Trung Quốc mô tả: “Hành động đâm bị thóc chọc bị gạo của Mỹ khi không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine hiển nhiên là không muốn hai bên ngừng bắn”

Vì sao Trung Quốc bỗng dưng chỉ trích Mỹ "đâm bị thóc, chọc bị gạo" tại Ukraine?

Anh Tú | 15/06/2022, 20:23

Trung Quốc mô tả: “Hành động đâm bị thóc chọc bị gạo của Mỹ khi không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine hiển nhiên là không muốn hai bên ngừng bắn”

Đài phát thanh Trung Quốc hôm 15.6 có bài viết chỉ trích Mỹ trong cuộc chiến tại Ukraine với ngôn từ mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ. Theo Trung Quốc, “Trong khi cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi hai bên Nga và Ukraine giải quyết cuộc xung đột qua đàm phán, sớm thực hiện ngừng bắn và kết thúc chiến tranh, Mỹ lại đổ thêm dầu vào lửa cho cả hai bên, một mặt tiếp tục tăng cường trừng phạt đối với Nga, mặt khác khởi động chương trình viện trợ vũ khí vòng mới cho Ukraine".

Trung Quốc mô tả: “Hành động đâm bị thóc chọc bị gạo của Mỹ khi không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine hiển nhiên là không muốn hai bên ngừng bắn”, đồng thời đưa ra thống kê: kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine đến nay, Mỹ đã phê chuẩn gói viện trợ trị giá hơn 53 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có hơn một nửa là cung cấp vũ khí cho Ukraine. Việc này không những khiến Mỹ dọn dẹp các trang thiết bị vũ khí tồn kho cũ, mà còn tạo cơ hội cho việc bán vũ khí vòng mới.

Trung Quốc nêu cụ thể: trong chương trình viện trợ vũ khí vòng mới có 200 chiếc xe thiết giáp chở quân M113 sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam thập niên 60-70 thế kỷ trước, có thể nói là trang thiết bị “cổ lỗ sĩ”. Đồng thời khẳng định: Hàng chục tỉ USD viện trợ cho Ukraine không phải là miễn phí, đều là gánh nợ, cần người dân Ukraine trả, cuối cùng những khoản tiền này cũng chảy về túi của Mỹ.

tq.jpg
Trung Quốc đã gắng tách ra khỏi căng thẳng Mỹ - Nga

Kể từ đầu cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc gắng tách ra khỏi đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một vài phát biểu an toàn, không lộ rõ lập trường ủng hộ Nga, cũng không lên án quá gay gắt phương Tây đồng loạt gây sức ép lên Moscow. Đồng thời, họ không quên nhắn nhủ: “Các nước khác không được làm tổn hại lợi ích chính đáng của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine”.

Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc có vẻ đã nghiêng dần về một bên sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu video mà ông thực hiện tại Đối thoại Shangri-La hôm 11.6, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nên giúp Đài Loan chống lại sự đe dọa của Trung Quốc vào lúc này. Các bình luận của Tổng thống Zelesky có nguy cơ làm đảo lộn hành động cân bằng tế nhị của Ukraine với Trung Quốc.

Tại hội nghị đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Autin “tái khẳng định tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng, và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế những hành động gây bất ổn đối với Đài Loan”.

Đặc biệt, trong tuyên bố mới nhất của Mỹ về vấn đề eo biển Đài Loan thực sự khiến Trung Quốc tức giận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 14.6 cho biết: "Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế, có nghĩa eo biển Đài Loan là một khu vực mà các quyền tự do trên biển cả, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo theo quy định quốc tế pháp luật".

Ông Price nói thêm rằng thế giới có "mối quan tâm sâu sắc đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan; Mỹ coi đây là trọng tâm đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Vì sao Trung Quốc lại tức giận tột độ khi Mỹ công khai coi eo biển Đài Loan là đường thủy quốc tế dù trên thực tế thì nó đang có vẻ là như vậy? Vì nếu Mỹ coi eo biển Đài Loan là đường thủy quốc tế thì cũng là gián tiếp thừa nhận Đài Loan là quốc gia độc lập trong khi Trung Quốc coi hòn đảo này là lãnh thổ không thể tách rời.

Trước đó, tại Hội nghị Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguỵ Phượng Hoà đã đưa ra cảnh báo được coi là “lằn ranh đỏ” khi có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên người đồng cấp Mỹ Lloyd Autin bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ông Nguỵ cảnh báo ông Austin rằng “nếu bất kỳ ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ không chần chừ tiến hành một cuộc chiến, bất kể cái giá là gì”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm dẫn lời ông Nguỵ nói trong cuộc gặp. Tuy nhiên, Mỹ đã phớt lờ thái độ của Trung Quốc khi đề cập vấn đề eo biển Đài Loan như đã nêu.

Tờ Nikkei Asia ngày 13.6 dẫn các nguồn tin cho hay cuộc đối thoại chiến lược giữa các quan chức an ninh Mỹ và Đài Loan sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Mỹ. Cuộc đối thoại sẽ tập trung vào việc cung cấp vũ khí và tập trận. 

Tình hình Mỹ - Nga đang căng tại Ukraine giờ sẽ có thêm căng thẳng mới tại eo biển Đài Loan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Trung Quốc bỗng dưng chỉ trích Mỹ "đâm bị thóc, chọc bị gạo" tại Ukraine?