Mỗi nước đều không nên sao chép y nguyên chiến lược "cách ly xã hội" kiểu Trung Quốc để chống đại dịch COVID-19, theo một số nghiên cứu của các học giả quốc tế.

Đại "phong thành": Một cỡ khó dùng chung cho tất cả

18/04/2020, 07:45

Mỗi nước đều không nên sao chép y nguyên chiến lược "cách ly xã hội" kiểu Trung Quốc để chống đại dịch COVID-19, theo một số nghiên cứu của các học giả quốc tế.

Vũ Hán như thành phố ma lúc phong tỏa - Ảnh: Getty Images

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 16.4, khi xảy ra dịch COVID-19, chính quyền Trung Quốc có chiến lược “phong thành” để phong tỏa sự bùng phát dịch ở thành phố ổ dịch Vũ Hán từ cuối tháng 1 và mau chóng áp dụng trên toàn quốc, biến các thành phố thành những “đô thị ma”. Các doanh nghiệp không cần thiết cho cuộc sống đời thường phải đóng cửa, người dân vùng dịch phải ở trong nhà và chỉ được cử một người ra ngoài mua thức ăn, ra đường phải đeo khẩu trang…

Còn có các biện pháp bắt buộc đóng cửa các nhà hàng ăn, quán bar, hiệu sách, tiệm hớt/uốn tóc và tiệm làm móng chân, đo thân nhiệt của người ở sân bay, trạm xe buýt và xe lửa cũng như giảm tụ tập đông người… đã giúp kéo giảm sự lây lan của dịch. Gần đây Vũ Hán được kết thúc phong tỏa từ 0 giờ ngày 8.4, và các thành phố khác cũng trở lại bình thường.

Nhân chuyến thăm thành phố Hàng Châu hồi đầu tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định việc triệt để và khẩn trương áp dụng các biện pháp bắt buộc là dấu chỉ rằng Trung Quốc “có năng lực điều hành” trong việc nới lỏng hoặc siết chặt khâu kiểm soát cuộc sống của xã hội thời khủng hoảng.

Chiến lược "phong thành" khiến khu mua sắm phải đóng cửa - Ảnh: New York Times

Đại phong tỏa gây thiệt hại nặng cho kinh tế-xã hội

Nhà cầm quyền gọi các biện pháp trên là “đồng bộ”, trong khi SCMP gọi là “một cỡ dùng chung cho tất cả”. Chiến lược này có giá trị là kéo giảm sự tiếp xúc xã hội và từ đó kéo giảm sự lây lan dịch COVID-19, nhưng nó cũng gây thiệt hại kinh tế-xã hội rất lớn, theo cảnh báo của các nhà phân tích.

Mặt khác, việc không nhanh chóng hành động bảo vệ và hỗ trợ nền kinh tế - như đã xảy ra ở Mỹ và đa số các nước châu Âu - có thể khiến dẫn đến số ca lây nhiễm và tử vong nhiều hơn.

Theo SCMP, một nghiên cứu của 15 nhà khoa học được tạp chí Khoa học (Science) đăng cuối tháng 3 đã đánh giá các biện pháp chống dịch của Trung Quốc trong 50 ngày đầu.

Họ ghi nhận kịch bản này: sẽ có 740.000 ca nhiễm bên ngoài Vũ Hán vào ngày 19.2, nếu không áp dụng lệnh cấm đi lại hoặc các biện pháp can thiệp mạnh mẽ khác, gồm cả tạm ngưng hoạt động giao thông công cộng giữa các thành phố và cấm tụ tập đông người. Đó là số ca nhiễm cao hơn 25 lần so với 29.839 ca nhiễm được chính thức ghi nhận vào ngày đó.

Trong hai kịch bản khác, các nhà nghiên cứu phát hiện số ca nhiễm bên ngoài Vũ Hán được xác nhận sẽ là 202.000 ca với riêng lệnh cấm đi lại ở thành phố này, hoặc 199.000 ca nếu chính quyền chỉ ban hành các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhưng lại không cấm ra vào Vũ Hán.

Nhưng các biện pháp chặt chẽ này chắc chắn gây thiệt hại kinh tế-xã hội lớn. Ngay cả trong tuần lễ đầu tiên của cuộc “đại phong tỏa” như Quỹ Tiền tệ quốc tế đã gọi, riêng các ngành dịch vụ khách sạn-ăn uống đã bị thất thu hàng ngàn tỉ nhân dân tệ trong thời gian trùng dịp Tết Canh Tý rơi vào các ngày 24 - 27.1.2020.

Biện pháp bắt buộc đóng cửa mảng kinh doanh (các rạp phim trên toàn Trung Quốc tới nay vẫn bị cấm mở cửa) đang đe dọa “giết chết” hàng triệu tiệm bán hàng nhỏ và các nhà buôn không có nguồn lực nào để tiếp tục hoạt động, từ đó dẫn đến nạn thất nghiệp cấp độ lớn và thậm chí dẫn đến cả nguy cơ bất ổn xã hội.

Một số nhà kinh tế đã đặt giá trị đồng USD vào các biện pháp giãn cách xã hội, chí ít là cho nước Mỹ. Một báo cáo của Đại học Chicago ước tính nếu chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc trên toàn quốc từ 3 đến 4 tháng (bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm COVID-19 đều phải bị cách ly 7 ngày, cả nhà tự nguyện cách ly 14 ngày và người trên 70 tuổi giảm tiếp xúc xã hội) thì có thể cứu được 1,76 triệu người, nhưng tốn khoảng 8 ngàn tỉ USD. Số tiền trên tương đương khoảng 60.000 USD/gia đình, tức ngang bằng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn hơn cả ngân sách hằng năm của chính phủ Mỹ.

Theo SCMP, tính đến ngày 16.4, Mỹ có số ca nhiễm (637.359) và số người chết (28.364) nhiều nhất thế giới. Các biện pháp chống dịch khác nhau trên toàn nước Mỹ. Đa số các bang áp dụng vài dạng thức phong tỏa các doanh nghiệp và cấm đi lại, như đóng cửa các bãi biển, công viên và hạn chế hoạt động của các quán bar, nhà hàng (chỉ đáp ứng dịch vụ mua mang đi).

Vài bang có số ca nhiễm cao như New York thì áp dụng các biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc xã hội. Chỉ có vài ngoại lệ như các bang Nebraska, Iowa và Arkansas áp dụng vài biện pháp hạn chế nhẹ và cho phép duy trì hoạt động ở nơi đông người, như công viên.

Mặt trái của đóng cửa trường

Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất ở Mỹ là đóng cửa trường học để giảm thiểu ca nhiễm. Khoảng 23 bang và 3 vùng lãnh thổ Mỹ ra lệnh đóng cửa suốt phần còn lại của năm học, tác động đến ít nhất 124.000 trường công và trường tư cùng 55,1 triệu học sinh, theo tạp chí Tuần giáo dục (Education Week).

Nhưng trong một bài đăng trên tạp chí y học The Lancet hồi đầu tháng 4, hai nhà nghiên cứu người Mỹ nói ích lợi của việc đóng cửa trường không thể bù đắp, vì số nhân viên y tế ở tuyến đầu phòng dịch lại phải dành nhiều thời gian ở nhà chăm sóc con cái (do thiếu người cung cấp dịch vụ trông trẻ), phải giảm thời gian chữa trị, chăm sóc người bệnh, tiến hành xét nghiệm.

Sự "đánh đổi" này là một vấn đề khó xử đặc biệt tại Mỹ, nơi có tỷ lệ cứ 29% hộ gia đình thì có một nhân viên y tế có ít nhất 1 con trong độ tuổi từ 3 đến 12. Gánh nặng còn đè lên các gia đình có một y tá hoặc một trợ lý chữa trị làm việc tại một nhà dưỡng lão.

Hai nhà nghiên cứu Jude Bayham (của Đại học bang Colorado) và Eli Fenichel (Đại học Yale) viết : “Không thể bỏ qua sự đánh đổi này, vì khả năng chăm sóc các người bị nhiễm dịch và theo dõi các mối tiếp xúc đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của dịch bệnh, sự sống còn của người nhiễm và cuối cùng là tăng số ca tử vong vì nhiễm dịch”.

Hai nhà nghiên cứu gợi ý rằng tỷ lệ tử vong vì dịch có thể tăng trên 2,35% nếu hơn 15% nhân viên y tế không thể làm việc trong giờ bình thường, điều có nghĩa việc đóng cửa trường học lại dẫn đến số ca tử vong cao hơn.

Ngoài ra, do tỷ lệ tử vong cao ở người cao tuổi, có những nguy cơ rằng việc đóng cửa trường sẽ làm tăng mối tiếp xúc ở nhà giữa trẻ con với ông bà của chúng. Đây là điều đáng báo động ở Anh, với 40% ông bà nhận chăm cháu hộ con cái họ, theo nhóm nghiên cứu của ông Russell Viner thuộc Đại học London.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại "phong thành": Một cỡ khó dùng chung cho tất cả