tại tự tay đếm luôn”, Tuấn cho biết.
‘Tham vọng’ của hiệp sỹ
Là một người chuyên về thương mại, Tuấn cho rằng, vấn đề hiện tại của nông sản Việt là đầu ra và kênh phân phối.
Bằng chứng là những đợt giải cứu dưa liên tục này, chỉ cần biết phân phối là hàng trăm tấn dưa đều được bán sạch trong nội địa.
Do đó, từ những chuyến ‘giải cứu dưa’ này, Tuấn đang có dự định sẽ ‘giải cứu’ các mặt hàng nông sản sau này.
“Thị trường mới là quan trọng còn ‘giải cứu’ chỉ là tạm thời. Nếu có chuỗi hệ thống phân phối cả nước, có vốn, được nhà nước hỗ trợ thì 3 nhà ngồi lại sẽ có lợi. Ví dụ như dưa, chia ra người bán 8 ngàn, người vận chuyển 2 ngàn, người làm thương mại 2 ngàn, tổng cộng là 12 ngàn/1kg dưa. Vậy là ai cũng có lợi. Không những vậy, người tiêu dùng mua 1kg dưa với giá 12 ngàn thì quá rẻ so với giá 18-20 ngàn/1kg dưa Trung Quốc mà lại được dùng hàng sạch sản xuất trong nước”, Tuấn trình bày.