Fareed Zakaria là người chuyên viết bình luận trên The Washington Post và CNN. Sáng nay, The Washington Post có đăng bài bình luận của Zakaria.
Năm 1942, Thủ tướng Anh Winston Churchill cố gắng chuẩn bị cho người dân Anh tâm lý sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài. Churchill tuyên bố khi đề cập đến chiến thắng của Đồng minh ở Ai Cập: “Đây không phải là kết thúc và cũng không hẳn là bắt đầu của một cái kết. Nhưng có lẽ đây là kết thúc của sự khởi đầu”. Vậy khi nghĩ về những điều đó, phương Tây đang chứng kiến giai đoạn nào trong cuộc chiến ở Ukraine?
Gideon Rose, một học giả tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả của một cuốn sách xuất sắc, “How Wars End”, giải thích rằng phương Tây có khả năng đang ở giai đoạn giữa. Ông chỉ ra rằng mọi cuộc chiến đều bắt đầu tương tự như một ván cờ vua, với một cuộc tấn công dồn dập và một cuộc phòng thủ. Nếu những nước khai cuộc đó không mang lại chiến thắng quyết định, ván đấu sẽ bước vào giai đoạn trung cuộc, trong đó cả hai bên đều cố gắng giành lấy lợi thế trên bàn cờ. Rose nói: “Trong giai đoạn trung cuộc, không bên nào quan tâm đến việc đàm phán bởi vì mỗi bên đều cố gắng giành chiến thắng hoàn toàn, nâng cao vị thế của mình trên chiến trường, để từ đó có một vị thế mạnh hơn khi đàm phán”. Đây là giai đoạn cảm xúc dâng trào, khó có thể thỏa hiệp.
Cuối cùng, vào một thời điểm nào đó, những người tham chiến bước vào giai đoạn cờ tàn thông qua một trong hai con đường: Hoặc làn sóng chiến tranh trở nên không thể đảo ngược có lợi cho một bên (như đã xảy ra vào năm 1918 và 1944), hoặc một sự bế tắc kiệt quệ xuất hiện (như ở bán đảo Triều Tiên từ 1951 đến giờ). Rose lưu ý: “Tại thời điểm đó, các bên bước vào giai đoạn tàn cuộc và họ bắt đầu quay cuồng về việc chốt hạ”.
Trong giai đoạn trung cuộc mà phương Tây đang tham gia, họ phải giúp Ukraine củng cố vị thế của mình. Kyiv cần thêm vũ khí và huấn luyện. Mặc dù có những giới hạn thực sự đối với mức độ tiếp thu của người Ukraine, nhưng Washington (và các đồng minh ở châu Âu và các nơi khác) phải nỗ lực gấp đôi. Họ cũng cần giúp Ukraine phá vỡ sự phong tỏa của Nga xung quanh Odessa. Phương Tây tập trung vào đánh quỵ nền kinh tế Nga, vốn có thể sẽ giảm khoảng 11% trong năm nay. Nhưng nền kinh tế Ukraine có thể sẽ suy giảm 45% đáng kinh ngạc vào năm 2022. Trừ khi Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi các cảng ở Biển Đen, nếu không nước này có thể phải đối mặt với thảm họa kinh tế trong nhiều năm tới.
Nhiều khả năng, giai đoạn giữa của cuộc chiến này sẽ kéo dài trong một thời gian. Cả Nga và Ukraine đều không có khả năng giành chiến thắng một cách dứt khoát và cũng không có khả năng đầu hàng dễ dàng. Trong ngắn hạn, điều này có lợi cho Nga. Nga đã kiểm soát phần lớn Donbas. Và bởi vì phương Tây không cấm hoàn toàn việc xuất khẩu năng lượng của Nga, chính phủ Nga đã thực sự thu lợi trong cuộc chiến này. Bloomberg dự đoán doanh thu dầu khí của Nga trong năm nay sẽ là khoảng 285 tỉ USD, tăng mạnh so với 236 tỉ USD năm ngoái. Trong khi đó, Nga hiện có thể cản trở khả năng xuất khẩu của Ukraine. Về lâu dài, người ta đành nuôi hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến Nga khi chiến tranh tiếp diễn. Đồng thời, nuôi hy vọng Ukraine với sự trợ giúp to lớn của phương Tây, có tinh thần cao và sẵn sàng chiến đấu đến cùng.
Mặc dù vẫn chưa ở trong giai đoạn cuối, nhưng sẽ là thông minh cho Ukraine nếu bắt đầu nghĩ về thế cờ tàn. Bằng cách đó, Ukraine có thể phát triển một quan điểm nhất quán, sắp xếp chiến lược xung quanh nó và nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Cựu ngoại trưởng Henry A. Kissinger bị chỉ trích vì gợi ý rằng Kyiv không nên tìm cách thay đổi hiện trạng trên chiến trường trước 24.2. Trên thực tế, tại thời điểm này, rất khó Ukraine có có khả năng giành lại toàn bộ lãnh thổ đó bằng vũ lực, mặc dù họ nên tiếp tục cố gắng. Nhưng có vẻ khôn ngoan khi thực hiện mục tiêu đó – lấy lại lãnh thổ trong tay Nga từ năm nay. Sau đó, Kyiv có thể cố gắng lấy lại các vùng lãnh thổ bị mất trước đó vào năm 2014 thông qua các cuộc đàm phán. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần đề nghị một điều gì đó tương tự. Và mục tiêu đó - quay trở lại trước thời điểm 24.2 - cũng sẽ là một trong những điều sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của quốc tế nhất.
Trong giai đoạn tàn cuộc, phương Tây - và đặc biệt là Mỹ - trở thành những người đóng vai trò then chốt. Hiện giờ Nga đang chiến đấu trực tiếp với Ukraine. Nhưng nếu và khi xung đột trở thành một điều gì đó bế tắc, cuộc đấu thực sự sẽ là giữa Nga và phương Tây. Nga sẽ cho đi điều gì để có được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt? Phương Tây sẽ yêu cầu Nga thứ gì để chấm dứt sự cô lập với Nga?
Cho đến nay, Washington đã chối bỏ trách nhiệm này với giải thích rằng người Ukraine sẽ quyết định những gì họ muốn và Washington sẽ không đàm phán trên đàu Ukraine. Đó là thông điệp đúng đắn để nhận sự ủng hộ của công chúng, nhưng Ukraine và các đối tác phương Tây cần xây dựng một nhóm mục tiêu chung, phối hợp chiến lược xung quanh đó, tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế và sử dụng tất cả các đòn bẩy mà họ có để thành công. Mục tiêu phải là một Ukraine độc lập, có toàn quyền kiểm soát ít nhất các vùng lãnh thổ như trước ngày 24.2 kèm theo một số cam kết an ninh từ phương Tây.
Giải pháp thay thế cho một hình thức dàn xếp thương lượng nào đó sẽ là một cuộc chiến không hồi kết ở Ukraine, sẽ tiếp tục tàn phá đất nước và người dân của họ, hơn 5 triệu người trong số họ đã phải bỏ chạy khỏi quê hương. Và kết quả là sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp năng lượng, thực phẩm và nền kinh tế sẽ bị gián đoạn ở khắp mọi nơi, với tình trạng hỗn loạn chính trị ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Chắc chắn rằng rất đáng để tìm kiếm màn kết thúc cuộc chơi để tránh được tương lai ảm đạm này.