Trên The Washington Post, nhà bình luận David Ignatius sáng nay vừa có bài viết phân tích những biến số khó lường trong cuộc chiến tại Ukraine.
Khi cuộc chiến Ukraine bước sang tháng thứ sáu, nhiều nhà phân tích dự báo một cuộc chiến đẫm máu tiếp tục diễn ra vào mùa đông. Nhưng một số yếu tố quân sự, chính trị và ngoại giao không thể đoán trước đã xuất hiện trong cuộc chiến tiêu hao tàn khốc này.
Các cuộc chiến tranh được định hình bởi những biến số cơ bản nhất: hệ thống vũ khí và khả năng của chúng; vai trò lãnh đạo và tác dụng của nó đối với đoàn kết dân tộc; các liên minh có thể hỗ trợ kinh tế và ngoại giao cho các bên tham chiến. Tất cả những điều này đều đang diễn ra trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những tuần gần đây đã chứng kiến những thay đổi tinh tế nhưng quan trọng trong mỗi biến số có thể giúp xác định kết quả.
Một yếu tố mới là sự thành công trên chiến trường của hệ thống tên lửa Mỹ được gọi là HIMARS, trong vài tuần qua đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ và sở chỉ huy của Nga ngay bên trong Ukraine. Sau nhiều tuần rút lui ở Donbas, các lực lượng Ukraine mới được tiếp thêm sức mạnh. Theo một quan chức châu Âu, các tướng Ukraine phàn nàn rằng HIMARS hiệu quả đến mức đáng lẽ chúng phải được chuyển giao từ nhiều tháng trước.
Tướng Valerii Zaluzhnyi, chỉ huy quân đội Ukraine, tuyên bố trong một bài đăng trên internet rằng “chúng tôi đã thành công trong việc ổn định tình hình”, một phần nhờ HIMARS. Ông cho biết các tên lửa của Mỹ “đã được sử dụng cho các cuộc tấn công có chủ đích vào các điểm kiểm soát của đối phương cũng như kho đạn dược và nhiên liệu”.
Lầu Năm Góc, vốn đã cảnh giác với việc cung cấp HIMARS cho đến khi có "bằng chứng về khái niệm" mà người Ukraine có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, giờ đây dường như đã bị thuyết phục. Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết vào tuần trước: “Tôi nghĩ rằng đã có tác động đáng kể đến những gì đang diễn ra ở tiền tuyến”.
Trong suốt mùa hè và mùa thu này, ưu tiên của NATO sẽ là cung cấp nhiều tên lửa hơn cho Ukraine để củng cố thành công gần đây. Các quan chức châu Âu cho biết Mỹ và họ đang huy động các công ty quốc phòng tăng tốc sản xuất vũ khí. Và có một cuộc chạy đua để mở rộng huấn luyện cho các lực lượng Ukraine. Anh lên kế hoạch đào tạo 10.000 binh sĩ sau mỗi 120 ngày - một con số sẽ được nhân lên với các quốc gia khác.
Các quan chức cho biết các lực lượng Ukraine có thể cảm thấy đủ tự tin để mở rộng các cuộc tấn công vào mùa hè này ở phía nam, gần Kherson. Nhưng tác động thực sự của vũ khí mới và việc huấn luyện có thể đến vào mùa xuân năm sau, sau một mùa đông dự kiến tạm lắng trong chiến đấu. Ukraine sẽ có vị thể tốt hơn để đẩy lùi các cuộc tấn công mới của Nga và có thể chiếm lại một số lãnh thổ, các quan chức châu Âu tỏ ra tin tưởng.
Khả năng lãnh đạo của con người là yếu tố X trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Trong điều này, cả Ukraine và Nga đều đang hưởng lợi từ sự lãnh đạo thống nhất, mạnh mẽ từ các tổng thống của họ, Volodymyr Zelensky và Vladimir Putin. Những dự đoán rằng những nhà lãnh đạo này sẽ khuất phục trước những bất đồng nội bộ đã được chứng minh là sai.
Cả hai tổng thống đều đang tăng điểm ủng hộ so với trước chiến tranh. Tại Ukraine, một cuộc thăm dò do Viện Cộng hòa Quốc tế công bố vào tháng 5 đã ghi nhận 94% sự ủng hộ dành cho Zelensky. Các cuộc thăm dò trong nước của Nhóm Đánh giá Xã hội học cho thấy sự ủng hộ dành cho Zelensky tăng gần gấp ba lần từ tháng 12 đến tháng 2, từ 31% lên 91%. Tại Nga, một cuộc thăm dò vào tháng 6 của Trung tâm Levada - nơi có các con số được coi là chính xác - cho thấy 83% ủng hộ đối với Putin, tăng 14 điểm so với tháng 1, trước cuộc tấn công của Nga.
Zelensky điều hành những gì còn lại là một đất nước bị chia cắt, nơi các nhà tài phiệt tham nhũng nắm giữ quyền lực đáng kể. Ông chống lại sự thúc giục của người Mỹ trước chiến tranh để thành lập một chính phủ thống nhất, nhưng cho đến nay, ông đã tránh được bất kỳ cuộc tấn công nội bộ lớn hoặc các cuộc săn lùng phù thủy (ám chỉ những trò đánh dưới thắt lưng ở chính trường Ukraine).
Sau đó, hôm Chủ nhật, ông Zelensky đã đột ngột loại bỏ Iryna Venediktova và Ivan Bakanov, lần lượt là tổng công tố quốc gia và lãnh đạo cơ quan an ninh nội bộ quốc gia. Zelensky nói rằng họ đã không đủ quyết liệt trong việc theo đuổi những người có cảm tình với Nga và cho rằng có nhiều người Ukraine nữa cũng không trung thành. Những động thái này là một lời nhắc nhở chát chúa về những căng thẳng tiềm ẩn. Nhưng các nguồn tin thân cận với các chính trị gia Ukraine nói rằng, cho đến nay, Zelensky đã cố gắng giữ được đòn bẩy lớn bên mình - và do đó chế ngự được các nhà tài phiệt.
Nếu Zelensky thực hiện những thay đổi bốc đồng hơn trong chính quyền của mình, ông ta có thể gây nguy hiểm cho sự thống nhất vốn là tài sản quý giá nhất của bản thân. Rick Atkinson, tác giả của bộ ba cuốn sách nổi tiếng về Thế chiến thứ hai ở châu Âu, đưa ra lời cảnh báo cho bất kỳ nhà lãnh đạo thời chiến nào: “Sự thay đổi trong các vị trí cấp cao trong thời chiến thường cho thấy sự rạn nứt căng thẳng ở thượng tầng, có thể do va chạm cái tôi hoặc do cần vật tế thần khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ”. Cảnh báo đó cũng áp dụng cho Putin.
Về vấn đề liên minh, giấc mơ lập lại trật tự toàn cầu của Tổng thống Putin dường như tan vỡ sau khi kế hoạch nhanh chóng loại bỏ đầu não ở Kyiv thất bại. Thay vì phá vỡ NATO, Putin đã tiếp sức cho nó, lôi kéo Thụy Điển và Phần Lan vào hiệp ước và gây áp lực mới lên sườn phía bắc của Nga. Tuy nhiên, ông Putin trong tuần này đã cố gắng củng cố vị thế ngoại giao của mình ở cấp độ phía nam, khi tới Iran để gặp lãnh đạo Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Chuyến đi của Putin tới Tehran là một nỗ lực sáng tạo nhằm đạt được đòn bẩy chính trị của một nhà lãnh đạo biết rằng chỉ dựa riêng lực lượng vũ trang của Nga, có thể khiến Nga rơi vào một cuộc xung đột mà nước này khó thoát khỏi trong nhiều thập niên. Đây cũng là một lời nhắc nhở về những quân bài ẩn số về ngoại giao và quân sự có thể làm thay đổi dự báo u ám hiện tại rằng cả hai bên sẽ khổ chiến với nhau tới đường cùng - và kết quả cuối cùng của cuộc chiến khủng khiếp này vẫn chưa thể biết chắc chắn.
Ngày 19.7 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt.
Đây cũng là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Putin kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2 vừa qua và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá dầu tăng cao.
Kết thúc hội đàm, các nhà lãnh đạo 3 nước đảm bảo cho tiến trình này đã thông qua tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết hỗ trợ Damascus.
Trong tuyên bố chung được thông qua, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác ba bên nhằm đạt được bình thường hóa bền vững và khả thi tình hình ở Cộng hòa Ả Rập Syria. Các quốc gia “nhóm 3” chia sẻ quan điểm rằng, cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết hoàn toàn bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên cơ sở đối thoại nội bộ Syria, như Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định, với sự tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bản về tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bản thân người Syria nên xác định tương lai của Syria mà không áp đặt bất kỳ công thức hay mô hình làm sẵn nào từ bên ngoài.
Tuyên bố chung lưu ý rằng, việc hỗ trợ đó cần được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Điều quan trọng là phải giúp tất cả mọi người, tất cả người Syria, không có ngoại lệ, trở lại cuộc sống bình thường.
Nga, Iran, Thổ Nhĩ kỳ một lần nữa kêu gọi cộng đồng thế giới, đặc biệt là cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, tăng cường hỗ trợ cho Syria thông qua việc thực hiện các dự án khôi phục cơ sở hạ tầng cơ bản, cung cấp điện nước, trường học, bệnh viện và các dự án rà phá bom mìn. Giải quyết thành công các nhiệm vụ này sẽ tạo điều kiện cho việc đưa người tị nạn và người di cư trong nước trở về nơi thường trú một cách an toàn và tự nguyện.