Một khi đã dồn các nguồn lực đầu tư và kinh doanh dựa vào nền tảng của người khác, như Yeah1 dựa vào nền tảng của YouTube, thì nếu mối quan hệ hợp tác đó bị cắt đứt sẽ khiến doanh nghiệp lao đao, doanh thu rồi lợi nhuận sụt giảm...

Bài học 'đừng xây nhà trên đất người khác' từ Yeah1, Huawei

28/05/2019, 14:35

Một khi đã dồn các nguồn lực đầu tư và kinh doanh dựa vào nền tảng của người khác, như Yeah1 dựa vào nền tảng của YouTube, thì nếu mối quan hệ hợp tác đó bị cắt đứt sẽ khiến doanh nghiệp lao đao, doanh thu rồi lợi nhuận sụt giảm...

Ảnh minh họa từ Bloomberg

Những ngày gần đây, người sở hữu điện thoại của hãng Huawei, Trung Quốc rối bời trước vấn đề nên tiếp tục sử dụng hay là đem bán rẻ đi để đổi điện thoại khác. Nguyên nhân đến từ lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu các công ty nước này không được cung cấp phần mềm và phần cứng cho Huawei.

Từ đây, người dùng có thể hiểu họ không thể cập nhật các tính năng mới nhất của hệ điều hành Android mà Huawei đang sử dụng. Nếu khách hàng mua các thế hệ máy mới Huawei sẽ không thể truy cập vào các ứng dụng như Google, Gmail, YouTube hay Google Map, những phần mềm gần như không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người.

Cuộc khủng hoảng của Huawei không có gì quá khó hiểu khi toàn bộ phần mềm và phần cứng phụ thuộc quá nhiều đối tác nước ngoài. Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt cũng rơi vào trường hợp tương tự như Huawei, khi đem bỏ tất cả trứng vào một rổ.

Điển hình là trường hợp của Yeah1. Tại đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT Yeah1 chia sẻ: “Sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn. Bài học mà Yeah1 phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, bài học để tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tại sao lại phụ thuộc vào một đối tác. Đây là bài học với Yeah1 khi sự cố xảy ra không chỉ ảnh hưởng hệ thống đa kênh mà còn khiến các đối tác ở mảng khác quan ngại”.

Từng lên sàn chứng khoán với mức giá cổ phiếu cao kỷ lục vượt mặt các đại gia Sabeco hay Vinamilk nhưng Yeah1 giờ cũng là doanh nghiệp mất giá trị cực nhanh trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân là Yeah1 phụ thuộc quá lớn vào mảng kinh doanh đa kênh MCN trên nền tảng YouTube để kiếm tiền. Việc YouTube cắt đứt hợp tác khiến Yeah1 bị ảnh hưởng quá nhiều thứ từ doanh thu đến hình ảnh thương hiệu... Yeah1 được ví như là một tòa nhà đồ sộ xây dựng trên nền đất yếu.

Đó cũng là lý do vì sao ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống nói: “Đừng xây nhà trên đất người khác, hãy xây nhà trên đất mình”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng rủi ro của Yeah1 nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào hai nền tảng Facebook và Google. Tuy nhiên, không chỉ Yeah1 mà rất nhiều công ty khác cũng đang có nguy cơ rủi ro như vậy, như các công ty chuyên làm đại lý quảng cáo cho Google, Facebook.

Hay là trường hợp của Công ty CP Dệt may Đầu tư và thương mại Thành Công (TCM). Cuối năm 2018, một khách hàng lớn của TCM tại Mỹ là Sears Holding đệ đơn phá sản khiến khoản doanh thu bán hàng cho đối tác này bị đóng băng. Đây là sự thiệt hại nặng nề đối với TCM bởi vì tính riêng năm 2017, Sears Holding đã đem về doanh thu gần 220 tỉ đồng cho TCM, đó là chưa kể họ cũng mất đi khoản thu nhập kỳ vọng trong tương lai.

Hiện TCM bị “chết” khoản phải thu gần 100 tỉ đồng từ Sears Holding do phải chờ phán quyết của tòa án Mỹ. Do đó, TCM đã buộc trích lập dự phòng rủi ro cho khoản phải thu và việc này ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận công ty.

Rõ ràng, mô hình kinh doanh của Yeah1 phù hợp với xu thế phát triển của thế giới mạng nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu không cân bằng giữa phát triển và kiểm soát chặt chẽ hệ thống.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu một công ty có nền tảng tốt thì hoàn toàn có thể xây dựng lĩnh vực kinh doanh mới giúp tăng cơ hội thành công nhờ chọn đúng những khoản đầu tư hợp lý. Ví dụ gần đây, sau khi thấy khả năng không thể tiếp tục hợp tác với YouTube, Yeah1 đã có những bước đi khá tích cực.

Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết Yeah1 đang xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nền tảng sẵn có để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và khai thác hết giá trị hệ sinh thái đang có. Chẳng hạn mới đây Yeah1 đã mua chương trình thiếu nhi Nickelodeon. Bằng hệ sinh thái sẵn có, chỉ trong vòng một tháng đã đẩy lượt view lên 6 triệu/ngày và thu về 25.000 USD hay làm nội dung để quảng cáo trên nền tảng Facebook.

Còn TCM cho hay sẽ tái cấu trúc biên lợi nhuận, chuyển từ khách hàng có biên lợi nhuận thấp sang khách hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Dự báo trong giai đoạn 2019, hoạt động kinh doanh của TCM vẫn tích cực nhờ kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do, tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may cùng lợi thế từ chuỗi sản xuất khép kín.

Trong khi đó, Huawei dường như đã sẵn sàng cho "cuộc chia ly" với hệ điều hành Android của Google. Theo đó, hãng công nghệ Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu hệ điều hành có tên HongMeng. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng cho thấy nỗ lực từ Huawei trong việc làm chủ các công nghệ trên các thiết bị của mình.

Huawei được cho là đã bắt đầu phát triển hệ điều hành của riêng mình từ năm 2012. Việc Google ngừng hợp tác với Huawei sau lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ dường như đã khiến hãng công nghệ Trung Quốc đẩy nhanh sự ra đời của HongMeng.

Theo PLO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
21 phút trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học 'đừng xây nhà trên đất người khác' từ Yeah1, Huawei