Chủ các cơ sở sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ như bán bún, phở, cắt tóc, gội đầu... phải khám sức khỏe cho bản thân và người tham gia sản xuất ít nhất 1 năm 1 lần. Đồng thời phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực.
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bao gồm: các cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật; và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Đáng chú ý, tại điều 2, chương II của Thông tư quy định: Chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do Bộ Công Thương/Sở Công Thương/các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh theo định kỳ ít nhất 1 lần trong 1 năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên.
Hồ sơ theo dõi sức khoẻ của chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất/kinh doanh.
Chủ cơ sở phải ban hành các quy định vệ sinh cơ sở, đảm bảo an toàn thực phẩm và phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh trực tiếp những quy định để thực hiện.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định của Thông tư này thì chủ các cơ sở sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ như bán bún, phở, cắt tóc, gội đầu... phải khám sức khỏe cho bản thân và người tham gia sản xuất (người làm, người giúp việc).
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải bảo đảm an toàn thực phẩm đối với khu vực sản xuất thực phẩm như: địa điểm phải xa nguồn ô nhiễm, độc hại, sản xuất theo nguyên tắc và quy trình chế biến một chiều....
Hay địa điểm kinh doanh phải bố trí tại nơi không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại...
Nền nhà phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc và đọng nước...
Trước đó, vào đầu tháng 10.2014, Bộ Công thương cũng từng công bố và lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh Bia và bị dư luận phản đối mạnh mẽ vì tính khả thi.
Theo đó, dự thảo Thông tư này quy định các địa điểm kinh doanh bia phải bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C và ít nhất phải có 01 nhà vệ sinh cho 25 người. Ở gần khu vực vệ sinh phải có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu đối với người trực tiếp kinh doanh bia, phải mặc trang phục riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh bia.
Duyên Duyên