Anastassia Fedyk là trợ lý giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Haas tại UC Berkeley và là đồng sáng lập của Chuyên gia kinh tế cho Ukraine. David McAdams là giáo sư kinh tế học tại Trường Kinh doanh Fuqua tại Duke. Họ cùng có bài viết phân tích cuộc chiến trên The Los Angeles Times vào hôm qua.

Báo Mỹ phân tích khả năng NATO đưa quân vào Ukraine nếu Ukraine bị Nga đè bẹp

Anh Tú (dịch) | 26/07/2022, 07:36

Anastassia Fedyk là trợ lý giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Haas tại UC Berkeley và là đồng sáng lập của Chuyên gia kinh tế cho Ukraine. David McAdams là giáo sư kinh tế học tại Trường Kinh doanh Fuqua tại Duke. Họ cùng có bài viết phân tích cuộc chiến trên The Los Angeles Times vào hôm qua.

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã kéo dài 5 tháng và chưa có hồi kết rõ ràng. Khi cuộc chiến biến thành một cuộc chiến lâu dài, đã đến lúc phải suy nghĩ một cách chiến lược về những gì có thể làm ngay bây giờ để quản lý và ngăn chặn mối đe dọa trong tương lai.

Là các nhà kinh tế chuyên về kinh tế học hành vi và lý thuyết trò chơi, chúng tôi dạy các khái niệm chiến lược từ lý thuyết trò chơi cho các sinh viên kinh tế của chúng tôi. Những ý tưởng tương tự có thể giúp chúng ta hiểu các động thái hiện tại của Nga, dự đoán hành vi trong tương lai và đưa ra các chiến lược tốt nhất để đạt được các mục tiêu dài hạn.

Một khái niệm chính trong lý thuyết trò chơi là “quy nạp lùi” - nhìn trước những kết quả tiềm năng có thể phát sinh trong tương lai (cái gọi là cây trò chơi – game tree) và sau đó lùi lại để xác định những hành động tối ưu mà mỗi bên phải thực hiện ở hiện tại.

Cây trò chơi trông như thế nào trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến ở Ukraine? Nga tiến hành cuộc chiến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể theo quan điểm hậu cần quân sự, trong mùa lầy lội khét tiếng của Ukraine. Nhưng sau khi rút lui khỏi Kyiv, Nga đã đạt được những lợi thế chậm nhưng ổn định ở miền đông Ukraine, và các điều kiện sẽ rất lý tưởng cho Nga trong những tháng mùa đông tới. Mùa đông cũng sẽ là thời điểm dễ bị tổn thương chiến lược đối với châu Âu, do các nước này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga để sưởi ấm.

Từ góc độ này, thời gian đang đứng về phía Tổng thống Vladimir Putin. Dự đoán rằng cơ hội chiến thắng tốt nhất của mình có thể đến vào mùa đông này, ông Putin có động cơ để giữ lại khí đốt tự nhiên của Nga ngay bây giờ và đẩy châu Âu vào vị trí bấp bênh nhất có thể về mặt kinh tế, bất kể cái giá phải trả đối với Nga trong ngắn hạn.

Điều này ngụ ý gì đối với liên minh các nước ủng hộ Ukraine? Rõ ràng, cách để khiến ông Putin ngừng cuộc chiến bây giờ là khiến ông ấy tin rằng không có cách nào mà ông ấy có thể giành chiến thắng trong sáu tháng sau đó. Và cách để khiến ông ấy tin rằng mình không thể giành chiến thắng trong sáu tháng là chuyển nhiều hơn đủ thiết bị quân sự hạng nặng vào Ukraine thậm chí sớm hơn.

Điều này đưa chúng ta đến một bài học quan trọng khác từ lý thuyết trò chơi và kinh tế học hành vi: rằng niềm tin đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định cách mỗi bên sẽ hành động - ngay cả khi những niềm tin đó không đúng 100%. Trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chỉ có một lý do duy nhất khiến cuộc chiến tiếp tục: Vladimir Putin tin rằng Nga có thể chiến thắng.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine được mô tả là “cuộc chiến tranh tiêu hao” - nơi hai kẻ thù tranh giành một tài sản có giá trị và mỗi bên phải trả giá trong khi cuộc chiến của họ vẫn tiếp tục và phải quyết định tiếp tục đấu tranh trong bao lâu và khi nào nên từ bỏ. Niềm tin là vô cùng quan trọng trong một cuộc chiến tranh tiêu hao. Khi cả hai bên có nguồn lực ngang nhau và quyết tâm chiến thắng ngang nhau, một cuộc chiến tranh tiêu hao có thể tiếp tục trong một thời gian rất dài, gây tổn thất lớn cho cả hai bên.

Tuy nhiên, nếu một bên đang bế tắc có thể thuyết phục bên kia rằng mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc, thì bên kia sẽ có động cơ rút lui ngay lập tức để tránh lãng phí nguồn lực của mình trong một cuộc đấu tranh không có kết quả. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, trò chơi thực sự thường là một trò chơi tâm lý và quyết tâm cạnh tranh, nhằm thể hiện sức mạnh và độ bền của chính một bên và tin vào điểm yếu của bên kia.

Cho đến nay, ông Putin đã thất bại trong việc xây dựng một hình ảnh về sức mạnh áp đảo, nhưng thái độ coi thường của ông đối với phương Tây và niềm tin của ông vào sự yếu kém và bất khả kháng của phương Tây đã được nhiều người biết đến. Mặc dù ông Putin có thể sai khi đánh giá thấp phương Tây, nhưng thật trớ trêu, đánh giá sai của ông lại tiếp thêm sức mạnh trong cuộc xung đột hiện tại, vì nó mang lại cho ông hy vọng cần thiết để tiếp tục cuộc chiến. Thật không may, điều này có nghĩa là hòa bình ở châu Âu sẽ không được khôi phục cho đến khi phương Tây cho thấy loại sức mạnh và quyết tâm mà Putin không mong đợi.

Niềm tin cũng là chìa khóa cho các chiến lược xoay quanh vấn đề leo thang. Một số người lo ngại rằng việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến sẽ khiến tổng thống Putin tức giận và dẫn đến một nấc thang leo thang, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Đây là một nỗi sợ hãi chính đáng, nhưng ở đây chúng ta cũng cần phải suy nghĩ thông qua toàn bộ cây trò chơi. Liệu sự leo thang của Nga có giảm bớt khi chúng ta nghĩ đến sự xoa dịu? Không cần thiết. Chính xác là trong tình huống đó, khi ông Putin nhìn thấy con đường dẫn đến chiến thắng nhưng cần phương Tây đứng ngoài cuộc, thì ông thấy sẽ có hữu ích khi đưa ra những lời đe dọa gay gắt hoặc leo thang để báo hiệu sự nghiêm túc của mình. Mặt khác, nếu ông Putin có thể tin rằng liên minh chống lại ông ta sẽ vẫn mạnh mẽ và cam kết cho dù thế nào đi nữa, thì sự tự tin vào kết quả của ông ta từ việc leo thang sẽ bị bào mòn đáng kể.

Cuối cùng, hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm đủ để giúp Ukraine chống lại Nga. Có hai khả năng ở đây. Đầu tiên là NATO sẽ bị lôi kéo tham gia trực tiếp. Nếu binh lực của Ukraine tổn thất quá nhiều, có thể Ukraine không còn đủ các tinh binh của và vũ khí của NATO sẽ cần được vận hành bởi các nhân viên NATO, giả sử phương Tây không đầu hàng hoàn toàn. Trong trường hợp này, tiềm năng leo thang được cho là lớn hơn nhiều so với việc Ukraine được trang bị vũ khí nhanh hơn.

Khả năng thứ hai là Nga làm chủ hoàn toàn Ukraine. Điều này sẽ giúp ông Putin có vị thế vững chắc hơn, với đất đai, sản xuất công nghiệp và tài nguyên thiên nhiên của Ukraine (bao gồm cả lương thực và năng lượng) nằm trong vòng kiểm soát Nga. Niềm tin của tổng thống Putin sẽ như thế nào trong nhánh cây trò chơi này? Nếu phương Tây cho phép Nga chiếm Ukraine, liệu ông Putin có được khuyến khích để mở rộng hơn nữa, chẳng hạn như làm điều tương tự ở Litva? Liệu ông ta có trông mong những lời đe dọa leo thang hạt nhân của mình tiếp tục tạo đòn bẩy không thể ngăn cản?

Ngay cả khi ông Putin sai khi tin rằng ông có thể tiếp tục chinh phục các vùng đất của Ancient Rus (nước Nga cổ), việc để Ukraine thất thủ sẽ cho ông nhiều lý do để theo đuổi niềm tin như vậy - và khiến châu Âu có nguy cơ tiếp tục đối đầu. Các hành động của các nước Baltic, từ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đến lập trường của Litva về Kaliningrad (Ukraine từng phong tỏa giao thông giữa Nga và Kaliningrad vì nói làm theo yêu cầu của EU nhưng sau EU yêu cầu Litva phải chấm dứt hành động đơn phương), cho thấy niềm tin của họ vào điều này. Họ cho rằng mình sẽ không còn an toàn nếu Ukraine thất thủ.

Để tránh các kịch bản ác mộng vào mùa đông tới và hơn thế nữa, liên minh phải hành động ngay bây giờ để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine. Chỉ khi tổng thống Putin không còn hy vọng chiến thắng ở Ukraine thì hòa bình ở châu Âu mới được đảm bảo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ phân tích khả năng NATO đưa quân vào Ukraine nếu Ukraine bị Nga đè bẹp