Theo Telegraph, Paris và Berlin đã gửi cho Moscow 230 triệu bảng khí tài quân sự dùng cho bom, rocket và tên lửa, có khả năng đang được sử dụng ở Ukraine

Báo Anh điều tra Pháp và Đức bỏ qua lệnh cấm để bán vũ khí mà Nga sử dụng tại Ukraine

Anh Tú | 26/04/2022, 07:00

Theo Telegraph, Paris và Berlin đã gửi cho Moscow 230 triệu bảng khí tài quân sự dùng cho bom, rocket và tên lửa, có khả năng đang được sử dụng ở Ukraine

Pháp và Đức đã trang bị cho Nga lượng khí tài quân sự trị giá 230 triệu bảng hay 273 triệu euro hiện có thể đang được sử dụng ở Ukraine, một phân tích của EU tiết lộ.

Hai nước đầu tàu EU đã gửi thiết bị, gồm bom, rocket, tên lửa và súng, đến Moscow bất chấp lệnh cấm vận của toàn EU đối với các chuyến hàng vũ khí tới Nga, được đưa ra sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Tháng này, Ủy ban châu Âu buộc phải bít lỗ hổng trong việc phong tỏa sau khi phát hiện ra rằng ít nhất 10 quốc gia thành viên đã xuất khẩu gần 350 triệu euro (294 triệu bảng Anh) phần cứng cho chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Khoảng 78% trong tổng số đó được cung cấp bởi các công ty Đức và Pháp.

Olaf Scholz, thủ tướng Đức, đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội trong tuần này vì lạnh nhạt trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Những nỗ lực đàm phán với Putin của Emmanuel Macron đã khiến tổng thống Pháp cũng bị bàn tán.

Cả Paris và Berlin đều phản đối lệnh cấm của EU đối với việc mua khí đốt từ Nga, trong lúc EU đang trả cho Moscow 1 tỉ euro mỗi ngày để mua năng lượng.

Báo cáo của EU xuất hiện giữa lúc một chỉ huy hàng đầu của Nga cho biết Moscow đã mở rộng các mục tiêu của mình để giành "toàn quyền kiểm soát" miền nam Ukraine, cũng như khu vực phía đông Donbas.

Thiếu tướng Rustam Minnekayev, Phó tư lệnh quân khu trung tâm Nga cho biết, các lực lượng Nga sẽ tạo ra một cây cầu trên bộ nối tới Crimea và có thể đẩy xa tới biên giới Moldova.

Tại New Delhi, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 22.4 cảnh báo rằng Nga vẫn có thể thắng trong cuộc chiến, thông báo kế hoạch gửi xe tăng Anh tới Ba Lan để đổi lấy việc Ba Lan gửi Ukraine các xe tăng T-72 thời Liên Xô.

Khi được hỏi liệu Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine hay không, Thủ tướng thừa nhận đó là một "khả năng thực tế" và Moscow đã tiến rất gần đến việc chiếm được Mariupol.

Trong khi đó, ông Scholz chỉ ra mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân khi ông tìm cách trả lời những người chỉ trích về việc Berlin không tha thiết cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng.

Sự chỉ trích gia tăng khi có thông tin cho rằng các công ty Đức đã sử dụng kẽ hở trong lệnh cấm vận của EU đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Nga, khiến doanh số bán thiết bị “lưỡng dụng” trị giá 121 triệu euro cho Moscow gồm cả súng trường và xe bảo vệ đặc biệt.

Berlin đã biện minh hành động của mình rằng hàng hóa chỉ được bán sau khi Điện Kremlin đảm bảo rằng chúng được ứng dụng vào dân sự, chứ không phải sử dụng cho mục đích quân sự.

“Nếu có dấu hiệu của bất kỳ hình thức sử dụng cho mục đích quân sự nào, thì giấy phép xuất khẩu đã không được cấp”, một phát ngôn viên của Bộ kinh tế Đức khẳng định.

Pháp cũng bị phát hiện chịu trách nhiệm gửi các lô hàng trị giá 152 triệu euro tới Nga. Bên cạnh bom, tên lửa và ngư lôi, các công ty Pháp đã gửi camera ảnh nhiệt cho hơn 1.000 xe tăng Nga cũng như hệ thống định vị cho máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.

Kể từ khi Nga bắt đầu tiến quân vào Ukraine ngày 24.2, EU đã áp đặt hạn chế hơn nữa đối với việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng sang Moscow, để bịt lỗ hổng này.

Tuy nhiên, khối này đã phải đợi đến khi gói trừng phạt thứ 5, được coi là hà khắc nhất từng được Brussels đưa ra, thì việc bán vũ khí đã được thỏa thuận trước đó cho Nga mới bị loại bỏ.

Lỗ hổng, cuối cùng đã được đóng lại vào ngày 8.4 sau khi có nhiều cuộc phản đối từ các quốc gia thành viên Baltic và phía đông EU.

Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, các nước EU năm ngoái đã bán cho Nga vũ khí và đạn dược trị giá 39 triệu euro khi Điện Kremlin chuẩn bị cho cuộc tiến quân vào Ukraine.

Tobias Ellwood, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Hội đồng Anh, nói rằng tất cả các quốc gia thành viên NATO cần phải tuyên bố rằng họ không gửi vũ khí cho Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6 tới.

Ông nói: “Nếu chúng ta đồng thuận rằng Nga hiện đang là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh châu Âu, thì không có lý do gì để bất kỳ quốc gia châu Âu nào tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nga”.

Đô đốc Lord West của Spithead, cho biết: “Sử dụng các kẽ hở để tránh lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Nga sau cuộc tiến quân vào Crimea thực sự là một tội ác và thật ngốc nghếch”.

Một nguồn tin cấp cao của EU nói thêm: "Đã đến lúc Pháp và Đức phải thức tỉnh và nhìn vào thực tế".

Cristian Terhes, nghị sĩ người Romania trong Hội đồng châu Âu cho biết: “Trong khi Ukraine đang tuyệt vọng kêu gọi vũ khí để tự vệ trước, Đức và Pháp im lặng, nhưng vui vẻ bán đồ một cách âm thầm và hổ thẹn của họ cho Moscow”.

Báo cáo của EU vào tháng trước đã theo dõi các cuộc điều tra về những kẻ vi phạm nghiêm trọng nhất ở châu Âu đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Nga sau khi hai trang web chuyên về điều tra Disclose và Investigate Europe lên bài.

Cũng như Đức và Pháp, Ý chịu trách nhiệm gửi số vũ khí trị giá 22,5 triệu euro tới Moscow sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận, trong khi Anh bán được 2,4 triệu euro. Áo, Bulgaria và Cộng hòa Czech đã xuất khẩu 49,3 triệu euro (tương đương 41 triệu bảng Anh) sang Nga từ năm 2015 đến năm 2022.

Cách đây 1 tháng, Một Thế Giới đã có bài viết nêu về việc Pháp lách luật bán vũ khi cho Nga. Cụ thể, trong những năm 2014-2020, Pháp đã bán thiết bị quân sự cho Nga bất chấp lệnh cấm vận. Kênh điều tra Disclose đưa tin thiết bị này được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Giá trị của thiết bị ước tính khoảng 152 triệu euro.

Theo các tài liệu quân sự mật và tài liệu của các ủy ban quốc hội mà các nhà báo điều tra của Disclose có được, Pháp đã cấp 76 giấy phép xuất khẩu hàng hóa quân sự cho Nga kể từ năm 2015. Trong số đó có camera ảnh nhiệt cho xe tăng cũng như hệ thống định vị và máy dò hồng ngoại lắp trên máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu của không quân Nga. Thiết bị được cung cấp bởi Thales và Safran, có cổ đông chính là nhà nước Pháp.

Vào tháng 8.2014 (sau khi Nga sáp nhập bán đảo Cream), Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí sang Nga, nhưng các hợp đồng đã ký trước vẫn tiếp tục được thực hiện.

Kể từ khi hợp đồng được ký kết vào năm 2014, Thales đã trang bị cho 60 máy bay chiến đấu Su-30 hệ thống định vị Tacan và các máy bay chiến đấu này được dùng tại Ukraine. Tương tự, trực thăng Ka-52, có hệ thống hình ảnh hồng ngoại do Safran sản xuất trên máy bay cũng được dùng Ukraine. Các báo cáo tiết lộ rằng xe tăng T-72, được chụp ảnh ở vùng Mariupol vào ngày 11.3.2022, được trang bị hệ thống ảnh nhiệt bởi Thales.

Hôm 12.4, đài phát thanh nước Pháp RFI có bài viết cho biết lệnh cấm vận vũ khí mà châu Âu áp đặt đối với Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.8.2014. Trang điều tra Disclose khẳng định chính việc chính quyền Pháp thời François Hollande và Emmanuel Macron bí mật cung cấp trang thiết bị quân sự có công nghệ đời mới nhất cho lực lượng vũ trang Nga đã cho phép Moscow hiện đại hóa đội xe tăng, máy bay và trực thăng chiến đấu. Theo điều tra của Disclose, hơn 1.000 xe tăng của Nga được Pháp trang bị caméra cảm ứng nhiệt, còn máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu thì được trang bị hệ thống dẫn đường và thiết bị dò hồng ngoại của Pháp.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Anh điều tra Pháp và Đức bỏ qua lệnh cấm để bán vũ khí mà Nga sử dụng tại Ukraine