Ngày 24.12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Báo chí cần tiếp tục đổi mới, thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo Báo Công Thương | 24/12/2021, 16:50

Ngày 24.12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết, năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID nhưng với sự chủ động, linh hoạt, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, hoạt động báo chí tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung trong công tác tuyên giáo của Đảng, cũng như công tác phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, hiện cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

bc1.jpg

Hội nghị báo chí toàn quốc được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Cụ thể, báo chí đã thông tin, tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm; Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú.

bc2.jpg

Trao Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021

Công tác quản lý, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền 780,9 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 01 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 03 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

Nhiều cơ quan báo chí đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc cũng như tự chủ về kinh phí hoạt động.

bc3.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác báo chí vẫn còn một số hạn chế như, việc cung cấp thông tin cho báo chí nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu thống nhất gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí; thông tin chưa toàn diện, việc giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến… công tác xử lý vi phạm báo chí vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nguyên nhân của những tồn tại trên đến từ cả công tác chỉ đạo, quản lý thông tin; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ; công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ truyền thông, về khoa học, công nghệ cho những người làm công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động trong lĩnh vực báo chí ở một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí còn hạn chế…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí đã đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

bc4.jpg

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận

Đối với công tác chỉ đạo, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền về các Nghị quyết của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp với tình hình mới; kiểm tra giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Đổi mới, tăng cường các giải pháp quản lý, đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ quan báo chí; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền cũng như chuyển đổi số cho cơ quan báo chí; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm….

Đối với cơ quan chủ quản báo chí cần thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, nhà nước về báo chí, nhất là Luật Báo chí nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...

bc5.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị

Đối với cơ quan báo chí, bên cạnh công tác xây dựng Đảng, cần tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, các quy định đạo đức nghề nghiệp; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài. Khắc phục triệt để tình trạng giật tít, đưa thông tin không đúng bản chất, tạo sự nhầm lẫn cho độc giả.

Đặc biệt, các phóng viên, nhà báo cần tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp nhu cầu công chúng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao về sự đồng hành của báo chí đối với Đảng, nhà nước, Chính phủ trong những thời khắc khó khăn, tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Liên quan đến nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trên cơ sở tổng kết đánh giá với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, cần chủ động trong công tác thông tin để nhân dân nắm bắt nhanh, kịp thời, đặc biệt trước sự cạnh tranh của nhiều luồng thông tin xã hội khác. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan báo chí tự chủ được thông qua việc đặt hàng cho báo chí.

"Trước sự cạnh tranh của mạng xã hội, có những ý kiến khác nhau...vì vậy cần minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể. Muốn vậy chúng ta phải chủ động. Khi minh bạch thông tin sớm nhất thì nhân dân sẽ biết rõ và nghe theo” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, xứng đáng với vai trò, trọng trách và niềm tin mà Đảng, nhân dân giao phó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo chí cần tiếp tục đổi mới, thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động