Quyết định của Tổng thống Biden về việc xem xét điều chỉnh thuế quan thương mại với Trung Quốc đang được chú ý trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng kỷ lục.

Lạm phát tại Mỹ: Liệu dỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc có phải là ‘phao cứu sinh’?

Hoàng Vũ | 16/06/2022, 12:46

Quyết định của Tổng thống Biden về việc xem xét điều chỉnh thuế quan thương mại với Trung Quốc đang được chú ý trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng kỷ lục.

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 5 do giá tiêu dùng tăng 8,6%, nhất là khí đốt và thực phẩm. Chi phí gia tăng đang gây áp lực nặng nề lên các gia đình Mỹ. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Biden đều thừa nhận hiện không có bất kỳ giải pháp ngắn hạn nào để kiềm chế đà lạm phát tăng kỷ lục ở Mỹ.

Có rất nhiều yếu tố khiến giá cả tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Biden, gồm đại dịch, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cho đến xung đột giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Nhà Trắng chủ yếu bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và không linh hoạt trong điều chỉnh thông điệp của mình.

Do đó, Nhà Trắng đã phải bắt đầu thay đổi thông điệp của mình về lạm phát, dù chính quyền Biden hiện không có nhiều công cụ hữu hiệu để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng này rất có thể hạ tín nhiệm của tổng thống và đảng Dân chủ của ông có thể mất nhiều ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu năm nay.

Trước tình cảnh đó, Biden phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: duy trì thuế quan và đối mặt với lạm phát, hoặc điều chỉnh để giảm lạm phát và "tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc".

Tổng thống Joe Biden tuần trước đã thẳng thừng nói rằng giá dầu tăng vọt do Nga đưa quân vào Ukraine, đó là nhân tố chính gây lạm phát tại Mỹ.

"Tôi hiểu lạm phát là một thách thức thực sự đối với các gia đình Mỹ. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để giảm giá cho người dân Mỹ”, ông Biden nói trong một tuyên bố hôm 10.6.

Tại một cuộc họp báo ở Los Angeles, Tổng thống Mỹ cũng đã chỉ trích các công ty dầu mỏ lớn, chẳng hạn Exxon Mobil, đã không tăng sản lượng.

"Exxon đã kiếm được nhiều tiền hơn trong năm nay. Một điều tôi muốn nói về các công ty dầu mỏ: Họ có 9.000 giấy phép để khoan, nhưng họ không khoan... bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách không sản xuất thêm dầu, và hưởng lợi từ việc tăng giá", ông Biden nói.

Hôm 14.6, Tổng thống Mỹ thậm chí còn công kích đảng Cộng hòa, cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ những chính sách "làm tổn thương người lao động Mỹ" và bác bỏ tuyên bố cho rằng chính quyền của ông đã tàn phá nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, những lời chỉ trích của Tổng thống Biden nhắm vào Nga hay đảng Cộng hòa khó thuyết phục được người dân Mỹ, khi chính quyền của ông không thể tung ra những biện pháp hiệu quả để chống đỡ đà lạm phát.

Tháng trước, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang xem xét dỡ bỏ các mức thuế mà chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump áp đặt lên Trung Quốc hồi tháng 7.2018 trong bối cảnh nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp đã thúc giục tổng thống Mỹ cắt giảm thuế quan thương mại để hạ nhiệt lạm phát.

Shang-Jin Wei, nhà kinh tế học và giáo sư về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: “Nếu chính quyền Biden điều chỉnh thuế quan, thì điều đó sẽ không giúp Trung Quốc mà chỉ giúp Mỹ. Việc loại bỏ thuế quan có thể giúp giảm chi phí sản xuất cho các công ty Mỹ và chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình”.

Chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, gồm cả hàng trăm tỉ USD hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Vấn đề giữ hay loại bỏ hoặc giảm thuế quan dự kiến sẽ trở thành một vấn đề chính trị và chắn chắn sẽ nhận phản ứng dữ dội từ một số chính trị gia với cáo buộc Biden mềm mỏng với Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể làm giảm giá ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như nguyên liệu thô, nhưng cảnh báo rằng nó sẽ không hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ xuống mức mong muốn.

Trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm 15.6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết việc giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là biện pháp hiệu quả cho việc chống lại tình trạng lạm phát cao.

"Tôi nghĩ rằng một số mức giảm có thể được đảm bảo và có thể giúp giảm giá của những mặt hàng vốn đang là gắng nặng cho người mua. Nhưng thành thật mà nói, tôi không nghĩ chính sách thuế quan là liều thuốc chữa bách bệnh đối với lạm phát”, bà Yellen nhấn mạnh.

Theo các nhà kinh tế hàng đầu, việc áp thuế với Trung Quốc nên được điệu chỉnh vì chính sách này đã không thực sự hiệu quả trong mục tiêu ban đầu của nó.

David Sacks, một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CPR) nói: “Tôi không nghĩ rằng việc áp thuế đã thay đổi hành vi của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Các vấn đề cốt lõi của Mỹ mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết là các hoạt động phi thị trường của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các công ty khác... Tôi không nghĩ thuế quan sẽ giải quyết các vấn đề cơ cấu cốt lõi của Mỹ với Trung Quốc”.

“Việc loại bỏ thuế quan có thể sẽ dẫn đến một số trở ngại chính trị trong nước và các thành viên đảng Cộng hòa sẽ nói rằng điều này cho thấy chính quyền Biden đang yếu thế trước Trung Quốc hoặc đang trao quyền tự do cho Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ về mặt giá trị, thì thuế quan nên được loại bỏ”, Sacks nói thêm.

Robert Handfield, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bắc Carolina cho biết chính quyền Biden nên giảm thuế hàng hóa Trung Quốc dựa vào chọn lọc theo ngành. Các dự án năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên vì hầu hết các tấm pin mặt trời đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.

Không chỉ chiến tranh tại Ukraine và đại dịch COVID-19, Handfield cho biết vấn đề cốt lõi khiến lạm phát tăng vọt nằm ở cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng. Đại dịch bộc lộ những điểm yếu trong dòng chảy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các cảng lớn nhất của Mỹ bị tắc nghẽn.

“Tôi không nghĩ chính phủ có thể làm được bất cứ điều gì trong ngắn hạn. Một số điều họ đang làm là tăng lãi suất, điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với một số hàng hóa, nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu có rất nhiều điểm nghẽn. Tôi nghĩ sẽ mất ít nhất hai năm để chúng hoạt động hiệu quả trở lại", Handfield nói thêm.

Chuyên gia Handfield cho rằng việc giảm thuế quan với Trung Quốc "có thể không có tác động về lâu dài, nhưng nó có thể có tác động ngắn hạn và ngay cả khi đó, vẫn chưa rõ chúng sẽ có tác động như thế nào". "Rất nhiều tổ chức đã tìm cách tránh thuế quan trong thời gian tạm thời, do đó không rõ liệu việc loại bỏ chúng có ảnh hưởng ngay lập tức đến chi phí lạm phát hay không”, ông nói.

Tuy nhiên, một số tổ chức kinh tế liên quan tới chính trị cũng như nhiều thành viên lưỡng đảng tại quốc hội Mỹ đã phản đối việc điều chỉnh thuế quan. Cụ thể, United Steelworkers, một liên đoàn lao động có 1,2 triệu thành viên ở Bắc Mỹ và đồng thời là thành viên của Ủy ban Tư vấn lao động về chính sách thương mại và đàm phán, một nhóm cố vấn cho Nhà Trắng, đã gửi lá thư vào ngày 6.6 cho văn phòng Đại diện Thương mại, thúc giục chính quyền Biden không dỡ bỏ thuế quan.

Công đoàn này cho rằng các chính sách thương mại của Trung Quốc đang làm tổn hại đến các công ty Mỹ. "Quá nhiều công ty Mỹ đã không thực hiện những hành động cần thiết để giải quyết mối đe dọa do các chính sách của Bắc Kinh gây ra, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ và lợi ích an ninh quốc gia. Chính phủ chúng ta phải hành động vì lợi ích quốc gia nhằm củng cố nền kinh tế trong tương lai”, chủ tịch của United Steelworkers nói.

Bài liên quan
ASML bị Mỹ ngăn bảo trì một số thiết bị chip bán cho Trung Quốc
Peter Wennink, Giám đốc điều hành sắp nghỉ hưu của ASML, hôm 24.4 cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngăn công ty Hà Lan bảo trì một số máy từng bán cho khách hàng Trung Quốc trong một số trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát tại Mỹ: Liệu dỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc có phải là ‘phao cứu sinh’?