Bloomberg nhận định: Việt Nam có thể sẽ là một trong những nền kinh tế có hệ thống tài chính ngân hàng cởi mở và hiệu quả nhất tại khu vực châu Á. Đó sẽ là một bước tiến dài giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và hiệu quả hơn trong tương lai.

Bloomberg bình luận về tuyên bố nới 'room' ngân hàng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhàn Đàm | 18/01/2017, 13:49

Bloomberg nhận định: Việt Nam có thể sẽ là một trong những nền kinh tế có hệ thống tài chính ngân hàng cởi mở và hiệu quả nhất tại khu vực châu Á. Đó sẽ là một bước tiến dài giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và hiệu quả hơn trong tương lai.

Những động thái cải cách kinh tế mạnh mẽ và quyết liệt đang được Chính phủ tiếp tục thúc đẩy khẩn trương ngay trong những ngày đầu năm mới 2017, đặc biệt là ngay cả khi dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm là Tết âm lịch đang gần kề. Sự kiện mới nhất, đáng chú ý nhất và đồng thời cũng nhận được sự quan tâm nhất của quốc tế là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài trả lời phỏng vấn Bloomberg Television ngày 13.1 vừa qua đã cho biết, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay. Hãng tin Bloomberg nhận định, nếu điều này xảy ra Việt Nam có thể sẽ là một trong những nền kinh tế có hệ thống tài chính ngân hàng cởi mở và hiệu quả nhất không những tại Đông Nam Á mà còn ở cả khu vực châu Á. Đó sẽ là một bước tiến dài giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và hiệu quả hơn trong tương lai.

Trong bài phỏng vấn nhận được sự chú ý từ đông đảo các nhà đầu tư quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng từ mức giới hạn là 30% hiện nay, và sẽ được thực hiện ngay trong năm 2017. Ngoài ra, ông cũng cho biết Chính phủ có thể bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng đang gặp khó khăn nếu có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, điển hình là Ocean Bank – một trong những ngân hàng bị bắt buộc mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng và chuyển sang mô hình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sở hữu 100% hồi năm 2015.

Tuyên bố này của Thủ tướng được xem như một chiếc chìa khóa vàng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng hơn vào thị trường tài chính - ngân hàng được đánh giá là hấp dẫn và đầy tiềm năng của Việt Nam. Hầu hết các chỉ số vĩ mô và điều kiện kinh doanh của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam đều đang rất thuận lợi: một nền kinh tế tăng trưởng bình quân trên 6%/năm, nhu cầu vay vốn rất lớn đặc biệt là của các doanh nghiệp sau khi các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được ban hành, một thị trường 96 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng đông, và một thị trường bất động sản ổn định và béo bở.

Các ngân hàng Việt Nam cần thêm vốn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng cũng như kinh nghiệm điều hành hiện đại từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình cho sự hấp dẫn của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện tại là việc quỹ GIC Pte của Singapore đàm phán mua lại 7,7% cổ phần của ngân hàng Ngoại thương Vietcombank vào tháng 8 năm ngoái, ngay lập tức nâng giá trị vốn hóa của Vietcombank lên 6 tỉ USD và cổ phiếu ngân hàng này tăng 4,8%.

Hãng tin Bloomberg đánh giá, nếu tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được thực hiện nhất là ngay trong năm 2017, thì Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế có hệ thống tài chính - ngân hàng cởi mở và hiệu quả nhất trong khu vực châu Á. Hiện tại xu hướng bảo hộ và đóng cửa trong việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần trong các ngân hàng đang gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Á. Trung Quốc đang duy trì mức hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng của nước này ở mức 20%, điều tương tự cũng đang diễn ra tại Ấn Độ hay Indonesia khi xu hướng xiết chặt room đang gia tăng, dù đất nước vạn đảo đã nới room khá mạnh sau giai đoạn khủng hoảng châu Á 1997-1998. Dù chưa biết Chính phủ sẽ nới room lên bao nhiêu từ mức 30% hiện nay, nhưng kể cả vậy thì Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nước dẫn đầu khu vực về cởi mở hóa hệ thống tài chính - ngân hàng của mình.

Điều này về cơ bản sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc lành mạnh hóa và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Việc nới room sẽ khiến các ngân hàng có thêm vốn và hoạt động hiệu quả hơn do kinh nghiệm quản lý hiện đại từ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là một bước tiến dài trong việc xử lý nợ xấu khi việc nới room và cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các ngân hàng yếu kém đồng nghĩa với việc mở ra hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu một cách công khai và minh bạch.

Mức nợ xấu vẫn còn tương đối cao hiện nay chính là một trong những cản trở chủ yếu đối với tăng trưởng khi các ngân hàng vẫn phải trích lập quỹ dự phòng với tỷ lệ khá cao để giải quyết nợ xấu thay vì được sử dụng cho các chương trình phát triển kinh tế. Đã có khá nhiều ý kiến kêu gọi sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu như một sự chấp nhận trả giá để thúc đẩy tăng trưởng và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Nhưng rõ ràng là với việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng, đồng thời ban hành các quy định pháp lý mua bán nợ xấu công khai minh bạch thì đây là một giải pháp hiệu quả và có lợi hơn rất nhiều so với phương án sử dụng ngân sách.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công bố kết quả kiểm tra sau phản ánh 'giá vé máy bay tăng cao'
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo về kết quả rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bloomberg bình luận về tuyên bố nới 'room' ngân hàng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc