Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18.4, Bắc Kinh đã phát động “tinh thần chiến lang” trong ngoại giao, dựa theo bộ phim mang tựa “Chiến Lang” ca tụng những 'chiến công oai hùng' của các chiến binh Trung Quốc.
“Chiến sĩ ngoại giao” đem việc tặng khẩu trang ra dọa nạt
Giáo sư Thi Triển, chủ nhiệm Trung tâm Chính trị Thế giới (thuộc Đại học Quan hệ Đối ngoại Bắc Kinh) nói sự nổi lên của các nhà ngoại giao Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc là đặc biệt nguy hiểm, căn cứ vào sự không tin tưởng Trung Quốc ngày càng tăng, và việc một số quốc gia phương Tây có thái độ xa cách Bắc Kinh.
Khi trả lời phỏng vấn của trang mạng xã hội Zhisland.com (“Hòn đảo ảo Chính Hòa”), ông Thi Triển nói với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất tín nhiệm Trung Quốc gây tác hại nhiều hơn là việc các nước ngoài giảm nguồn cầu nguyên vật liệu của Trung Quốc và nước này còn mất đi vô số các đơn đặt hàng sản xuất.
Ông còn dẫn việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng viết Twitter ngày 20.3 để phủ nhận các chỉ trích Trung Quốc xuất khẩu các loại khẩu trang và phương tiện y tế chất lượng tồi: “Nếu ai đó tuyên bố hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu độc hại thì người đó chớ có đeo khẩu trang và găng tay bảo hộ do Trung Quốc sản xuất”.
Hồi tháng 3, người phát ngôn họ Triệu cũng gây tranh cãi, khi ông chia sẻ một giả thiết âm mưu, rằng có thể quân đội Mỹ đã đem virus gây dịch COVID-19 đến Vũ Hán, lúc họ tham dự Đại hội thể thao các lực lượng vũ trang của thế giới (Military World Games) ở thành phố này năm 2019.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Ảnh : Hoàn cầu thời báo
Chính quyền Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này, và Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải cũng đã bác bỏ cáo buộc thiếu chứng cứ của ông Triệu, gọi đó là một “tuyên bố điên rồ chỉ làm hỏng quan hệ đã bị tổn thất giữa hai bên”, theo SCMP.
Số liệu mới công bố ngày 17.4 cho thấy mức độ tàn phá của dịch COVID-19 với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới như sau: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quí 1/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; tỉ lệ thất nghiệp 5,9%, thu nhập bình quân mỗi đầu người giảm 3,9%; doanh thu bán lẻ giảm 19%...
“Chiến lang” cần tránh thái độ hả hê trước khổ đau của nước khác
Ngoài việc gởi tặng những bộ kit xét nghiệm, máy thở cùng các phương tiện y tế đến 120 quốc gia, Trung Quốc cũng cử 100 chuyên viên đến Ý, Serbia, Iran, Pakistan, Venezuela cùng nhiều nước châu Á, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc và Đại sứ Thôi cho biết.
Tuần qua, chính phủ Pháp cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã, để phàn nàn việc Sứ quán Trung Quốc đăng một bài xã luận mang ý phê phán nhân viên ở các nhà dưỡng lão Pháp lơi lỏng trong công việc.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã tại một diễn đàn văn hóa Pháp -Trung - Ảnh: EPA
Hoặc tinh thần hữu nghị toàn diện với châu Phi mà Bắc Kinh luôn đề cao đã bị nghi ngờ, sau thông tin chính quyền thành phố Quảng Châu xua đuổi và ngược đãi người châu Phi sống ở đó.
Tại một hội thảo ở Bắc Kinh ngày 15.4, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Mali và Morocco là ông Trương Tiêu cảnh báo: dù ý đồ Bắc Kinh hỗ trợ y tế cho thế giới là tốt, toàn thế giới gồm các nước châu Phi vẫn có những lời chỉ trích Trung Quốc.
Ông Trương Tiêu còn lưu ý rằng dù đã có một sự thay đổi về luận điệu và hành xử của nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc cấp cao, vẫn cần tránh những tuyên bố mang tính nhạy cảm hoặc gây sốc, các hành vi hợm hĩnh và hả hê trước sự đau thương mà khác nước khác đang phải chịu. Ông nói: “Những luận điệu, hành xử này chẳng giúp ích được gì, nhưng nó sẽ quay lại ám chính chúng ta”.
Đường lối ngoại giao cứng rắn chính là con dao hai lưỡi
Theo SCMP vốn có chủ là tỉ phú - đảng viên Jack Ma, những bình luận của các nhà ngoại giao được đưa ra vào lúc Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) hôm 16.4 đã bảo vệ tinh thần “chiến lang”, gọi đó là kết quả tự nhiên của “sự thay đổi sức mạnh của Trung Quốc và phương Tây”.
Tờ phụ san này còn nêu rằng so với “quan điểm ngoại giao ủy mị” của quá khứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện trở nên sắc sảo hơn, không cần phải tế nhị khi bác bỏ những lời bài bác và khi cần bào chữa quyết liệt cho quyền lợi quốc gia.
Vẫn theo tờ báo Hồng Kông, vì Chủ tịch - Tổng bí thư Tập Cận Bình đã kêu gọi “tinh thần chiến đấu”, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ra rất cứng rắn trên vũ đài quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cần bào chữa cho việc tuyên bố chủ quyền Biển Đông; cho các chính sách đối với người đòi dân chủ ở đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc); với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và với số phận của tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei)…
SCMP nêu hiếm khi các nhà quan sát Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo thẳng thừng về chiến thuật “ngoại giao chiến lang”, nhất là từ lúc Trung Quốc lên giọng cứng rắn chống Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ trong hai năm qua.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo việc chính phủ Trung Quốc nuôi dưỡng tinh thần chủ nghĩa dân tộc - nhất là khi kết hợp với những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội - chính là con dao hai lưỡi có thể gây ra kết quả ngược mong đợi, và gây thêm khó khăn cho việc ban hành các quyết định nhạy cảm và hợp lý.
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập và Ả rập Saudi, ông Ngô Tư Khoa nói Bắc Kinh cần cảnh giác với những quan điểm mang tính chỉ trích, từ các nước thường tỏ ra là bạn bè của Trung Quốc, ví dụ Iran là quốc gia đầu tiên được Bắc Kinh viện trợ y tế chống dịch COVID-19.
Khi được hỏi qua mạng Twitter về tính trung thực trong số liệu chính thức về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Kianush Jahanpur đã trả lời: “Chuyện tiếu lâm”. Sau đó, người này phải xóa câu trả lời vì Đại sứ Thường Hoa của Trung Quốc ở Tehran lên tiếng phản đối.
Ông Ngô Tư Khoa nói Jahanpur không là người duy nhất ở Iran làm Bắc Kinh “buồn lòng và khó chịu”, và một số nghị sĩ Iran cũng đã lên tiếng bày tỏ sự bất mãn Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta phải giữ đầu óc tỉnh táo khi có những tiếng nói và nhận thức khác ngay cả ở những quốc gia bạn hữu. Nhưng chúng ta không thể cho phép quan hệ tương đối tốt đẹp với các nước bị nhiễm dịch chỉ vì những quan điểm chỉ trích đó. Chúng thật sự là nền tảng cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc”.
Ông cũng xác nhận việc giới truyền thông đề cập đã có một vụ xích mích ngoại giao hiếm có giữa Iran (đang bị cấm vận nặng) với một bạn hàng mua dầu thô phía Trung Quốc hồi đầu tháng 4.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)