Theo các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp, việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương sẽ góp phần giúp các thương nhân chủ động tính toán hiệu quả đầu tư, mà không phải chịu sức ép về thành tích số lượng xuất khẩu như trước đây.

Bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo: DN chưa thực sự hết khổ

tuyetnhung | 19/01/2017, 10:33

Theo các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp, việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương sẽ góp phần giúp các thương nhân chủ động tính toán hiệu quả đầu tư, mà không phải chịu sức ép về thành tích số lượng xuất khẩu như trước đây.

Bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp gạo

Đầu tháng 1.2017 qua, Bộ trưởng Công Thương đã ký quyết định bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28.3.2013 về quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp. Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục ký quyết định lập Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ/CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó sẽ lấy ý kiến từ các bộ, ngành có liên quan và 20 địa phương có hoạt động kinh doanh gạo.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Trao đổi với báo Một Thế Giới, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định quyết định trên là một bước đột phá của Bộ Công Thương theo tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, cũng như phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay và phù hợp với cam kết tự do thương mại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Năng lý giải hủy bỏ quy hoạch đầu mối thực chất là không hạn chế tối đa chỉ 150 đầu mối, không yêu cầu thành tích xuất khẩu 20.000 tấn trong 2 năm và không phân biệt địa bàn tỉnh có kho sản xuất đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Như vậy, các thương nhân có thể chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và không chịu sức ép về thành tích số lượng xuất khẩu bằng một quy định hành chính không còn phù hợp. Nếu có khó khăn, xuất khẩu thấp hoặc không hiệu quả trong ngắn hạn, thương nhân vẫn có quyền tiếp tục hoạt động xuất khẩu để duy trì và phát triển kinh doanh trong tương lai, thay vì phải ngưng xuất khẩu và có thể đi đến phá sản do không có điều kiện để tiếp tục kinh doanh dài hạn.

Nói thêm về Nghị định 109, ông Năng cho hay quy định gạo ở nghị định này là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện với mục đích tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phát triển ngành hàng và cũng nhằm giảm đầu mối xuất khẩu, hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng tiêu cực đến giá thị trường.

"Cũng phải nhìn nhận rằng vấn đề gì cũng có nhu cầu vàothời điểm cụ thể, nay tình hình đã khác xưa nên thay đổi luôn là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng quy định cũ chủ yếu là có lợi cho các doanh nghiệp lớn hoặc cơ sở chế biến có sẵn kho hàng và nhà máy xay xát, hoặc có khả năng tài chính đầu tư.Và vì là yêu cầu hạn chế đầu mốinên chính sách ít chú ý các doanh nghiệp nhỏ mặc dù năng động, có năng lực tiếp cận thị trường. Cho đến nay, đa số đã nhìn thấy như vậynên Nghị định 109 được Bộ Công Thương thúc đẩy sự rà soát để sửa đổi, bổ sung khắc phục sớm các yếu kém cũ được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao", ông Năng cho biết.

Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng quyết dịnh trên của Bộ Công Thương sẽ góp phần gỡ khó và phát huy những doanh nghiệp kinh doanh gạo chất lượng tốt nhưng quy mô không lớn. Trước đây, toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh gạo chất lượng tốt nhưng đều không đạt tiêu chuẩn của Nghị định 109. Theo đó, họ không có cơ hội cũng như điều kiện để phát triển ra thế giới.

Kể về những bất cập khi Nghị định 109 còn có hiệu lực, GS Võ Tòng Xuân cho biết lúc đó, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta rất hỗn độn, hơn 300 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng phần lớn là doanh nghiệp chỉ có "mác" bề ngoài mà không có thực lực. Lúc đó, các doanh nghiệp chỉ thi nhau mua quota và đi bán quota. Do đó trong 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp kinh doanh gạo tốt lại không bán đượcvì quy định phải bán 100-200 tấn, không phải 5 hay 10 tấn.

Như vậy, xuất khẩu gạo chỉ tăng quyền lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, loại doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường và tạo thêm sức ép đối với nông dân.

Theo đó, GS Xuân kiến nghị sau khi xóa bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, cần kiểm soát chặt chẽ những doanh nghiệp không có nhà máy về nguồn gốc gạo, để tránh tình trạng kinh doanh gạo lậu kém chất lượng đang diễn ra ồ ạt hiện nay.

Chưa thực sự "cởi trói"hết

Nhắc đến những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo thời gian qua, bên cạnh những nghị định, chính sách "khắt khe", nhiều ý kiến cho rằng ở đó còn là sự bất cập trong quyền cấp phépkinh doanh xuất khẩu gạo cũng như việc ban hành giá sàn của Hiệp hội Lượng thực Việt Nam (VFA).

Nhiều chuyên gia cho rằng, VFA là tổ chức xã hội nghề nghiệpnhưng làm chức năng quản lý nhà nước, mà cách điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của đơn vị này chưa thực sự minh bạch, chưa công khai, nặng lợi ích của doanh nghiệp, xem nhẹ lợi ích nông dân.

Cụ thể, VFA - gồm chủ yếu là các tổng công ty lương thực nhà nước, đang nắm quyền lực quá lớn, tạo ra sự bất bình đẳng. Trao đổi với báo Tiền Phong, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết VFA đưa ra giá sàn, bắt các doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ là bất hợp lý. Chẳng hạn giá sàn loại gạo 25% tấm là 320 USD/tấn. Giá các loại gạo khác tùy doanh nghiệp tính toán. Tuy nhiên, khi chúng tôi chào giá với khách hàng nước ngoài tới 330-340 USD/tấn, họ kêu trời, bảo rằng giá của hiệp hội đưa ra 320 USD/tấn, sao ông lại đòi lên cao thế! Cái này tai hại vô cùng bao nhiêu năm nay".

Phản hổi vấn đề này với báo Một Thế Giới, ông Huỳnh Thế Năng cho biết, Nghị định 109 ra đời tạo một hành lang pháp lý cho kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cơ chế điều hành xuất khẩu gạo phù hợp với yêu cầu quản lý ngành hàng, có giao cho VFA thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, liên quan đến cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.

Các nhiệm vụ VFAthực hiện nhằm phối hợp doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo kịp thời, kinh doanh có hiệu quả và bảo vệ lợi ích của nông dân trồng lúa với cơ chế thị trường, không hoàn toàn thuộc chức năng quản lý nhà nước vì Hiệp hội không có quyền quyết định mà chỉ có tổ chức thực hiện theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, việc xã hội hóa một số công việc cụ thể liên quan đến chức năng quản lý nhà nước, để doanh nghiệp tự quản là cần thiết để giảm nhẹ bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả hiện nay.

Nói về việc quản lý trong việc cấp phép và định giá sàn gạo thời gian qua của VFA, ông Năng khẳng định: "Kể từ khi Nghị định 109 ra đời, Hiệp hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện tuân thủ cơ chế chính sách liên quan và góp phần ổn định môi trường kinh doanh xuất khẩu gạo. Đặc biệt là đã phát hiện những bất cập cần thay đổi để đề xuất thay đổi theo đề xuất từ hội viên của mình hướng đến cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp không phân biệt các thành phần kinh tế".

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo: DN chưa thực sự hết khổ