Hội chợ thủy sản quốc tế (Vietfish 2015) vừa kết thúc cuối tháng 8, ở đó người ta bắt gặp nhiều thương nhân Trung Quốc đến hội chợ từ rất sớm, lân la vào từng gian hàng.

Dồn thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, coi chừng ‘vỡ trận’

Một Thế Giới | 02/09/2015, 08:05

Hội chợ thủy sản quốc tế (Vietfish 2015) vừa kết thúc cuối tháng 8, ở đó người ta bắt gặp nhiều thương nhân Trung Quốc đến hội chợ từ rất sớm, lân la vào từng gian hàng.

Họ ngắm nghía sản phẩm, xem bảng giá rồi vội vàng nhét vào cặp táp những tờ quảng cáo, giới thiệu. Tuy vậy, sau hội chợ, nhiều doanh nghiệp nhận xét: đừng mong đợi gì nhiều ở thị trường Trung Quốc...

Con cá tra được đặt trang trọng ngay giữa trung tâm hội chợ. Những tên tuổi có doanh số xuất khẩu hàng đầu như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Agifish, Hùng Cá đều được bố trí gian hàng ở ngay trung tâm. Sau 8 tháng kinh doanh bết bát, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nga, ASEAN... sụt giảm 2 con số nên dù không nói ra, doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng vào hội chợ Vietfish lần này.

Thị trường Trung Quốc đang “xôm tụ”

Vĩnh Hoàn bố trí đội ngũ sale hùng hậu. Có cả người rành tiếng Trung Quốc. Tám tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp có “người đàn bà cá” cầm trịch này đứng đầu doanh số xuất khẩu cá tra với trên 150 triệu USD. Khác với trước, năm nay Vĩnh Hoàn trưng bày nhiều mặt hàng cá tra giá trị gia tăng. Theo đánh giá của bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ Vĩnh Hoàn thì “đây là xu thế cạnh tranh tốt nhất” trong bối cảnh giá thủy sản giảm mạnh trên toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc đang có bước chựng lại, nhưng bà Khanh nhận định, cũng giống như xu hướng toàn cầu, tầng lớp giàu có ở Trung Quốc đang chuyển hướng tìm đến nguồn thủy sản có chất lượng.

Với Agifish, thị trường chủ lực lâu nay vẫn là Mỹ và EU, nhưng tụt giảm của hai thị trường này khiến đại gia đứng thứ 2 trong ngành cá tra buộc phải tìm cơ hội thêm từ Trung Quốc. Trên nền tảng sản xuất khép kín, Agifish vẫn tự tin vào chất lượng cá tra ở phân khúc phi lê của mình để giới thiệu với thương nhân Trung Quốc. Xem ra cách đi này đang mang lại hiệu quả cho Agifish nói riêng và ngành cá nói chung. Tính đến hết tháng 7.2015, tổng giá trị xuất khẩu cá tra phi lê sang Trung Quốc của Việt Nam đạt 70,15 triệu USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm truớc.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agifish, cho biết trung bình mỗi tháng đang có ít nhất 400 container cá tra xuất sang Trung Quốc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cũng cho rằng người Trung Quốc coi thủy sản, nhất là con tôm là món ăn quý phái trong các bữa tiệc. Tương lai con tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam ở thị trường này là có triển vọng, vì nó phù hợp với thói quen ăn uống của người Trung Quốc.

Liệu có bền vững?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ký lại cho rằng đây chỉ là thị trường tiềm năng “thay thế” cho một số thị trường nhập khẩu lớn đang bị chững. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đánh giá, đây không phải là thị trường xuất khẩu bền vững trong tương lai bởi phương thức giao thương chỉ diễn ra tấp nập qua con đường tiểu ngạch. Một số ít xuất chính ngạch nhưng việc thanh toán lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nói xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vừa tiềm ẩn rủi ro về giá, hình thức thanh toán, yêu cầu chất lượng... nên đây là thị trường không ổn định, nhưng có thể là thị trường thay thế tiềm năng, trong khi phần lớn các thị trường lớn đang gặp khó. 
Vấn đề đặt ra với thị trường Trung Quốc là cách thức tiếp cận phải chừng mực, nhìn xa chứ không nên nóng vội, đổ dồn vào đây bởi thị trường này luôn có những điểm không theo thông lệ quốc tế. Nhà nhập khẩu Trung Quốc luôn mong đợi phương thức trao đổi tiểu ngạch sẽ giúp họ tiết kiệm 8-10% thuế suất. Cách này không thể an toàn.

Được biết giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 đạt 4,13 tỉ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,21% tong giá trị xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 687,16 triệu USD, giảm 29,39% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 10,56% và 10,45%. Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng 19,03%) và Anh (tăng 30,02%).

Theo Minh Khoa/Thế giới tiếp thị


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, coi chừng ‘vỡ trận’